Trong 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, lãi suất tiết kiệm đã có sự thay đổi so với hồi đầu tháng 8.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng vẫn đồng nhất là 3,1%/năm, các kỳ hạn 3-6 tháng dao động quanh ngưỡng 3,4-4%/năm. Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn dài tại các ngân hàng đã có sự thay đổi.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ảnh minh hoạ
Theo đó, trong khi Vietcombank giữ nguyên mức cao nhất là 5,5%/năm và áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng thì hai ngân hàng là Agribank và BIDV cũng giảm nhẹ 0,1%/năm so với đầu tháng về còn 5,5%/năm hiện tại.
Hiện chỉ còn Vietinbank giữ lãi suất kỳ hạn dài cao hơn ba ngân hàng còn lại, là 5,6%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hiện nay vẫn là ACB. Lãi suất huy động cao nhất đang được ACB huy động lên tới 7,4%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm tại hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,12%/năm, 0,14%/năm và 0,01%/năm xuống mức 0,71%/năm, 0,84%/năm và 1,29%/năm.
Hồi đầu tháng 8, Techcombank đứng thứ hai thị trường khi niêm yết lãi suất huy động 7,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng phải gửi tối thiểu 999 tỷ đồng.
Nhưng nay, mức lãi suất này đã bị huỷ bỏ. Lãi suất cao nhất tại Techcombank kể từ cuối tháng 8 chỉ còn 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Do lãi suất cho vay gần đây được các ngân hàng hạ thêm để hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới không chỉ các ngân hàng quốc doanh mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm lãi suất huy động một cách đáng kể.
Đơn cử như tại Sacombank, biểu lãi suất huy động mới nhất của ngân hàng này đã giảm 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất 1 tháng giảm 0,2%/năm còn 2,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%/năm còn 3%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm nhiều nhất 0,4%/năm xuống 4,5%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Sacombank gửi tại quầy cũng giảm 0,2%/năm về 5,3%/năm.
Hiện lãi suất khi gửi tại quầy cao nhất tại Sacombank là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng; Còn gửi online lãi suất cao nhất là 6,3%/năm.
Dù có lãi suất huy động ở nhóm thấp song biểu lãi suất áp dụng từ 23/8 của Techcombank cũng giảm nhẹ 0,1%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn dài 36 tháng tại đây hiện còn 4,8%/năm…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng là 5,11 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm ngoái, và tiền gửi của dân cư là 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm ngoái.
So với tăng trưởng tín dụng và so với tăng trưởng tiền gửi cùng kỳ năm trước thì tăng trưởng tiền gửi 6 tháng đầu năm nay khá thấp. Điều này là do tác động của dịch bệnh và lãi suất huy động xuống thấp.
Trong khi đó, để hỗ trợ hệ thống trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và các ngân hàng đẩy mạnh vốn hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc.
Theo đó, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,05%/năm xuống còn 0%/năm từ ngày 1/9/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận