Liên quan đến vấn đề vận tải hành khách liên tỉnh, sau khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, từ ngày 13/10, hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình đã có kế hoạch thống nhất và tiến hành khôi phục 100% công suất hoạt động tại các tuyến cố định đến “vùng xanh”.
Bến xe phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa trong những ngày đầu thí điểm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh
Nhiều tuyến xe cố định được nối lại
Ông Hoàng Quốc Tuấn - Trưởng phòng QLVT-PT-NL (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, từ ngày 13/10/2021 đến ngày 18/10/2021, Sở GTVT Ninh Bình đã phối hợp với Sở GTVT đối lưu tổ chức khôi phục trở lại 5 tuyến vận tải đi các tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình. Tổng số có 11 xe với 66 chuyến chở 112 hành khách.
Theo Sở GTVT Ninh Bình, doanh thu của các đơn vị vận tải hành khách giảm dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động của đơn vị. Vì vậy đề nghị Bộ GTVT triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ; báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong quá trình các phương tiện vận tải khách hoạt động thí điểm, Sở GTVT Ninh Bình đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, phụ xe chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT và quy định của địa phương nơi phương tiện hoạt động.
Các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nếu không đủ điều kiện; Công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách và kiên quyết không chở khách khi không đảm bảo các yêu cầu về quy định phòng, chống dịch; Bố trí lái xe, nhân viên phục vụ xe đáp ứng các yêu cầu theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT. Thường xuyên báo cáo đầy đủ danh sách lái xe, phụ xe trước khi tham gia hoạt động và lập đầy đủ danh sách hành khách đi xe theo quy định...
Về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách, Sở GTVT Ninh Bình cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế việc lan rộng dịch bệnh Covid-19 qua đó ổn định tình hình dịch bệnh, tập trung cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giao thương, buôn bán và phát triển các ngành dịch vụ.
Còn tại Thanh Hóa, UBND tỉnh này đã có văn bản gửi các địa phương, ngành liên quan cho phép tổ chức hoạt động vận tải hành khách.
Cụ thể, đối với các tỉnh, thành phố/khu vực có nguy cơ thấp (vùng xanh, vùng vàng theo thông báo của Bộ Y tế): Đồng ý chủ trương mở tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố vùng có dịch (vùng đỏ, vùng cam theo thông báo của Bộ Y tế): Cho phép thí điểm tổ chức vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến Thanh Hóa theo Quyết định số 1777/QĐBGTVT ngày 10/10/2021 của Bộ GTVT để vận chuyển công dân có nhu cầu, nguyện vọng về quê và đón người lao động trở lại làm việc.
Hiện nay, Sở GTVT Thanh Hóa đã tổ chức hoạt động thí điểm tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi, đến các tỉnh: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Hải Phòng và ngược lại. Trong đó các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An: hoạt động 30% số chuyến trong 6 ngày. Riêng thành phố Hải Phòng hoạt động 20% số chuyến trong 6 ngày.
Ông Vũ Minh Thuận - Trưởng phòng QLVT Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, kết quả thí điểm từ ngày 16/10-18/10/2021 đã đăng ký hoạt động 92 chuyến nhưng số chuyến hoạt động thực tế chỉ có 34 chuyến với số lượng hành khách vận chuyển là 264 người.
“Nguyên nhân số doanh nghiệp vận tải đăng ký ít là do đa phần hành khách không có nhu cầu đi lại. Có những chuyến chỉ có 7 hành khách, nhiều chuyến xe ra bến nhưng không có khách phải quay về”, ông Thuận cho biết thêm.
Một khó khăn vướng mắt mắc mà theo ông Thuận, thì hiện nay phần lớn lái xe, nhân viên phục vụ của các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa đáp ứng được điều kiện tiêm đủ liều vắc xin. Trong khi đó một số tỉnh, thành phố khi phương tiện đến chốt kiểm soát dịch trên địa bàn yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ phải tiêm đủ liều vắc xin.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Xuân Sơn – Phó giám đốc Công vận tải Đông Lý cho biết, đơn vị có 21 xe giường nằm chạy tuyến Thanh Hóa đi các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Công ty có 80 nhân viên và lái xe. Chúng tôi cũng mới tiêm được 1 mũi.
“Trong ngày 18 và 19/10, chúng tôi cũng mới chạy được 4 chuyến, trong đó 2 chuyến đi Thái Nguyên, 2 chuyến đi Bắc Ninh. Mỗi chuyến đi chỉ có 7 hành khách lúc về cũng chỉ có 7. Nhu cầu đi lại của người dân bây giờ ít lắm, họ sợ dịch nên cũng không ai muốn đi trừ những trường hợp cần thiết. Mặt khác, dù lái, phụ xe đã tiêm 1 mũi vắc xin nhưng khi đi đến tỉnh khác vẫn phải yêu cầu có giấy test nhanh kháng nguyên, cái này cũng chưa thống nhất. Nếu thống nhất từ trên xuống dưới và thông báo cho doanh nghiệp vận tải hành khách biết để dễ thực hiện”, ông Sơn nói.
Hai tỉnh công bố cấp độ dịch
Chiều ngày 19/10, căn cứ tình hình thực tế tại tỉnh Ninh Bình, đối chiếu với các văn bản của Bộ Y tế hướng dẫn, Sở Y tế Ninh Bình đã thông báo cấp độ dịch. Theo đó, các đơn vị hành chính gồm cấp tỉnh; cấp huyện có 6 huyện và 2 thành phố (100%) và cấp xã, với 143 xã/phường/thị trấn (100%) đều đạt cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Trước đó, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo đó, quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Ở Thanh Hóa, căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế của địa phương, tỉnh này thống nhất dịch đang ở cấp độ 2. Về cấp huyện, hiện nay ngoài thị xã Bỉm Sơn là vùng đỏ, 26 đơn vị cấp huyện còn lại của tỉnh Thanh Hóa thuộc vùng vàng.
Cùng ngày, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 19/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 23 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 16 bệnh nhân liên quan ổ dịch tại Tx Bỉm Sơn và 7 bệnh nhân là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện cách ly tập trung.
Được biết, hiện nay, cả hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình đã không kiểm tra Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm và không thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 (trừ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, các trường hợp đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4, vùng cách ly y tế/vùng phong tỏa hoặc cá nhân có nhu cầu).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận