500.000 liều vaccine thuộc lô viện trợ thêm 1 triệu liều được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố ngày 25/8 đã về tới TP.HCM trong tối cùng ngày.
Đây là lô viện trợ thêm 1 triệu liều được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố ngày 25/8.
Sáng nay, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đi thăm kho trữ vắc xin Pfizer do Mỹ viện trợ tại Kho vắc xin tiêm chủng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ở Hà Nội.
Phát biểu tại đây, bà Harris bày tỏ sự cảm kích vì sự hỗ trợ Việt Nam dành cho Mỹ trong đợt bùng dịch COVID-19 hồi tháng 4/2020. Bà Harris cho biết Mỹ đã gửi tặng Việt Nam 5 triệu liều vắc xin COVID-19, và thêm 1 triệu liều nữa trong đợt viện trợ lần này. Như vậy, theo bà Harris, Mỹ đã quyên tặng cho Việt Nam tổng cộng 6 triệu liều vắc xin.
Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó tổng thống Mỹ Harris thông báo phía Mỹ sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vắc xin Pfizer cho Việt Nam và sẽ chuyển ngay trong vòng 24 tiếng.
"Tôi biết người dân Việt Nam đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn do COVID-19. Trong thời kỳ đầu của đại dịch, Việt Nam đã hào phóng hỗ trợ Mỹ khi chúng tôi gặp khó khăn, với hơn 250.000 đồ bảo hộ y tế và khẩu trang được chuyển đến Mỹ vào lúc chúng tôi thực sự cần.
Vì vậy, chúng tôi tự hào được đáp lại Việt Nam trong thời điểm cần thiết như hiện nay, với hành động mới nhất là 1 triệu vắc xin Pfizer này", Phó tổng thống Harris phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 25/8.
Tổng cộng Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 6 triệu liều vắc xin các loại thông qua cơ chế COVAX. Vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer sản xuất là loại vắc xin đầu tiên được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép đầy đủ hôm 23-8. Đây cũng là loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất hiện nay tại Mỹ.
Công an TP.HCM chỉ cấp giấy đi đường cho trường hợp làm công việc, đi công vụ
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 25/8, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP.HCM, cho biết đơn vị cũng đã ghi nhận về việc một số xe có mã QR nhưng không được qua chốt. Thậm chí, có người dân đã gọi điện trực tiếp cho ông để phản ánh.
Lực lượng quân đội kiểm tra giấy đi đường của người dân
Do đó, Công an TP.HCM đã yêu cầu công an các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt lại để cán bộ, chiến sĩ ở các chốt nắm quy định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết theo quy định, xe đã được cấp mã QR được lưu thông theo lộ trình, thời gian cho phép và không kiểm tra giấy đi đường. Do đó, trưa cùng ngày, Công an TP.HCM đã họp với lãnh đạo, chỉ huy các quận, huyện và TP Thủ Đức để trao đổi các nội dung vướng mắc có nhiều phản ánh.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh gas thiết yếu thuộc diện do UBND các cấp tập hợp số lượng, phối hợp với công an các quận, huyện và TP Thủ Đức để cấp giấy đi đường. Công an TP.HCM đã ủy quyền cho trưởng công an cấp quận, huyện, TP Thủ Đức cấp giấy đi đường đối với diện này
Về việc cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Với chỉ đạo của Chính phủ và của UBND TP.HCM, đợt tăng cường giãn cách này phải kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ người lưu thông trên đường. "Công an TP.HCM được giao cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông, nhưng vì tăng cường giãn cách xã hội nên khi cấp giấy đi đường sẽ phải hết sức cân nhắc trên tinh thần là phải làm nghiêm ngặt" - Thượng tá Lê Mạnh Hà giải thích.
Các đơn vị, doanh nghiệp đã làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", vì vậy, số người đề nghị cấp phép phải là những người đi ra đường làm công vụ, chứ không có nghĩa là cấp phép để cho người đi từ nhà tới cơ quan. Chỉ cấp cho người buộc phải từ cơ quan đi làm nhiệm vụ, đi giao dịch, đi làm.
Tín hiệu khả quan khi xét nghiệm toàn TP.HCM
Chiều 25/8, tại cuộc họp về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu ở TP.HCM, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, đã giảm so với trước đây (4-5%, cá biệt có nơi 10%)
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ đã báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và một số địa phương lân cận qua 2 ngày thực hiện biện pháp tăng cường về phòng chống dịch bệnh.
Số liệu thống kê bước đầu cho thấy mức độ người dân đi lại đã giảm 80% so với những ngày trước.
Theo đó, nhiều công việc đã được triển khai như: Tăng cường nhân lực, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch; triển khai trạm xá lưu động, công tác điều trị, chăm sóc y tế; tiêm vaccine phòng Covid-19; công tác bảo đảm hậu cần; bảo đảm an ninh trật tự; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân...
Bộ trưởng Long cho biết qua 2 ngày tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, tuy cơ một số bỡ ngỡ, các lực lượng đã nhanh chóng khắc phục, triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng những biện pháp đề ra.
Điều đáng mừng hơn là với sự tham gia đồng bộ của các lực lượng, việc mang thực phẩm tới từng hộ gia đình, triển khai biện pháp chăm sóc y tế tại cơ sở đã giúp người dân TP.HCM đã an tâm hơn, thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở yên đó”.
Số liệu thống kê bước đầu cho thấy mức độ người dân đi lại đã giảm 80% so với những ngày trước. “Như vậy chúng ta đang đi đúng hướng, quản lý tốt việc thực hiện giãn cách xã hội”, ông Long nhận định.
Người đứng đầu ngành y tế cũng thông tin trong 2 ngày qua, lực lượng y tế đã triển khai lực lượng, kết hợp sử dụng nhiều phương thức để tiến hành xét nghiệm toàn TP.HCM theo đúng chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng để nhanh chóng sàng lọc F0, đưa ra các giải pháp cách ly, điều trị phù hợp.
“Qua xét nghiệm, với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, so với trước đây tỷ lệ này vào khoảng 4-5%, cá biệt có địa điểm lên tới 10%, như vậy tỷ lệ nhiễm đã giảm, đây là tín hiệu khả quan”, Bộ trưởng Y tế cho hay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai dịch vụ y tế gần dân nhất, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai đưa vào hoạt động 393 trạm y tế lưu động. Các trạm đều được trang bị thiết bị khám chữa bệnh, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết, hoạt động 24/7.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ người dân TP.HCM cảm thấy an tâm khi được cán bộ y tế đi vào từng khu vực phát thuốc, khám bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Theo đánh giá ban đầu của Bộ Y tế, mô hình này có ý nghĩa quan trọng là quản lý được sức khỏe và giúp ngay cho người dân trên địa bàn khi có nhu cầu về chăm sóc y tế.
Ngoài ra, ông Long nhận định các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phân tầng cũng được kiện toàn để bảo đảm phục vụ công tác điều trị. Với phương châm vừa triển khai, vừa kiểm tra, giám sát, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch…
“Nếu chúng ta giữ chắc được như thế này, cùng với đẩy nhanh tiến đội tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM sẽ sớm được kiểm soát”, Bộ trưởng Y tế tin tưởng.
Ngày 25/8, thêm 335 bệnh nhân COVID -19 tử vong
Ngày 25/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.Cụ thể, tại TP.HCM (266), Bình Dương (31), Long An (16), Đồng Nai (13), Đà Nẵng (3), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Thừa Thiên Huế (1), Tiền Giang (1).
Bộ Y tế cho biết hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 749 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm, sàng lọc F0 trong cộng đồng
Như vậy tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 25/8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.
Hiện tại TP.HCM F0 tăng nhanh, việc điều phối gặp một số khó khăn do cơ sở vật chất hạn chế. Thành phố đang có phương án tiếp tục khắc phục việc chậm trễ chuyển viện các ca F0 trong cộng đồng.... Thông tin trên được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết.
Quảng CáoTại các cơ sở điều trị COVID-19 đang điều trị cho 37.138 bệnh nhân, trong đó có 2.299 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.639 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Theo ông Nam, hệ thống y tế đang nỗ lực thực hiện tầm soát trên diện rộng, nên số ca F0 COVID-19 được phát hiện có sự gia tăng. Song song với số ca nhiễm được phát hiện tăng lên, số ca tử vong cũng có chiều hướng gia tăng do chủng virus Delta lây lan nhanh, mức độ nguy hiểm hơn.
Thống kê cho thấy, hầu hết những người tử vong là người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, một số ít ở nhóm trẻ hơn. Ngành y tế đang nỗ lực kéo giảm tỷ lệ tử vong bằng thiết lập hệ thống bệnh viện điều trị đáp ứng tầng, đặc biệt là các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
F0 trong cộng đồng vẫn tăng rất cao, riêng quận Bình Tân chiếm 100%
Ngày 25/8, tỉ lệ F0 cộng đồng chiếm gần 84% tổng số F0 mới, trong đó nhiều quận, huyện ghi nhận hầu hết F0 mới đều là ca cộng đồng
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 20h ngày 25/8, trong hôm nay, TP xét nghiệm 146.079 mẫu, ghi nhận 5.268 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 4.413 ca cộng đồng.
Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3,6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24/8, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8.100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.
Lực lượng quân đội đi chợ hộ người dân tại TP.HCM
Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25-8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%).
Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn... tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn TP trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8. Số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.
Tại buổi họp báo chiều 25/8, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, cách đây 10 ngày, số lượng lấy mẫu xét nghiệm nhanh mỗi ngày chỉ đạt 10.000-15.000 mẫu. Tuy nhiên, trong hai ngày 23 và 24/8, số lượng này đã lên tới hàng trăm ngàn mẫu.
Trong 2 ngày, mẫu xét nghiệm nhanh đã vượt con số hơn 500.000 mẫu. TP đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại các vùng nguy cơ, và sẽ lặp lại 2-3 ngày.
TP kêu gọi sự thông cảm và chung sức thực hiện các quy định phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Đồng thời tham gia xét nghiệm COVID-19 để phát hiện sớm trường hợp F0, học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân và dùng thuốc đúng cách khi thực hiện cách ly tại nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận