PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc xuất hiện ổ dịch ở Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này, kịch bản ứng phó là gì? Những kinh nghiệm từ giai đoạn trước có ý nghĩa thế nào trong thời điểm hiện nay?
Không bất ngờ
Dịch Covid-19 đã lại bùng phát, với việc chúng ta ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày, ông có cho rằng đây là điều bất ngờ?
Có thể nói, sự trở lại của dịch Covid-19 và khởi nguồn ca đầu tiên tại TP Đà Nẵng không phải là điều bất ngờ, mà nó nằm trong dự liệu của chúng ta. Bởi lẽ dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong suốt thời gian qua.
Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại, một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca mắc cao. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong.
Bên cạnh đó, phải nhìn nhận sau giãn cách xã hội toàn quốc, chúng ta bước vào thời kỳ bình thường mới, nới lỏng để phát triển kinh tế và làm du lịch. Dù Chính phủ, các ngành, Bộ Y tế đã lưu ý rất cụ thể, có quy định rất rõ ràng về trạng thái bình thường mới, song phải nói thật, kể cả chính quyền và người dân còn chủ quan, chưa thực hiện tốt những quy định đó.
Ông đánh giá thế nào về tình hình ổ dịch Đà Nẵng nói riêng và diễn biến dịch hiện nay nói chung?
So với lần trước, tình hình dịch bệnh này có diễn biến phức tạp hơn. Ở đây có 2 điều đáng lo ngại. Thứ nhất là ổ dịch lần này được phát hiện ở trong bệnh viện. Như vậy, chắc chắn ngoài cộng đồng đã có ca bệnh và lây nhiễm vào trong cơ sở y tế thành chùm ca bệnh, trong đó có cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Điều này cũng cho thấy kẽ hở trong công tác phòng bệnh cho nhân viên y tế. Hơn nữa, việc lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện tạo thành ổ dịch cũng là nguồn lây rất nhanh và rộng.
Tuy nhiên, với việc khoanh vùng như hiện nay, việc dập ổ dịch trong bệnh viện hoàn toàn có thể kiểm soát. Điều đáng ngại nhất là lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt khi Đà Nẵng là điểm du lịch lớn với hàng chục ngàn du khách đến và đi khắp nơi mỗi ngày trong suốt thời gian qua.
Chỉ 1 người nhiễm có thể thành ổ dịch
Đà Nẵng là địa điểm du lịch lớn nên sau khi một lượng lớn khách được giải tỏa, có ý kiến lo ngại thời gian tới sẽ còn tiếp tục có thêm các ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện ở các tỉnh, thành khác. Quan điểm của ông thế nào?
Trước hết, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về việc này. Bởi nếu tiếp tục để mật độ dân cư đông, với lượng khách du lịch rất lớn, thì nguy cơ bị lây chéo tăng lên. Đó là chưa kể tới các vấn đề, hệ lụy xã hội khác có liên quan (các vấn đề ăn ở, sinh hoạt, tài chính của khách du lịch…).
Trong tình hình này, phải chia nhỏ để giảm tải cho Đà Nẵng và các địa phương cùng chung trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Để làm được điều này, các địa phương cần nghiêm túc tuân thủ theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu người dân đã đến Đà Nẵng và trở về địa phương từ ngày 8/7 thực hiện khai báo điện tử, tự theo dõi sức khỏe. Lấy mẫu kiểm tra với những người đã đến khu vực có nguy cơ cao bị cách ly và tăng cường lấy mẫu những người có dấu hiệu sốt, viêm phổi. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng, khi phát hiện ở đâu thì phải khoanh vùng, dập dịch ngay ở đó.
Tại thời điểm này, trách nhiệm và ý thức của người dân là vô cùng quan trọng, bởi chỉ cần nhiễm 1 người thì có thể thành ổ dịch và ổ dịch đó còn lây lan rộng. Chính vì vậy, sự trung thực, trách nhiệm của mỗi người dân sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này tại Đà Nẵng, việc ứng phó trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của ông thì đã kịp thời và đầy đủ chưa?
Khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng, chúng ta vào cuộc một cách quyết liệt vì đã có kịch bản từ trước. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Ban Chỉ đạo quốc gia họp liên tục để quyết sách kịp thời. Bộ Y tế đã huy động tổng lực những lực lượng tinh nhuệ nhất, những chuyên gia đầu ngành vào Đà Nẵng dập dịch, đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, truy vết và khoanh vùng.
Đà Nẵng sẽ có tiếp tục lây nhiễm, vì thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày, chưa kể người dân không chủ động phòng bệnh thì dịch sẽ tiếp tục lây lan. Hy vọng không phát sinh thành ổ dịch lớn vì chúng ta thực hiện khoanh vùng tốt. Quan điểm nhất quán là dịch đến đâu, dập đến đó, không để cho nó bùng phát.
Tuy nhiên, cũng có khó khăn là Đà Nẵng là điểm du lịch, người dân tỏa đi tứ xứ. Vì thế, bây giờ nhiệm vụ quan trọng là phối hợp tốt, không chỉ có Đà Nẵng mà các địa phương khác cũng phải thực hiện. Cả chính quyền và người dân cùng bình tĩnh, cùng vào cuộc.
Đến thời điểm này đã xuất hiện một số ca lây nhiễm Covid-19 ở các địa phương khác ngoài Đà Nẵng, trong đó có những trường hợp vừa đi du lịch Đà Nẵng trở về. Mỗi người dân cần phải làm gì để cùng với các lực lượng chức năng ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh?
Từ ổ dịch Đà Nẵng, thực tế cũng rất lo ngại lây nhiễm theo kiểu vết dầu loang. Vì vậy, chống dịch lần này, các tỉnh thành phải có những kịch bản phù hợp nhất theo từng địa phương và bối cảnh, giống như giai đoạn đầu chống dịch.
Việc phát hiện ca bệnh giờ là quan trọng nhất. Tìm F0 nguồn lây rất khó, quan trọng là phải phát hiện được ổ dịch mới, tìm những người tiếp xúc liên quan tới những ổ dịch này. Các địa phương phải tăng cường phát hiện, bao vây từng ổ dịch, khi phát hiện có khoanh vùng dập tắt ngay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện.
Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 của ngành Y tế, khi đến những nơi tập trung đông người, đặc biệt tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn… Những nơi có dịch bệnh không tổ chức các lễ hội lớn, kể cả vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người...
Cảm ơn ông!
BS. Trần Văn Phúc, BV SaintPaul:
“Cần đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng”
Chúng ta có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là cuộc chiến 100 ngày khi chưa có nhiều ca bệnh, chúng ta có biện pháp “be bờ”, phát hiện sớm, truy vết để phòng chống dịch Covid-19 thành công.
Tuy vậy ở giai đoạn 2 này, chỉ trong ít ngày số bệnh nhân nhiễm đã tăng lên nhanh và sẽ tăng tiếp trong thời gian tới. Vì thế, áp dụng các biện pháp phát hiện và truy vết từng người như trong giai đoạn 1 cũng chỉ là 1 trong nhiều giải pháp tổng thể.
Quan trọng nhất trong giai đoạn này là phát hiện ra ca bệnh sớm để cô lập. Chìa khóa trong giai đoạn 2 này, theo tôi đó là đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng. Bài học thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc và của Mỹ đã đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và đã kiềm chế được dịch bệnh. Như tại TP Đại Liên, Trung Quốc với 6 triệu dân, trong 4 ngày tiến hành xét nghiệm diện rộng đã kiểm soát tình hình. Hay Hàn Quốc tưởng vỡ trận, tuy nhiên với việc lập hàng ngàn điểm xét nghiệm toàn dân, đến giờ Hàn Quốc đã kiểm soát tốt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận