10 tỉnh, thành xuất hiện dịch
Chiều 7/3, Thái Nguyên chính thức công bố phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở xóm Giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình. Như vậy, tính tới thời điểm này, Thái Nguyên là địa phương thứ 10 phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Đáng lo ngại, dịch bệnh nguy hiểm này đang có dấu hiệu lây lan nhanh chóng. Cụ thể, tại Hà Nội đã phát hiện thêm ổ dịch ở 3 quận, huyện là Hoàng Mai, Đông Anh và Gia Lâm. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh.
Tại Hưng Yên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên cho biết, tới chiều 7/3, toàn tỉnh đã có 90 hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch phải tiêu hủy, trực thuộc 29 thôn, 20 xã và 6 huyện. Tổng số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.800 con, tương ứng với 240 tấn, thiệt hại của người chăn nuôi ước tính hơn 8 tỷ đồng.
Chia sẻ về những ngày căng mình chống dịch vừa qua, ông Tuấn cho biết, dịch bệnh lan nhanh trong khi chính quyền địa phương vẫn có tâm lý đẩy việc cho một mình ngành Thú y. “Từ việc thống kê rà soát tới tiêu hủy lợn mắc dịch, phun dịch sát khuẩn, rắc vôi khử trùng… đều cần tới người làm, vậy mà chỉ trông chờ vào lực lượng mỏng của ngành thú y thì làm sao cho kịp? Đáng nói, lực lượng được giao trách nhiệm lập chốt giám sát nhưng cũng chưa nắm được rõ nội dung cần làm…”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, tư duy xử lý dịch tại địa phương cũng còn cứng nhắc. “Ngay trong vùng dịch, phát hiện đàn lợn có 10 con đã chết 5 mà vẫn phải gọi điện đi khắp nơi xin ý kiến lấy mẫu xét nghiệm, không dám mang đi tiêu hủy vì sợ liên quan tới vấn đề hỗ trợ. Tư duy chùng chình như vậy làm sao dập được dịch sớm?”, ông Tuấn đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Nếu cứ tổ thức thực hiện mang tính nguyên tắc, vụn vặt thì thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân nghiêm trọng”.
Đừng trục lợi trước nỗi khổ người dân
Mặc dù tại hội nghị ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án thanh toán hỗ trợ cho người dân 80% giá thị trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tới nay tại các địa phương có dịch tả lợn châu Phi, chính quyền vẫn đang thực hiện thống kê và hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ với mức 38 nghìn đồng/kg. “Khi chưa có văn bản hướng dẫn chính thức, trước mắt vẫn thực hiện hỗ trợ theo Nghị định 02. Nếu sửa đổi sẽ bổ sung cho bà con sau”, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên cho biết.
Trung Quốc hỗ trợ tiêu hủy tính theo đầu lợn
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, Trung Quốc đã ra chính sách hỗ trợ tài chính với mức 1.200 nhân dân tệ/con lợn (khoảng hơn 4 triệu đồng), không phân biệt loại lợn, lợn to, nhỏ.
Trung Quốc lúc đầu hạn chế vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trong vòng 60 ngày, sau đó giảm xuống hiện nay còn 45 ngày. Tại địa phương có dịch bệnh, đàn lợn không bị bệnh được phép tiếp tục nuôi hoặc giết mổ tiêu thụ tại chỗ. Thiết lập vùng dịch với bán kính 3km và vùng đệm xung quanh vùng dịch là 10 km. Tạm dừng vận chuyển lợn sống, đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống ở các tỉnh có dịch và tỉnh xung quanh liền kề với tỉnh có dịch; đồng thời đẩy mạnh việc vận chuyển thịt lợn thay vì vận chuyển lợn sống giữa các tỉnh.
Thừa nhận công tác thống kê hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc dịch phải tiêu hủy còn có bất cập, dễ nảy sinh tiêu cực, tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định: “Quan điểm của Hưng Yên là phải chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi càng sớm càng tốt. Cơ quan chức năng cần có tư duy ứng xử linh động, nhanh chóng để đáp ứng tình hình sao cho người dân hợp tác khai báo với chính quyền, không giấu dịch bán chạy. Số lượng tiêu hủy phải được công khai minh bạch với sự giám sát của đầy đủ các thành phần từ người dân tới chính quyền, lực lượng thú y… Có như vậy mới tránh được hiện tượng trục lợi trước nỗi khổ người dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Bào, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam, cách hỗ trợ tính theo trọng lượng sẽ nảy sinh một số bất cập. “Cách tính theo trọng lượng từng con để quy ra mức hỗ trợ liệu có hợp lý giữa lúc dịch bệnh rối ren? Người ta không thể nào khai báo gian lận số lượng đầu lợn tiêu hủy nhưng lại rất dễ gian lận về số cân bị tiêu hủy”, ông Bào nhận định.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất không nên cào bằng mức hỗ trợ như giữa nông hộ và doanh nghiệp. Bởi lẽ, chi phí sản xuất của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên tới 35.000 - 38.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lớn chỉ ở mức 30.000 đồng/kg nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại...
Trước tình hình trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng đề án, đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; Bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi; Kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. “Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận