Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội 15 ngày kể từ 1/4, nhiều địa phương đã triển khai rất tốt các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lực lượng chức năng đã bám sát các chốt giám sát, phòng dịch, trực tiếp kiểm tra nhắc nhở người vi phạm mang lại hiệu quả bước đầu.
Tuy nhiên, ghi nhận tuần đầu triển khai Chỉ thị 16, việc thực hiện chủ trương cách ly tập trung với người đến từ vùng dịch hoặc từ tỉnh ngoài đang không thống nhất trên toàn quốc.
Quảng Ninh: Không cho xe vào tỉnh nếu không có lý do chính đáng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại chốt Trạm thu phí cầu Bạch Đằng - đầu mối quan trọng kiểm soát người dân, du khách vào Quảng Ninh, nhiều xe cá nhân được yêu cầu quay đầu khi không nêu được lý do chính đáng. Những người được giải quyết đi vào Quảng Ninh phải khai báo y tế và được cấp giấy kiểm soát trong ngày. Khi xuất trình giấy này thì không phải khai báo, kiểm tra lại tại chốt kiểm soát khác.
Các xe trong diện ưu tiên như xe cứu thương, xe thực thi công vụ, xe tải chở hàng... được vào thành phố sau khi kiểm tra y tế và số người tối đa trên xe.
Trung tá Nguyễn Văn Năm, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an TX Quảng Yên cho biết, những ngày đầu còn xảy ra ùn tắc cục bộ tại khu vực kiểm soát nhưng đến nay cơ bản đã được giải quyết.
Tại QL18, đoạn giáp ranh giữa 2 địa phương Hạ Long và Cẩm Phả, anh Nguyễn Chiến Thắng, người dân đi từ TP Hải Dương cho biết: “Tôi có việc rất quan trọng, sau khi chứng minh lý do tại chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng thì đi các chốt khác không có vấn đề gì khi xuất trình giấy đi lại trong ngày. Cách làm này của Quảng Ninh rất hay và hiệu quả".
Được biết, Quảng Ninh đang nghiên cứu việc in tem kiểm soát y tế cấp theo ngày để dán lên các phương tiện đã qua kiểm tra khi vào Quảng Ninh.
Trước đó, Quảng Ninh ra Điện khẩn từ 00h ngày 1/4 đến hết ngày 15/4, dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra/vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trừ các trường hợp đặc biệt) gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Sơn La: Cách ly tập trung người đến từ các địa phương có dịch
Từ 0h ngày 6/4, Sơn La thực hiện cách ly tập trung các công dân không có hộ khẩu thường trú, tạm trú đi từ các địa phương có dịch đến địa bàn tỉnh.
Theo đó, người không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại tỉnh Sơn La phải cách ly y tế tập trung tại các cơ sở ở các huyện, thành phố Sơn La, Trung đoàn 754 trong vòng 14 ngày.
Người có hộ khẩu thường trú tại Sơn La thì cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, cư trú, tạm trú 14 ngày.
Không áp dụng các biện pháp cách ly đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly y tế tại địa phương khác (có giấy xác nhận).
Những trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn... phải khai báo y tế bắt buộc, lịch trình di chuyển với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, tự theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đối với các trường hợp đi công tác có văn bản đồng ý của người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải chấp hành khai báo y tế, giám sát y tế của địa phương. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét trường hợp thực sự cần thiết cử đi công tác và phải chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo tỉnh về quyết định của mình…
Hải Phòng: Yêu cầu đi cách ly ngay khi vào cửa ngõ
Chiều 5/4, PV Báo Giao thông có mặt tại nút cuối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, các phương tiện lưu thông thưa thớt, chủ yếu là xe tải, xe container di chuyển vào thành phố.
Một cán bộ trực tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cho biết, từ tối 4/4, người dân đã hạn chế đi lại trên tuyến đường này sau khi UBND TP Hải Phòng có văn bản về việc cách ly tập trung với những người đi về từ vùng dịch. Đồng thời hạn chế người trong thành phố đi ra tỉnh ngoài.
Khoảng 14h25 ngày 5/4, anh Đàm Quang Trung (SN 1984 ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển ô tô BKS 14A-439.16 di chuyển theo cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Khi tới chốt kiểm soát vào Thành phố, anh Trung đã chọn cách "thoái lui" khi được cán bộ tại chốt yêu cầu kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly của Hải Phòng.
Cũng tại địa điểm trên, PV ghi nhận nhiều người dân đến tận chốt kiểm soát hỏi thông tin, thủ tục cần thiết để ra vào thành phố.
Hải Phòng là thành phố tổ chức cách ly y tế tập trung đối với tất cả những người đến từ các vùng dịch (trừ các trường hợp theo Chỉ thị 16). Người cách ly phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly.
Quảng Nam: Bỏ phương án thu phí cách ly
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đã triển khai 50 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trong đó huy động 350 chiến sỹ công an, các ngành khác 213 người.
Quảng Nam đã kiểm soát và đưa vào khu cách ly tập trung 472 người. Trong đó có 389 người về từ TP.HCM, 24 người từ Hà Nội và 59 người từ các địa phương khác.
Lãnh đạo tỉnh cho biết vừa thống nhất bỏ chủ trương thu phí cách ly với người ngoại tỉnh đến Quảng Nam. Tỉnh sẽ vận động tìm nguồn xã hội hóa để bù đắp chi phí này.
Đà Nẵng: Yêu cầu cách ly thu phí với người đến từ Hà Nội, TP.HCM
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố đã có công văn về việc cách ly y tế đối với người đến từ địa phương có dịch.
Theo đó, từ 5/4, Đà Nẵng sẽ cách ly y tế tập trung có thu phí đối với người đi từ Hà Nội và TP.HCM đến địa phương đủ 14 ngày.
Việc cách ly này áp dụng cả với người dân Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập tại 2 địa phương trên khi quay về TP.
Các cơ sở cách ly tập trung tại Đà Nẵng do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố quản lý.
Thành phố sẽ thu phí ăn, sinh hoạt hằng ngày. Mức thu bằng với mức Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đang áp dụng cho công dân nhập cảnh từ nước ngoài cách ly y tế tập trung.
Đối với công dân rời Hà Nội và TP.HCM từ ngày 1/4 - 4/4 và công dân đến từ những địa phương có trường hợp bệnh Covid-19 lây lan thứ phát tại cộng đồng đến Đà Nẵng sẽ tổ chức cách ly tại nhà, tại nơi cư trú, lưu trú, tạm trú.
Bình Định: Khách đến không lý do chính đáng phải cách ly và trả phí
UBND tỉnh vừa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố kể từ 0h ngày 8/4, tổ chức rà soát tất cả người Việt Nam và người nước ngoài đến tỉnh Bình Định bằng đường sắt, đường bộ, đường biển để thực hiện triệt để các biện pháp cách ly theo quy định.
Người từ địa phương khác về tỉnh Bình Định bằng đường sắt, khi đến ga Diêu Trì không có lý do chính đáng thì cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh (người nước ngoài bố trí tại khu cách ly riêng) hoặc đưa vào khách sạn được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly tập trung (nếu khách có yêu cầu) và phải tự trả chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly.
TP.HCM: Lập 62 chốt tại cửa ngõ, chưa yêu cầu cách ly tập trung người ngoại tỉnh
UBND TP.HCM vừa ký quyết định về lập 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP.
Các chốt, trạm chính bao gồm: Trạm thu phí Long Phước, cao tốc Trung Lương, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai, Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.
Ngoài danh sách nêu trên, UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát đường mòn, lối mở, bến thủy nội địa tiếp giáp với các tỉnh.
Các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 sẽ hoạt động 24/24 giờ kể từ ngày 3/4 đến hết 15/4, hoặc khi có yêu cầu mới về việc kiểm soát dịch Covid-19. Lực lượng tham gia kiểm tra, kiểm soát tại mỗi chốt gồm các lực lượng thuộc Công an TP, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TP, TTGT thuộc Sở GTVT, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.
Nhiệm vụ của các chốt, trạm kiểm soát dịch là kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của Thủ tướng và của ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc hạn chế ra, vào TP đối với người và phương tiện, thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người ra vào TP.
Tuy nhiên, trung tâm kinh tế xã hội lớn thứ hai cả nước chưa áp dụng lệnh cách ly với người đến từ tỉnh ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận