"Ngại" đi viện vì dịch, nhiều ca trở nặng
Sau 10 ngày điều trị sốt xuất huyết tại BV Thanh Nhàn, ông Lê Văn Đoàn (trú tại Cầu Dền, Hai Bà Trưng) được xuất viện. Theo BS. Phạm Thị Ngân, ông Đoàn là một 1 trong những bệnh nhân nặng được điều trị tại đây. Khi vào viện bệnh nhân sốt cao, tiểu giảm sâu xuống đến 6.000 tế bào/micro lít máu (ở người bình thường 120.000-140.000 tế bào/micro lít máu). Ngay lập tức, ông được chỉ định truyền tiểu cầu phòng chảy máu.
Bác sĩ thăm khám cho 1 ca sốt xuất huyết điều trị tại BV Thanh Nhàn
BS. Ngân cho biết, tiểu cầu có vai trò cầm máu cho bệnh nhân, giảm tiểu cầu rất nguy hiểm và có thể chảy máu bất cứ vị trí nào. Nguy hiểm nhất là dẫn đến chảy máu tiêu hóa và chảy máu não. Do không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên với bệnh nhân chủ yếu là điều trị triệu chứng.
“Việc tiểu cầu giảm thường khó phát hiện, giai đoạn muộn sẽ có xuất hiện các dấu hiệu chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Với bệnh nhân Đoàn, nhập viện sớm chỉ sau 2 ngày sốt tại nhà, nên kịp thời phát hiện hạ tiểu cầu thông qua xét nghiệm. May mắn sau truyền, chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân tăng nên nhanh và hồi phục tốt”, BS. Ngân nói.
Hiện tại, ở BV Thanh Nhàn đang điều trị khoảng 60 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, có ngày cao điểm con số vượt quá 100. Tính riêng tháng 9, có 300 bệnh nhân được đưa vào khoa điều trị thì có khoảng 270 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Với đỉnh dịch vào tháng 10, số ca sẽ tiếp tục tăng.
Điểm khác biệt là nếu mọi năm số ca sốt xuất huyết điều trị tại viện, bệnh nhân là sinh viên chiếm đa số, thì năm nay giảm hẳn do giãn cách xã hội, sinh viên chưa trở lại trường học.
Còn tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, hiện cũng đang điều trị khoảng 40 ca sốt xuất huyết. BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi, BV Thanh Nhàn cho biết, thời gian gần đây bệnh nhân tăng nhiều, trung bình mỗi ngày khoa có đến 20 cháu nhập viện do sốt xuất huyết. Năm nay có thể do tâm lý e ngại dịch bệnh, không đi khám khi có triệu chứng nên khi tiến triển đi khám thì đã nặng. Ngoài ra, có thể bố mẹ chủ quan hơn khi chăm sóc.
“Có ca vào trong tình trạng nặng, ăn kém, mệt và có nguy cơ sốc. Ca nhập viện tiểu cầu xuống thấp chỉ còn hơn 3.000 đây là tình trạng rất đáng cảnh báo. Biến chứng nặng nhất là sốc, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do trẻ sốt xuất huyết có sốt cao, giai đoạn đầu giống sốt virus nên dễ nhầm lẫn. Chính vì vậy, 2 ngày đầu nếu trẻ sốt liên tục trên 39 độ, cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay”, BS. Sang cảnh báo.
BS. Sang cũng cho biết thêm, tùy số tiểu cầu, cô đặc máu kiểm tra khi trẻ nhập viện thì sẽ có hướng điều trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, nên cho con ngủ trong màn (cả ngày, đêm); Tránh ổ nước đọng trong nhà; trẻ cho uống nhiều nước, bổ sung thêm vitamin.
Nhiều trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết
Cả nước có 18 ca tử vong vì sốt xuất huyết
Ngày 6/10, Bộ Y tế thông tin, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại Bình Phước (6), Thành phố Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa -Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Bình Thuận (1). So với cùng kỳ năm 2020 số mắc giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 5 trường hợp.
Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống Covid-19 và các hoạt động khác nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống Covid-19. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận