Xã hội

Dịch sởi chưa qua, bệnh chân tay miệng đã bùng phát

09/05/2014, 13:24

Dịch sởi dù đã chững lại nhưng vẫn diễn biến phức tạp trong khi đó, một số dịch bệnh như tay chân miệng và sốt xuất huyết lại có dấu hiệu bùng phát.

Mới đầu hè, lượng bệnh nhi nhập viện Bạch Mai đã gia tăng
Mới đầu hè, lượng bệnh nhi nhập viện Bạch Mai đã gia tăng


Chưa thể lơ là dịch sởi


Tại cuộc họp báo về “Phòng, chống dịch bệnh mùa hè” diễn ra chiều 8/5, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo, dịch sởi có dấu hiệu chững lại và bắt đầu giảm, không còn các ổ dịch tập trung. Tuy vậy, diễn biến dịch sởi vẫn rất phức tạp và khó lường, nên không được phép lơ là. Nhất là trong tình hình hiện nay, nhiều nước trên thế giới, điển hình là Trung Quốc và Philippines, dịch sởi đang bùng phát và không có dấu hiệu thuyên giảm.
 

"Từ đầu năm  đến nay, cả nước ghi nhận 18.659 ca mắc tay chân miệng (trong đó có 2 ca tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) và 8.137 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 4 trường hợp tử vong. 80% số ca mắc 2 loại bệnh này đều tập trung  ở các tỉnh miền Nam”.

 

Ông Trần Đắc Phu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 4.180 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.168 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố; ghi nhận 136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc. TS. Phạm Nhật An - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện sức ép quá tải tại Bệnh viện đã giảm nhiều, hiện tượng lây chéo được kiềm chế tốt, nhưng bệnh viện vẫn còn nhiều bệnh nhi sởi nặng đang được điều trị tích cực. TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hiện số bệnh nhân sởi đang điều trị tại bệnh viện này là 74 trẻ, bệnh viện dành thêm diện tích của Khoa Da liễu để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân sởi nặng.

Tới thời điểm này, theo ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch sởi vẫn được ngành Y tế tập trung cao độ, từ công tác phân tuyến điều trị nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; sàng lọc, phân luồng, cách ly điều trị... đều được triển khai quyết liệt nhằm hạn chế tối đa virus sởi lây lan. 

Nguy cơ “dịch chồng dịch”


Mùa hè là cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Từ đầu năm  đến nay, cả nước ghi nhận 18.659 ca mắc tay chân miệng (trong đó có 2 ca tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) và 8.137 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 4 trường hợp tử vong. 80% số ca mắc 2 loại bệnh này đều tập trung ở các tỉnh miền Nam.


Ông Trần Đắc Phu lo ngại, thời tiết nóng, ẩm và mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch này phát triển. Trong khi đó, cả hai bệnh này đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Vì vậy nếu không tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thì nguy cơ thành dịch rất cao.
 

Để kịp thời nắm bắt thông tin về dịch bệnh, từ ngày 1/5/2014, Bộ Y tế phối hợp với Viettel triển khai tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân qua số tổng đài 19009095 (thay thế cho số điện thoại 0973306306)

Để phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng, ngày 7/5, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh cao. Tại đây, các đoàn kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch và các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh tại địa phương; chấn chỉnh kịp thời những bất cập còn tồn tại trong công tác thu dung, chẩn đoán bệnh, phân luồng điều trị, cách ly... Theo ông Cao Hưng Thái, Bộ Y tế đã yêu cầu kiện toàn ban phòng chống dịch bệnh ngay tại các bệnh viện để sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra trường hợp “dịch chồng dịch”.


Cùng với các dịch bệnh như sốt xuất huyết, chân tay miệng, Bộ Y tế cũng cảnh báo trước nguy cơ một số dịch bệnh như cúm A H5N1, bại liệt hoang dại, viêm não virus và bệnh dại sẽ bùng phát trở lại trong mùa hè. Đây là những loại bệnh đã có vaccine phòng chống, nên người dân cần khẩn trương đến các điểm tiêm chủng để tiêm phòng vaccine các loại bệnh này...

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.