Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 27/8: Thêm 12.920 ca mắc mới, có 6.627 ca cộng đồng

27/08/2021, 14:00

Dịch Covid-19 ngày 27/8: Từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8, cả nước ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới, có 6.627 ca trong cộng đồng.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay:

Tin tức mới nhất dịch Covid-19, chiều 27/8, Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 12.901 ca ghi nhận trong nước. Trong đó có 6.627 ca trong cộng đồng.

Cụ thể, tại TP.HCM 5.383 ca, Bình Dương 4.187, Đồng Nai 996, Long An 454, Tiền Giang 312, Đà Nẵng 202, Tây Ninh 132, Khánh Hòa 131, Quảng Bình 125, Đồng Tháp 122, An Giang 91, Bình Thuận 87, Hà Nội 77, Cần Thơ 72, Thừa Thiên Huế 70, Đắk Lắk 63, Bà Rịa - Vũng Tàu 59, Nghệ An 57, Bến Tre 31, Bình Định 29, Thanh Hóa 28, Kiên Giang 28, Phú Yên 21, Trà Vinh 19, Bình Phước 17, Hậu Giang 15, Vĩnh Long 14, Quảng Trị 13, Quảng Ngãi 9, Sóc Trăng 8, Cà Mau 8, Ninh Thuận 6, Hà Tĩnh 6, Quảng Nam 5, Ninh Bình 5, Hà Nam 4, Gia Lai 4, Sơn La 3, Bạc Liêu 3, Bắc Ninh 2, Bắc Giang 2, Hải Dương 1.

Ngày 27/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 4.508 ca được lấy mẫu từ các ngày trước đó trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.332 ca.

Tại TP.HCM tăng 1.449 ca, Bình Dương giảm 681 ca, Đồng Nai tăng 253 ca, Long An tăng 5 ca, Tiền Giang giảm 42 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (199.483), Bình Dương (94.745), Đồng Nai (21.467), Long An (19.949), Tiền Giang (8.821).

Hôm nay, 10.126 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 198.614 ca. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.146 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.053 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 685.699 xét nghiệm cho 757.294 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.

Trong ngày 26/8 có 298.212 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.

Chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax

Theo nguồn tin của VietNamNet, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng đạo đức) đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax của công ty Nanogen.

Hiện toàn bộ hồ sơ, dữ liệu đã được chuyển sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế để xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vắc xin Nanocovax.

img

Vaccine Nanocovax đang trong quá trình xem xét cấp phép khẩn cấp

Trước đó trong 3 ngày 20-22/8, Hội đồng Đạo đức đã họp, thẩm định báo cáo giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax, đánh giá về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin. Tại buổi báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch.

Cụ thể, trong giai đoạn 3a, khả năng trung hoà virus sống của vắc xin Nanocovax tại thời điểm ngày thứ 42 (tức 14 ngày sau tiêm mũi 2) là 96,5%.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin Nanocovax có thể tương đương với nhiều vắc xin ngừa Covid-19 khác trên thế giới, riêng với biến chủng Delta đạt khoảng 75%.

Về các phản ứng phụ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau khớp, buồn nôn... chủ yếu ở mức độ nhẹ và trung bình.

Có 14 trường hợp gặp biến cố bất lợi trong quá trình tham gia thử nghiệm, tuy nhiên 11 trường hợp không liên quan đến vắc xin. Trong số 3 trường hợp, 1 ca chưa kết luận được mức độ liên quan do bị phổi tắc nghẽn mạn tính; 2 trường hợp bị phản vệ độ 2, sau xử trí đều đã hồi phục hoàn toàn.

Theo Thông tư 11 Hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp cấp bách vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 19/8, vắc xin đủ tiêu chuẩn cấp phép khẩn cấp có điều kiện khi đang thử nghiệm lâm sàng và đã có kết quả giữa kỳ pha 3 về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch.

Việc cấp phép sẽ dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin, Cục trưởng Cục Quản lý Dược sẽ cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin.

Sau khi được cấp phép lưu hành, cơ sở đăng ký phải tiếp tục phối hợp với cơ sở sản xuất thực hiện nghiên cứu lâm sàng và cập nhật dữ liệu lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đến nay, Nanocovax là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng đến pha 3 với tổng số hơn 13.000 tình nguyện viên tham gia đã tiêm đủ 2 mũi (giai đoạn 3a gồm 1.004 người, 3b gồm 12.000 người).

Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM là 2 đơn vị triển khai thử nghiệm, trong đó pha 3b triển khai tại 4 tỉnh gồm Hà Nội, Hưng Yên, Long An và Tiền Giang. Công suất của Nanogen hiện tại ở mức 8-10 triệu liều/tháng và có thể nâng cấp lên 20-25 triệu/tháng.

Sau Nanocovax, vắc xin Covivac của IVAC cũng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, vắc xin ARCT-54 được chuyển giao từ Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn 1.

Trưa 27/8, Hà Nội công bố 32 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Các ca nhiễm mới phân bố tại các quận, huyện: Hoàng Mai (10 ca); Thanh Xuân (8 ca); Thanh Trì (4 ca); Đông Anh (3 ca); Hoàn Kiếm (2 ca); Thạch Thất (2 ca); Nam Từ Liêm (1 ca); Long Biên (1 ca); Mê Linh (1 ca).

Các ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt trong cộng đồng gồm:

Trường hợp V.H.Q, sinh năm 1991, nam; ở Thạch Bàn, Long Biên. Người này làm nghề lái xe. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, mệt mỏi. Ngày 17/8, BN có đi làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Hồng Ngọc, kết quả âm tính. Ngày 26/8, bệnh nhân có khai báo và Trung tâm Y tế Long Biên lấy mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp H.T.H, sinh năm 1985, nữ; ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm. Ngày 26/8, bệnh nhân được Bệnh viện Thu Cúc làm xét nghiệm test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm khẳng định. Ngày 27/8 có kết quả dương tính.

Có 30 ca còn lại là các trường hợp F1, đã cách ly.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 2.874 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.502 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.372 ca.

Hà Nội khẩn cấp đưa nhiều F1 đi cách ly trong đêm

Ngay sau khi phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận thêm 38 ca mắc Covid-19 mới, đêm 26/8, cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp liên quan và đưa nhiều F1 đi cách ly tập trung trong đêm.

img

Nhiều F1 liên quan đến "ổ dịch" phường Thanh Xuân Trung được đưa đi cách ly tập trung trong đêm 26/8 (ảnh: TP)

Trong ngày hôm qua (26/8), trên địa bàn quận Thanh Xuân ghi nhận 38 ca mắc Covid-19, trong đó phường Thanh Xuân Trung có 37 ca, trước đó đều là F1 và 1 người sống trong khu vực phong tỏa ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Trước đó (ngày 24/8), ngay sau khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn, quận Thanh Xuân đã ra quyết định thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi.

Khu vực phong tỏa hiện có khoảng gần 700 hộ dân với hơn 2 nghìn nhân khẩu. Trong thời gian cách ly y tế, tất cả người dân tại địa bàn này không được tiếp xúc với người khác, không được ra khỏi vùng cách ly trừ trường hợp khẩn cấp và phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Tất cả người thuộc diện F1 đều được lực lượng y tế truy vết, sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Cũng như sẽ tiếp tục được theo dõi, chăm sóc sức khoẻ tại khu cách ly tập trung.

Quảng Trị: Nhân viên Trung tâm y tế Đông Hà dương tính với Covid-19

Ngày 27/8, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị - Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 1 trường hợp là nhân viên làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Đông Hà dương tính với Covid-19.

img

Trung tâm y tế TP. Đông Hà

Cụ thể, người này là nhân viên tạp vụ, đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Khi bị sốt, ho thì đi kiểm tra và được phát hiện mắc Covid-19.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khoanh vùng, truy vết. Nhà chức trách xác định có hơn 40F1 và quyết định tạm thời đóng cửa Trung tâm Y tế TP. Đông Hà. Đồng thời, phong tỏa một số điểm tại phường 1 (TP. Đông Hà) để thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Theo số liệu thống kê, đến 7h ngày 26/8, tỉnh Quảng Trị đang điều trị cho 78 trường hợp mắc Covid-19.

F0 bắt đầu được điều trị bằng thuốc Molnupiravir

img

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến 26/8 đã thực hiện 10.836.663 mẫu cho 29.983.657 lượt người

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ 27/8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào cộng đồng điều trị cho F0.

Molnupiravir là sản phẩm được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình.

Hiện thuốc Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất. Và công ty sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 ca F0 tại cộng đồng ở TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo, ngay khi thuốc Molnupiravir về thì các Trạm y tế lưu động, tổ y tế cơ sở phát các túi thuốc đến F0 cách ly tại nhà. Trong túi thuốc sẽ có thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng (sốt, ho, long đờm); thuốc điều trị các biến chứng đông máu, Vitamin C... Cán bộ y tế khi phát thuốc cần nói rõ cho người dân biết trong túi thuốc có thuốc Molnupiravir kháng virus Covid-19 để người dân yên tâm.

Hôm nay thêm 263.000 liều vaccine Pfizer về Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hôm nay (27/8), phần còn lại (263.000 liều) trong hơn 1 triệu liều vaccine do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX sẽ tiếp tục về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine tiếp nhận trong 2 ngày 26 và 27/8 lên khoảng 2,2 triệu liều.

Trước đó, trong ngày 26/8 đã có 770.000 liều Pfizer do Việt Nam mua (trong hợp đồng 31 triệu liều) về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh đó có trên 700.000 liều do Mỹ tài trợ, trên 400.000 liều do Úc tài trợ.

Bộ Y tế cho biết vừa triển khai phân bổ trên 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca mua thông qua VNVC (đợt phân bổ thứ 23), phân bổ đợt 24 với trên 501.000 liều vaccine AstraZeneca do Ba Lan tài trợ, đợt 25 với 300.000 liều vaccine AstraZeneca do Romania tài trợ và phân bổ 10.000 liều vaccine Sputnik V do Nga tài trợ.

Tính đến 27/8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 26 triệu liều vaccine, đã tiêm trên 18,52 triệu liều. Cuối tuần này, dự kiến sẽ có thêm 1 lô vaccine AstraZeneca số lượng có thể lên tới hàng triệu liều sẽ về đến Việt Nam.

Trong tháng 9 tới, dự báo có 9,3 triệu liều vaccine sẽ về, chưa kể 15 triệu liều vaccine một đơn vị ở Đồng Nai đang sắp xếp nhập khẩu.

Trong khi đó, những ngày vừa qua, tiến độ tiêm chủng có chậm lại, chỉ đạt 300-400 ngàn mũi/ngày, trong khi Việt Nam cần tiêm từ 500 ngàn mũi/ngày trở lên mới đảm bảo tiến độ mong muốn.

Bí thư Đà Nẵng: Để người dân ra khỏi nhà, chủ tịch, bí thư địa phương phải chịu trách nhiệm

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu phải xử lý trách nhiệm chủ tịch, bí thư các địa phương nếu từ ngày mai (27.8) còn để tồn tại tình trạng người dân ra khỏi nhà khi thành phố đang phong tỏa.

Chiều tối 26/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, qua kiểm tra thực tế, sau 10 ngày TP. Đà Nẵng thực hiện phong tỏa còn tồn tại sự lỏng lẻo, hạn chế trong việc lập chốt phong tỏa ở các địa bàn khu dân cư.

“Tôi là người trực tiếp đi kiểm tra, có rất nhiều chốt yêu cầu lập chốt cứng nhưng không làm hoặc làm sơ sài. Qua 10 ngày, có tình trạng người dân đi lại nên dẫn đến hư hỏng. Tôi trực tiếp đi kiểm tra thì thấy có người dân vạch lối ở chốt để chui ra ngoài mà chúng ta không khắc phục”, ông Quảng nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng tiếp tục nêu: “Đặc biệt, việc giám sát của chính quyền cấp cơ sở đã bộc lộ các hạn chế, nhất là việc chấp hành của người dân. Ở rất nhiều kiệt, hẻm, người dân tập trung đông người, thậm chí ra ngoài trao đổi, nói chuyện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lây nhiễm trong kiệt, hẻm. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt khắc phục, tình trạng này tái diễn thì việc ngăn chặn dịch sẽ gặp nhiều khó khăn”.

“Không làm cương quyết, quyết liệt, không có mục tiêu thì sẽ không đạt mục đích trong phòng chống dịch. Nếu nơi nào xảy ra tình trạng này thì không hoàn thành nhiệm vụ và truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu từ quận, phường đến tổ dân phố. Nếu các quận, huyện đều không hoàn thành nhiệm vụ thì truy trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố xem vì sao để xảy ra tình trạng này”, ông Quảng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo, từ ngày 27/8, thành phố phải tăng cường kiểm tra các quận, huyện trong việc thực hiện quyết định phong tỏa TP Đà Nẵng thêm 10 ngày tới.

"Nếu còn lập các chốt không chặt chẽ và ở kiệt, hẻm nào để người dân ra khỏi nhà thì bí thư, chủ tịch nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy và BCĐ", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Ca nhiễm giảm, số người khỏi bệnh kỷ lục

Theo Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 25/8 đến 18h ngày 26/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.575 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước.

Tại Bình Dương ghi nhận nhiều nhất với 4.868 ca, tiếp đến TP.HCM (3.934), Đồng Nai (743), Long An (449), Tiền Giang (354), Đà Nẵng (144), An Giang (131), Khánh Hòa (131), Đồng Tháp (116), Kiên Giang (112), Cần Thơ (72), Bến Tre (55), Hà Nội (50), Bình Thuận (48), Bà Rịa - Vũng Tàu (44), Nghệ An (43), Tây Ninh (42), Thừa Thiên Huế (24), Phú Yên (24), Quảng Bình (23), Trà Vinh (20), Bình Định (15), Bình Phước (13), Vĩnh Long (12), Sơn La (10), Đắk Lắk (10), Hà Tĩnh (9), Thanh Hóa (9), Sóc Trăng (9), Gia Lai (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Nam (8 ), Quảng Ngãi (7), Lạng Sơn (6), Ninh Thuận (5), Bạc Liêu (4), Quảng Trị (2), Bắc Giang (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1), Cà Mau (1) trong đó có 5.603 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong ngày 26/8, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 524 ca. Tại Bình Dương tăng 739 ca, TP.HCM giảm 1.360 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 35 ca.

Đáng chú ý, trong ngày 26/8, có tới 18.567 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 188.488 ca. Đây là số ngày có số người khỏi bệnh cao nhất từ trước đến nay.

Trong ngày 26/8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 318 ca tử vong tại TP.HCM (242 ca), Bình Dương (46), Tiền Giang (9), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (3), Long An (3), Vĩnh Long (3), Bình Thuận (2), Sóc Trăng (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên Huế (1), Trà Vinh (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 9.667 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 466.305 xét nghiệm cho 596.487 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 10.836.663 mẫu cho 29.983.657 lượt người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.