Hạ tầng

Dịch Covid-19: Nhân viên thu phí BOT… buồn ngủ vì xe qua trạm quá ít

08/04/2020, 08:00

Nhiều dự án BOT giao thông trên cả nước đang gặp khó khăn về phương án tài chính, doanh thu sụt giảm mạnh.

img
Vắng xe đi lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1 - 5/4, doanh thu mỗi ngày tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ khoảng 710 triệu đồng, giảm 40 - 50% so với bình quân tháng 3/2020. Ảnh: VETC

Trạm BOT sụt giảm mạnh doanh thu vì Covid-19

Dù được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn, song gần 4 năm qua, phương án tài chính của dự án BOT QL19 qua Tây Nguyên bị thâm hụt trầm trọng khi doanh thu không đủ trả lãi ngân hàng do những thay đổi cơ chế chính sách như: Dự án phải miễn giảm phí, giá thu phí thấp hơn phương án ban đầu, không được tăng phí theo lộ trình… Điều này khiến từ khi bắt đầu thu phí từ ngày 1/6/2016 đến ngày 31/12/2019, nhà đầu tư (Tổng công ty 36) phải bù đắp thiếu hụt dòng tiền cho dự án lên tới 91 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, BOT QL19 còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi doanh thu giảm sâu do tác động của dịch Covid-19.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án) cho biết, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, doanh thu dự án sụt giảm 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. “Lượng phương tiện lưu thông trên tuyến trong 2 tháng qua rất thưa thớt, thậm chí nhiều lái xe nói rằng họ sợ đi trên QL19 vì lo ngại nhiễm dịch Covid-19 bởi lượng người từ Campuchia đổ về qua khu vực này quá lớn”, ông Dũng nói và cho biết, năm 2019, doanh thu bình quân của dự án khoảng 300 triệu đồng/ngày đêm, riêng 2 tháng qua, mỗi ngày chỉ được khoảng 100 triệu đồng. “Nhiều nhân viên chia sẻ, họ cảm thấy buồn ngủ vì xe qua trạm quá ít”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, doanh thu tại dự án BOT QL19 tiếp tục giảm sâu kể từ khi thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. “Từ 1/4 đến nay, bình quân mỗi ngày dự án chỉ thu được khoảng 60 triệu đồng, đạt 1/6 so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT của dự án”, ông Dũng thông tin.

Tại phía Bắc, đại diện Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, trong tháng 2/2020, bình quân mỗi ngày dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang thu được khoảng 1,12 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 3/2020, doanh thu đạt được 1,1 tỷ đồng/ngày đêm.

Theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, bình quân mỗi ngày trong năm 2020, dự án phải thu đạt 1,7 tỷ đồng, nhưng thực tế doanh thu trong 2 tháng đầu năm 2020 rất thấp và dự kiến còn giảm mạnh trong những tháng tới.

“Từ 1 - 5/4, doanh thu thu phí mỗi ngày tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang tiếp tục sụt giảm. Bình quân mỗi ngày dự án chỉ thu được khoảng 710 triệu đồng, giảm 40 - 50% so với doanh thu bình quân trong tháng 3/2020”, đại diện Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang nói và cho biết, bình thường các năm trước, doanh thu của dự án chỉ đạt 86% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, đến nay tiếp tục sụt giảm do dịch Covid-19. Nếu không được tăng phí theo lộ trình như hợp đồng BOT, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nói: “Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng cho hay, doanh thu trong tháng 2 - 3/2020 đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong tháng 2/2020, doanh thu của dự án đạt 55,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2019; tháng 3/2020 đạt 53 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng 2/2020, trong khi bình quân mỗi tháng năm 2019 doanh thu dự án đạt khoảng 60 tỷ đồng. Còn từ 1/4 đến nay doanh thu thu phí của dự án chỉ đạt 1,05 tỷ đồng/ngày, bằng 58% so với bình quân trong tháng 3/2020”.

Đánh giá tổng thể tác động của dịch Covid-19 với các dự án BOT

Bình thường, các năm trước, doanh thu thực tế của dự án BOT QL19 chỉ đạt 70 - 75% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Đến nay, doanh thu lại tiếp tục giảm sâu do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến phương án trả nợ ngân hàng. Đầu tháng 3/2020, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép Vietinbank cơ cấu lại khoản vay cho phù hợp với thời gian thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của dự án BOT QL19 nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ để giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Ngọ, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện Tổng cục đang tổng hợp số liệu doanh thu thu phí của trạm BOT trên cả nước trong tháng 2/2020. “Dự kiến trong tuần sau, chúng tôi sẽ có kết quả chính thức về doanh thu của các trạm thu phí, từ đó mới có thể đánh giá được tổng thể tác động của dịch Covid-19 đối với doanh thu của các trạm thu phí BOT giao thông”, ông Ngọ nói và cho biết, công tác kiểm tra, giám sát đối với các trạm BOT vẫn đang được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định.

Cũng liên quan đến các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa ký văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và Hiệp hội taxi TP HCM về giảm phí BOT từ 3-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống KT-XH. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách... bị ảnh hưởng rõ rệt. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bằng những hành động, giải pháp cụ thể nhằm tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH.

Đối với chi phí của các phương tiện vận tải khi đi qua trạm thu phí hoàn vốn đầu tư dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đây là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các nhà đầu tư hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Mặt khác, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến càng khó khăn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.