Văn bản do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, TP.HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP.HCM, UBND TP HCM kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
Với điều kiện đặc thù của TP.HCM, UBND TP HCM kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.
UBND TP.HCM cũng mong Chính phủ quan tâm ưu tiên vắc-xin cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn.
3 chỉ số bắt buộc và 4 cấp đánh giá nguy cơ
Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, hơn 10.400 xã, phường, thị trấn trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính là hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Dự thảo Hướng dẫn nêu lên 3 chỉ số bắt buộc gồm:
Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19;
100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng;
Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100 nghìn dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp:
Cấp 1: nguy cơ thấp "bình thường mới" tương ứng với màu xanh
Cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng
Cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam
Cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại TP HCM hiện nay, nếu áp các chỉ số này vào để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP HCM sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy các các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
TP.HCM dự kiến gỡ hàng trăm chốt kiểm dịch từ 1/10
Theo dự thảo về phương án tổ chức đi lại từ ngày 1/10 mà Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi các đơn vị lấy ý kiến, TP chỉ duy trì hoạt động kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào TP (gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ).
Các chốt này thực hiện theo quyết định 1677 ngày 9-5-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Đối với kiểm soát tại các chốt cửa ngõ các tỉnh, kiểm soát xe vận tải hàng hóa thông qua giấy nhận diện (có mã QR) và mã QR qua khai báo di chuyển nội địa hoặc ứng dụng VNEID.
Đối với xe vận chuyển hàng hóa không có mã QR luồng xanh nhưng đã hết hiệu lực phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch. Xe chở công nhân, chuyên gia được kiểm soát thông qua mã QR luồng xanh do Sở Giao thông vận tải cấp (thời gian, lộ trình, kèm theo danh sách lái xe, nhân viên trên xe và mã QR qua khai báo di chuyển nội địa) hoặc ứng dụng VNEID.
Trong phạm vi TP, đối với các xe vận tải hàng hóa, chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa khi đi vào khu phong tỏa tại các chốt kiểm soát. Xe chở công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi được kiểm soát thông qua giấy nhận diện có mã QR, danh sách xe, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên trên xe (nếu có).
Đối với xe cá nhân được kiểm soát thông qua mã QR khai báo di chuyển nội địa tại các chốt kiểm soát ra vào khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ.
TP.HCM bắt đầu áp dụng chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ đó, chính quyền TP tái lập hơn 300 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại khu vực nội đô TP ở vị trí giáp ranh giữa các quận, huyện, phường, xã do địa phương quản lý để kiểm soát người đi đường. Đồng thời lập 12 chốt kiểm soát tại vị trí giáp ranh với các tỉnh, thành do Công an TP chủ trì.
Dự kiến 3 giai đoạn mở cửa, phục hồi kinh tế
UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM từ sau ngày 15/9 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân.
Theo đó, việc mở cửa nền kinh tế phải phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; "an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP/HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16-9 đến 31-10): cá nhân, lao động có "Thẻ Xanh Covid" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có "Thẻ Vàng Covid", có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có "Thẻ Xanh Covid" hoặc "Thẻ Vàng Covid" tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31-10 đến 15-1-2022): TP.HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có "Thẻ Xanh Covid" gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15-1-2022): TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "Thẻ Xanh Covid".
TP.HCM còn trên 1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều ngày 24/9, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngày 23/9 vừa qua, thành phố đã nhận hơn 620.000 liều vắc xin Pfizer và 46.000 liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Đến thời điểm hiện tại, kho bảo quản của HCDC còn tổng cộng trên 1 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 các loại.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 24/9, số người đã tiêm vắc xin mũi 1 là 6.790.745 người (đạt tỷ lệ 94,2% trên dân số từ 18 tuổi), mũi 2 là 2.278.043 người (đạt tỷ lệ 31,6% trên dân số từ 18 tuổi).
Đến thời điểm hiện tại, kho bảo quản của HCDC còn tổng cộng trên 1 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 các loại.
Theo tính toán của ngành y tế, đến 30/9, thành phố còn khoảng 418.055 người cần tiêm mũi 1. Số người cần tiêm mũi 2 là 1.426.574 người.
TP.HCM cũng vừa thống nhất đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc-xin AstraZeneca. Theo đó, với người tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca tại TP.HCM, khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer) tối thiểu là 6 tuần.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi hàng hóa về chợ đầu mối giảm, ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn sau khi được chủ trương tổ chức lại đã trở thành 3 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Hàng về chợ ít do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính chính là đầu ra. Phần lớn, hàng hóa từ chợ đầu mối được luân chuyển về chợ truyền thống là chủ yếu. Tuy nhiên, đa số các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động.
Do đó, các thương nhân tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối chủ yếu đưa hàng về các bếp ăn tập thể của bệnh viện, doanh nghiệp… ; rất ít đưa hàng vào các cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Trong khi đó, không nhiều doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”, vì vậy việc cung ứng thực phẩm cũng có giới hạn.
Nhiều tiểu thương còn e ngại dịch bệnh; một số nhà cung cấp ở các địa phương chưa quay về TPHCM do liên quan đến đi lại, ảnh hưởng đến nhân sự hoạt động…
“Đây chính là lý do một số thương nhân có tâm lý chờ đợi chợ truyền thống mở ra để quay lại hoạt động. Hiện họ chỉ mới thăm dò thị trường. Sở Công thương trên tinh thần cùng các chợ đầu mối, các địa phương hỗ trợ tiểu thương. Tới đây nếu thành phố mở lại các chợ truyền thống thì nhanh chóng đưa hàng về” – ông Phương cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận