Tính từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.312 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.
Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 309.787 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Từ 16/9, các shipper tại TP.HCM sẽ được chạy liên quận huyện.
Bắt đầu từ ngày 16/9, các shipper tại TP.HCM sẽ được chạy liên quận huyện, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tiếp tục được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí đến ngày 30/9.
TP.HCM cũng đang nghiên cứu áp dụng một ứng dụng duy nhất để người dân tự khai báo, tự cập nhật dữ liệu vắc-xin và di chuyển - không cần phải xin và trình giấy đi đường. Bên cạnh đó cũng thẩm định lại kế hoạch cho người dân đi chợ 1 lần/tuần ở vùng xanh nhằm giảm lệ thuộc vào shipper và giảm chi phí tiêu dùng cho bà con.
Sau đợt hỗ trợ 1 và 2, TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ đợt 3 cho người dân sau ngày 15/9. UBND TP đã thống nhất đối tượng được hỗ trợ đợt 3 gồm: người lao động mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn (không phân biệt người có hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú) đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
Đồng thời cân nhắc xem xét hỗ trợ cho người già, trẻ em, cha, mẹ, vợ, chồng, con (ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc) của người lao động bị mất việc đang có mặt tại địa bàn ở thời điểm khảo sát, lập danh sách.
Tiêm phủ vaccine là chìa khóa quan trọng để khôi phục trạng thái bình thường mới và mở rộng kinh tế xã hội. Thành phố đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để 100% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1. Đồng thời, tổ chức tiêm mũi 2 cho các trường hợp đến thời gian tiêm mũi 2 của vaccine. Người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và thực hiện tiêm ngay khi đến lượt.
Hơn 1.517 học sinh mồ côi do dịch Covid-19
Số học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì COVID-19 nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Thông tin trên được Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM về tình hình học sinh học tập đầu năm học 2021-2022 ngày 14/9.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, thống kê mới nhất có 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19. Trong học sinh mồ côi, hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên. Học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì COVID-19 nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
TPHCM có 12.341 người là cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động mất việc làm. Ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 người (chiếm 82,08%) bị hủy hoặc hoãn hợp đồng lao động.
Thời điểm đầu năm học 2021-2022, toàn thành phố có 1.253 cơ sở trường học trưng dụng làm điểm cách ly, hỗ trợ chích ngừa, lưu trú của bộ đội, trạm y tế lưu động và các hoạt động khác. Hiện 14.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tính đến ngày 11/9, thành phố có 90,17% giáo viên đã được tiêm vắc xin, trong đó có 55,96% giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi.
Liên quan đến hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, trường hợp trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19 (F0), hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Trẻ em còn được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/em. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm tế.
Khi trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung), trẻ được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa... Nếu trẻ quá khó khăn, địa phương kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ.
Trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19 sẽ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường.
Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Được biết, hiện các quận, huyện, TP Thủ Đức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì COVID-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh, người còn lại nhiễm đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3-5 triệu đồng/trẻ cùng gạo, sữa, mì, dầu ăn...
TP HCM tăng tốc tiêm mũi 2 để bao phủ vaccine phòng Covid-19
TP HCM đang tập trung cho hoạt động tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỉ lệ người dân được tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cao nhất.
Trưa 14/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay cập nhật đến thời điểm này có 304.007 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP, trong đó 303.534 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.
Xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng dân cư tại quận Bình Thạnh ngày 14/9. (Ảnh- LÊ KIỆT).
Hiện đang điều trị 39.290 bệnh nhân, trong đó 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13-9 có 2.553 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 152.894 bệnh nhân.
Theo HCDC, TP triển khai chiến dịch cao điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên từ nay đến ngày 15/9. Các quận huyện tăng cường tổ chức tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1 trong 2 ngày 14 và 15/9. Tiếp nhận tiêm cho người trên 18 tuổi không phân biệt thường trú, tạm trú.
Đến ngày 13/9, TP đã đạt trên 6,5 triệu mũi 1 (hơn 90% dân số trên 18 tuổi tại TP HCM), trên 1,3 triệu mũi 2. Tập trung cho hoạt động tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỉ lệ người dân được tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cao nhất. Tăng tốc tiêm mũi 2 để đẩy nhanh bao phủ vaccine. Mức độ bao phủ vắc-xin là một trong những điều kiện rất quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội sau này.
Ngoài ra, từ 18 giờ ngày 12/9 đến 18 giờ ngày 13/9 đã xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng cam, vùng đỏ là 326.743 người, có 3.669 người có kết quả dương tính (tỉ lệ dương tính là 1,1%).
Tính đến ngày 13/9, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 99.402 người, trong đó có 64.460 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 37.996 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 25.386 người.
"Để đảm bảo kết quả phòng chống dịch được bền vững hơn, có sự chuẩn bị thêm cho giai đoạn phục hồi, mở cửa, TP quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn TP theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9. Tiếp tục tập trung cho công tác tiêm chủng. Mức độ bao phủ vắc-xin là một trong những điều kiện rất quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội sau này”, HCDC kêu gọi.
Shipper sẽ được chạy liên quận từ ngày 16/9
Tối 13/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã tham gia chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” để giải đáp trực tiếp các thắc mắc về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP sau ngày 15/9. Đã có hơn 14.000 câu hỏi được gửi đến chương trình này.
Bắt đầu từ ngày 16/9, TP sẽ cho shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết về lộ trình dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn như TP đã thông tin.
Chiều 14/9, TP sẽ báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ TP để có nghị quyết thông qua. Theo ông Bình, lộ trình từ ngày 16/9 đến 31/10 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16/9 đến 30/9, đây sẽ là "giai đoạn thử nghiệm ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ".
Để chuẩn bị cho lộ trình này, ông Bình cho biết TP đã có bước chuẩn bị với những bước đi chắc chắn. Bắt đầu từ ngày 16/9, TP sẽ cho shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong thời gian đó, các shipper sẽ tiếp tục được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí.
5 kết quả tích cực khi giãn cách xã hội tăng cường
Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP.HCM sau 15/9.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, những nỗ lực trong phòng, chống dịch của thành phố từ ngày 23/8 đến này đã đạt những kết quả bước đầu.
Tỷ lệ vùng đỏ, vùng cam đã thu hẹp khá rõ, vùng xanh mở rộng hơn. Thành phố đang rà soát, vẽ lại bản đồ vùng xanh, qua ra soát cho thấy 53% các tổ dân phố trên địa bàn là vùng xanh. Tỷ lệ ca dương tính giảm nhiều qua các đợt xét nghiệm sau 3 lần. Số ca tử vong cũng giảm trong những ngày qua", ông Mãi dẫn chứng.
Những địa phương như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đạt kết quả tích cực. Đây là những địa phương đầu tiên của TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Các quận khác như Phú Nhuận, Quận 11, Nhà Bè, quận 5 cũng đạt kết quả tốt.
Các lực lượng chức năng trên toàn thành phố đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ người dân
Về công tác quản lý thu dung, điều trị F0 có cải thiện đáng kể, đặc biệt là việc quản lý F0 tại nhà đã được Chính phủ đánh giá cao, phù hợp với tình hình diễn tiến dịch của TP.HCM. Các F0 tại nhà được chăm sóc y tế kịp thời, tư vấn sức khoẻ…giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng. Năng lực điều trị của các tầng 2, 3 và sự liên thông giữa các tầng tốt hơn giúp việc tiếp nhận và điều phối kịp thời hơn. Những ngày qua thành phố ghi nhận số ca cấp cứu giảm, số ca tử vong giảm, đây là kết quả tốt, dần dần kiểm soát được dịch.
Công tác tiêm vaccine thực hiện mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, tính đến nay đã có hơn 6,5 triệu người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi. Có 1,3 triệu người trên 18 tuổi đã tiêm được mũi 2, đạt tỷ lệ trên 19% trong tổng số dân. Đây là điều kiện quan trọng để sắp tới nới lỏng kiểm soát dịch, khôi phục lại sống cuộc mới và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh tế.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 9
TP.HCM sẽ tiếp tục giản cách theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9, nhưng một số địa bàn đã kiểm soát được dịch có thể áp dụng theo Chỉ thị 16- hoặc 15+.
Trong quá trình thành phố tăng cường giãn cách xã hội từ 23/8, cũng mở ra một số hoạt động dịch vụ như tuần thứ 2 như mở siêu thị gắn với việc cho phép đội ngũ shipper hoạt động trong quận, đưa việc cung cấp hàng hoá tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hàng hoá. Các dịch vụ ăn uống mang về cũng bắt đầu được mở dần.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao sự vào cuộc của cán bộ cơ sở, sự chi viện của lực lượng y tế Bộ Y tế, các địa phương và sự sẻ chia của các tấm lòng cá nhân, tổ chức thiện nguyện để góp phần giúp người dân thành phố vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên theo lãnh đạo thành phố, để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ là đến 15/9 kiểm soát được dịch, nhưng chiếu theo các tiêu chí của Bộ Y tế thì vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt. Để việc mở cửa kinh tế xã hội được an toàn trong điều kiện có dịch, thành phố sẽ tiếp tục giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn Thành phố đến cuối tháng 9.
TP.HCM kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9
Các địa phương có chuyển biến tốt như Củ Chi, Nhà Bè, Quận 7, Phú Nhuận, quận 11… có thể áp dụng theo Chỉ thị 15 hoặc 15+. Từ đây đến cuối tháng 9, thành phố sẽ tập trung các hoạt động tiêm vaccine để đạt tỷ lệ cao nhất mũi 1 và đẩy nhanh tiêm mũi 2 tới hạn. Trước đây quy định từ 8 đến 12 tuần, có thể xem xét tiêm sớm hơn. Đây là điều kiện để thành phố mở lại các hoạt động kinh tế xã hội.
Thành phố sẽ áp dụng lưu thông an toàn, kiểm soát an toàn giữa các vùng đã kiểm soát được dịch và các vùng khác
Cũng trong thời gian này, thành phố sẽ cũng cố lại hệ thống y tế cơ sở, các trạm y tế cố định, y tế lưu động. Tăng cường thêm y tế dự phòng, y tế lưu động, để khi mở cửa kinh tế thì năng lực y tế phải đủ sức xử lý các vấn đề khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
"Thành phố chuẩn bị kỹ các kịch bản phục hồi kinh tế sau tháng 9, trong tuần này sẽ hoàn thành kế hoạch phòng chống dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế để lấy ý kiến người dân ở những nội dung còn có các ý kiến khác nhau. Làm sao vừa an toàn chống dịch vừa đảm bảo an toàn trong điều kiện có dịch.
Mở rộng thí điểm các hoạt động dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của người dân như: sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, các dịch vụ về giao hàng, vận tải, phân phối, tài chính, ngân hàng, báo chí, các dịch vụ công ích… tức là các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên nguyên tắc an toàn", lãnh đạo thành phố cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận