Xã hội

Dịch Covid-19 ngày 31/7: Cả ngày thêm 8.624 ca mắc mới, 3.250 ca khỏi bệnh

31/07/2021, 19:05

Tình hình dịch Covid-19 ngày 31/7: Tính đến chiều 31/7, Việt Nam có 145.686 ca mắc, Tiểu ban điều trị thông báo 145 ca tử vong từ ngày 19-31/7.

Tin tức mới nhất Covid-19

Theo bản tin Bộ Y tế, tính từ 6h đến 19h ngày 31/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.564 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.560 ca ghi nhận trong nước.

Trong ngày 31/7 ghi nhận 8.624 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca ghi nhận trong nước.

img

Tin tức Covid-19 mới nhất luôn cập nhật trong ngày trên Báo Giao thông.

Tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 1.677 ca, tiếp đến là Bình Dương (1.207), Long An (544), Khánh Hòa (335), Đồng Nai (234), Đồng Tháp (115), Tây Ninh (72), Đà Nẵng (55), Hà Nội (43), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), Bình Thuận (37), Phú Yên (30), Đắk Lắk (21), Bình Định (19), Cần Thơ (17), Hậu Giang (17), Bình Phước (14), Gia Lai (13), Nghệ An (11), Quảng Nam (10), Thừa Thiên - Huế (9), Đắk Nông (8 ), Ninh Thuận (5), Thanh Hóa (5), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), An Giang (2), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 1.072 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 31/7, Việt Nam có 145.686 ca mắc trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 31/7, có 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 441 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 145 ca tử vong do COVID-19 (số 1162-1306) từ ngày 19-31/7 tại 6 tỉnh, thành phố sau: TP. HMC 90 ca; Tiền Giang 47 ca; Đồng Tháp 4 ca; Long An 2 ca; Quảng Nam 1 ca và Trà Vinh 1 ca.

img

Cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP. HCM

4 tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2

Ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có 4 tiêu chí gồm nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Việc phân loại đúng cũng sẽ giúp xác định được các nhóm người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ khác nhau, từ đó giúp xác định đúng nhu cầu điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho từng đối tượng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ngành y tế và xã hội.

Theo tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm được chia làm 4 loại tương ứng với từng màu khác nhau. Cụ thể, màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là nguy cơ trung bình, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ và nguy cơ rất cao.

Nhóm nguy cơ rất cao: Những người từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền; Người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; người có SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng: Thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.

Nhóm này chỉ định nhập viện ngay đến bệnh viện thuộc "tầng 3 của tháp điều trị", các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Xử trí tình trạng cấp cứu trước, trong và sau khi vận chuyển đến bệnh viện.

Nhóm nguy cơ cao: Những người tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền; Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, người có SpO2 từ 93% đến 94%.

Nhóm này chỉ định nhập viện càng sớm càng tốt, chuyển đến bệnh viện thuộc "tầng 3 của tháp điều trị", các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng. Hướng dẫn người nhiễm SARS-CoV-2 liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu. Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Nhóm nguy cơ trung bình: Những người tuổi từ 46-64 tuổi và không mắc bất kỳ bệnh lý nền. Người có sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực...; người có SpO2 từ 95% đến 96%; hoặc người tuổi dưới 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền.

Nhóm này cần chuyển vào cơ sở thuộc "tầng 2 của tháp điều trị", các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Trong thời gian chờ nhập viện, yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ; hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu như rối loạn ý thức, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt... Đánh giá lại mức độ nguy cơ hằng ngày, chuyển màu/mức nguy cơ phù hợp.

Nhóm nguy cơ thấp: Những người dưới 46 tuổi và không mắc bệnh lý nền. Người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày. Người có sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này được chuyển đến cơ sở thuộc "tầng 1 của tháp điều trị", các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ban đầu. Hoặc chỉ định điều trị ngoại trú tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện điều trị ngoại trú như biệt thự, nhà riêng, có người theo dõi...).

Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công tác thu dung và kết quả điều trị, ngành y tế từng địa phương có thể kịp thời điều chỉnh, bổ sung phân loại nguy cơ nếu thấy cần thiết để có biện pháp xử trí người bệnh nhanh chóng, an toàn, hiệu quả...

Hà Nội có 9 ca trong cộng đồng, 17 ca đã cách ly

Trưa nay (31/7), Sở Y tế Hà Nội cho biết, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 26 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó có 17 bệnh nhân tại khu cách ly và 9 bệnh nhân phát hiện tại cộng đồng.

6 chùm ca bệnh ghi nhận bệnh nhân là: sàng lọc ho sốt cộng đồng (2); ho sốt cộng đồng thứ phát (16); chùm liên quan Tân Mai, Hoàng Mai (3); liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội (2); liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI (2); liên quan hiệu thuốc Đức Tâm 95 Láng Hạ (1).

img

02 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng là nữ, đều ở phường Văn Chương, quận Đống Đa. Hai bệnh nhân là mẹ và con, ngày 28/7, xuất hiện triệu chứng ho, sốt. Ngày 30/7, Bệnh nhân đến bệnh viện Xanh Pôn khám bệnh, được xét nghiệm sàng lọc dương tính và chuyển mẫu lên CDC Hà Nội làm xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính.

16 bệnh nhân thuộc chùm ho, sốt cộng đồng thứ phát

Quận Ba Đình: 06 bệnh nhân tại phường Phúc Xá

Quận Hoàn Kiếm: 01 bệnh nhân tại phường Chương Dương

Quận Hoàng Mai: 02 bệnh nhân tại phường Vĩnh Hưng

Huyện Thạch Thất: 01 bệnh nhân tại xã Phùng Xá

Huyện Gia Lâm: 01 bệnh nhân tại xã Bát Tràng

Huyện Thường Tín: 01 bệnh nhân tại xã Ninh Sở

Huyện Thanh Trì: 03 bệnh nhân tại xã Liên Ninh

Quận Bắc Từ Liêm: 01 bệnh nhân tại phường Đức Thắng

01 bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc Đức Tâm 95 Láng Hạ là nữ giới ở phường Trung Liệt, Đống Đa.

03 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Tân Mai, Hoàng Mai

Quận Hoàng Mai: 01 bệnh nhân tại phường Đại Kim

Quận Đống Đa: 01 bệnh nhân tại phường Láng Thượng

Quận Tây Hồ: 01 bệnh nhân thuộc phường Thụy Khuê

02 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội

Quận Bắc Từ Liêm: 01 bệnh nhân tại phường Đông Ngạc

Quận Hai Bà Trưng: 01 bệnh nhân tại phường Lê Đại Hành

02 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bắc Giang tại công ty SEI

Quận Thanh Xuân: 01 bệnh nhân tại phường Hạ Đình

Huyện Đông Anh: 01 bệnh nhân tại xã Văn Tiến

Với việc ghi nhận thêm 26 trường hợp mắc mới trong trưa nay, Hà Nội đã có 1149 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay, trong đó 679 trường hợp tại cộng đồng và 470 trường hợp tại khu cách ly.

Đồng Nai có hơn 500 ca nhiễm trong một ngày

Sáng 31/7, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong ngày 30-7 toàn tỉnh ghi nhận thêm 515 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 131 ca sàng lọc và 383 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Đây là số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay tại tỉnh Đồng Nai.

Nhơn Trạch có số ca nhiễm trong ngày cao nhất với 214 ở các xã Long Tân với 121, xã Phú Hội 23 ca, Hiệp Phước 18 ca, xã Phước Thiền 16 ca, xã Long Thọ 13…. và có 59 ca tại công ty BOE phát hiện qua sàng lọc test nhanh tại công ty.

img

Tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 515 ca dương tính COVID-19, là số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay.

Tại TP Biên Hòa có 130 ca trong đó phường An Bình 16, phường Long Bình 16 ca, phường Hóa An 14 ca, phường Trảng Dài 10 ca, Hòa Bình 8 ca, Long Bình Tân 7 ca.Huyện Vĩnh Cửu 71 ở xã Thạnh Phú 34 ca, xã Tân Bình 20 ca, xã Bình Lợi 6 ca… ). Huyện Trảng Bom 69 ở các xã Hố Nai 3 với 45 ca, xã Đồi 61 với 7 ca, xã Bắc Sơn 6).

Số ca còn lại rải rác ở các huyện Long Thành, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán...

Tổng số ca dương mới trong đợt dịch thứ tư là 4.478, trong đó, TP Biên Hòa nhiều nhất với 2.090 ca, huyện Nhơn Trạch 788, huyện Vĩnh Cửu 622, Trảng Bom 254, huyện Thống Nhất 193 ca. Cộng dồn tử vong 18 ca.

Đồng Nai cũng tiếp tục ghi nhận nhiều ổ dịch với số ca dương khá cao 50-60 ca tại các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ. Nguy cơ cao trở thành đợt bùng phát dịch lớn từ các doanh nghiệp. Cần phải khẩn trương thực hiện tầm soát tất cả các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ để phát hiện, khống chế và xem xét việc có tiếp tục thực hiện phương án này không.

Theo ngành y tế, số ca dương mới tại huyện Nhơn Trạch tăng cao, trong đó có nhiều ca lây nhiễm thứ phát tại ổ dịch cũ liên quan, các ổ dịch trong doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ và nhiều ổ dịch cộng đồng đang phát hiện mới. Diễn biến dịch tại Nhơn Trạch đang phức tạp hơn.

Hiện việc điều tra truy tại các vết ổ dịch mới và lấy mẫu diện rộng tại các ổ dịch cũ ở TP Biên Hoà khá chậm, trong đó có nguyên nhân là không còn nhân lực để huy động.

Đồng Nai giãn cách thêm 15 ngày, không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau

Từ 0h ngày 2/8, Đồng Nai tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 15 ngày, yêu cầu người dân không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trước tình hình hết sức cấp bách do chủng mới virus Delta diễn biến nhanh và khó lường, để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo chỉ thị 16 thêm 15 ngày.

Thời gian áp dụng từ 0h ngày 2-8, theo nguyên tắc người cách ly người, gia đình cách ly với gia đình, ấp cách ly ấp, xã/phường cách ly xã/phường, huyện/thành phố cách ly huyện/thành phố.

UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình; thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử phạt nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương đó.

Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo một trong ba phương án, gồm: 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm và linh động cùng lúc 2 phương án. Giao Sở Lao động - thương bình và xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai, hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nội dung trên.

Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, áp dụng từ 0h ngày 2/8, ngoại trừ 5 nhóm lực lượng, gồm: cấp cứu, cứu hỏa, lực lượng phòng chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài...

Sáng 31/7, Hà Nội thêm 23 ca nhiễm Covid-19, có 8 ca cộng đồng

Sáng nay, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 23 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2, trong đó có 8 trường hợp tại cộng đồng và 15 bệnh nhân là những người đã được cách ly trước đó.

9 quận, huyện có bệnh nhân là Đông Anh (8), Bắc Từ Liêm (3), Long Biên (2), Mê Linh (2), Thạch Thất (2), Hoàng Mai (2), Hai Bà Trưng (2), Ba Đình (1), Đan Phượng (1). Phân bố theo chùm ca bệnh: liên quan đến Bắc Giang tại Công ty SEI (12), ho sốt thứ phát (9), TP.Hồ Chí Minh (2).

12 bệnh nhân mới thuộc chùm ca bệnh Công ty SEI (Khu công nghiệp Thăng Long) đều là công nhân công ty này, đã được cách ly từ ngày 5/7 (khi nhà máy xuất hiện ca bệnh dương tính) và được lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần đều âm tính. Ngày 30/7, 12 công nhân này được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

9 bệnh nhân thuộc chùm ho, sốt thứ phát tại Ngọc Hà, Ba Đình (1); Tân Hội, Đan Phượng (1); Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng (2); Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (1); Thượng Thanh, Long Biên (2); Phùng Xá, Thạch Thất (2). Các bệnh nhân này ngày 29/7 và 30/7 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả khẳng định dương tính.

2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh đều ở phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. Đây là những người nằm trong khu vực phong tỏa do liên quan đến F0, đều được lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 22/7 (âm tính). Ngày 29/7, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 1123 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 670, số mắc là đối tượng đã được cách ly 453.

Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có 864 trường hợp dương tính, đáng chú ý là số mắc mới bắt đầu tăng và diễn biến phức tạp với số trường hợp ghi nhận ngoài cộng đồng ngày càng nhiều từ ngày 17/7. Có đến 8 chùm ca bệnh không xác định được nguồn lây nhiễm.

Đặc biệt là ngày hôm qua 30/7, Hà Nội ghi nhận con số kỷ lục với 119 bệnh nhân mắc mới trong ngày. Ổ dịch tại Công ty SEI liên quan đến Bắc Giang cũng kéo dài và vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các bệnh nhân mắc mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội song song với việc nâng cao năng lực xét nghiệm đã tích cực phối hợp và hỗ trợ các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra, truy vết để hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh.

Sáng nay, thêm 4.060 ca mắc mới Covid-19; TP.HCM có 2.503 ca

Theo bản tin của Bộ Y tế, tính từ 19h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới ghi nhận trong nước.

Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38), Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1) trong đó có 973 ca trong cộng đồng.

img

Báo Giao thông cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất ngày 31/7

Tính đến sáng ngày 31/7, Việt Nam có 141.122 ca mắc trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Đến nay, cả nước đã có 35.484 ca được điều trị khỏi; Hiện có 411 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 5.853.565 mẫu cho 16.900.185 lượt người.

Trong ngày có 407.283 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

Nha Trang cấm người ra đường từ 19h đến 6h sáng từ hôm nay 31/7

Sáng 31/7, ông Nguyễn Sỹ Khánh, chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết UBND TP vừa ra văn bản yêu cầu người dân không được ra đường từ 19h đến 6h sáng kể từ hôm nay và phong tỏa tạm thời 11 xã, phường.

img

Người dân 11 xã, phường tại TP Nha Trang không được ra khỏi nhà và được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng từ 0h ngày 31-7. Ảnh: Tuổi trẻ

Các trường hợp sau đây vẫn được ra đường sau 19h gồm: lực lượng cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; lực lượng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài trong tỉnh và trung ương; công nhân vệ sinh môi trường; công nhân sửa chữa điện nước và hạ tầng; phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất và hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện làm nhiệm vụ phòng chống dịch và các cửa hàng xăng dầu, nhà thuốc...

Theo UBND TP Nha Trang, sau khi có lệnh cấm ra đường sau 19h, những hộ dân nào được phát phiếu đi siêu thị, cửa hàng bách hóa có khung giờ vào ban đêm thì được lựa chọn đi buổi sáng hoặc chiều.

Đặc biệt, đối với 11 xã, phường có "nguy cơ rất cao" gồm: Phước Đồng, Vĩnh Trường, Vĩnh Hiệp, Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vạn Thắng và Vạn Thạnh thì được phong tỏa tạm thời để lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 kể từ 0h ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới.

Động thái trên được thực hiện sau khi TP Nha Trang ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao.

Thiết lập 12 trung tâm Hồi sức Covid-19 ở cả 3 miền

Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng".

Theo đó, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.

Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 - 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM quy mô 300 giường.

img

Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện.

Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.

Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.

Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).

Tùy theo nhu cầu thực tế, diễn biến dịch bệnh và năng lực chuyên môn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh được bổ sung vào danh sách trong trường hợp cần thiết.

Đề nghị địa phương tiêm vaccine cho lái xe

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc 4580 đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe để không đứt gãy chuỗi sản xuất.Tin tức trong ngày hôm nay

Theo Bộ Công thương, thời gian vừa qua, Bộ đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về việc quy định về các biện pháp phòng dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất...

Điều này làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Công thương đánh giá, nếu ưu tiên tiêm vaccine cho các lái xe thì việc lưu chuyển hàng hóa sẽ được bảo đảm.

Trong khi, hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế của đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới hành chính.

Vì thế, khi không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.

Bởi vậy, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, Bộ này cho rằng, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, cửa khẩu...) đóng vai trò quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đấu chống dịch (như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tuyến đấu chống dịch...).

Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước.

Từ đó, có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu và phát triển kinh tế.

Do đó, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên như lực lượng tuyến đầu chống dịch.

img

Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Ngày 30/7, 3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 30/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.657 ca mắc mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 3.635 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (1.542 ca), Bình Dương (636), Long An (448), Đồng Nai (157), Cần Thơ (151), Khánh Hòa (139), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Hà Nội (81), Đồng Tháp (67), Đà Nẵng (65), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Phú Yên (23), Bến Tre (18), Bình Thuận (17), An Giang (16), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8 ), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (2), Hoà Bình (2), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1); trong đó có 715 ca trong cộng đồng.

Tính cả ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (4.282 ca), Bình Dương (1.920), Long An (469), Đồng Nai (360), Tiền Giang (242), Khánh Hòa (217), Cần Thơ (174), Đồng Tháp (157), Hà Nội (144), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Bến Tre (97), Tây Ninh (88), Đà Nẵng (65), Phú Yên (40), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Bình Thuận (17), An Giang (16), Vĩnh Long (15), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8 ), Hà Tĩnh (7), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Đắk Nông (4), Thái Nguyên (3), Lạng Sơn (2), Hòa Bình (2), Nam Định (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1) trong đó có 1.702 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 30/7, Việt Nam có 137.062 ca mắc trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 134.827 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 133.257 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

3.704 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 30/7, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 35.484 ca.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 139 ca tử vong do Covid-19 (số 1023-1161) từ ngày 16-30/7/2021 tại 9 tỉnh, thành phố.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.

1.800 bệnh nhân Bệnh viện Dã chiến số 3 xuất viện

Bệnh viện Dã chiến số 3 TP Hồ Chí Minh (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP Thủ Đức) mới đi vào hoạt động được hơn 3 tuần. Tổng số bệnh nhân được Bệnh viện Dã chiến số 3 cho xuất viện tính đến chiều 30/7 là 1.800 người.

BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) chia sẻ: Hiện tại Bệnh viện Dã chiến số 3 có 20 bệnh nhân cấp cứu, đang phải thở ô xy. Các y bác sĩ điều trị tích cực, khi trở nặng sẽ chuyển lên tuyến cao hơn.

Tất cả các quy trình hội chẩn, phác đồ đều áp dụng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ điều trị tại đây, các giường trống từ số bệnh nhân xuất viện sẽ được sắp xếp tiếp nhận các bệnh nhân mới. Hết ngày 30/7, số bệnh nhân mới cũng đã được đưa vào kín giường ở Bệnh viện Dã chiến số 3.

Được biết, bệnh viện này dùng để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng. Hiện tại bệnh viện có 2.500 giường.

img

Nhân viên y tế đi tầm soát lấy mẫu phòng chống dịch ở một xóm trọ ở Đồng Nai. Ảnh minh họa

Thủ tướng kêu gọi ưu tiên vắc xin cho TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh có KCN

Ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-9 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-9 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vắc xin cho TP.HCM.

Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc xin cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.

TP.HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn. Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

img

Nhân viên y tế phun khử khuẩn toàn bộ khu vực Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu.

Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian.

Trong đó, cần rút gọn các thủ tục về hành chính, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc xin trong nước để có thể làm chủ; khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch; tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

Đồng thời, đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao, bổ sung trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, năng lực cho các cán bộ y tế từ các chuyên khoa khác để tăng cường nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu. Động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên để sức chiến đấu lâu dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.