Báo cáo của Bộ NN-PTNT tại Hội nghị trực tuyến các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi sáng 4/3, cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh dịch nguy hiểm này đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Tại Thái Bình, một trong hai địa phương đầu tiên phát hiện dịch, ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, khẳng định: Nếu phát hiện sớm và thực hiện đồng bộ các giải pháp thì hoàn toàn có thể khống chế tốt dịch.
“Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí các địa phương triển khai các giải pháp chống dịch. Bộ NN-PTNT cần lên kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch lây lan rộng để địa phương chủ động thực hiện; hướng dẫn mẫu xác minh dịch bệnh với những hộ chăn nuôi xuất bán đàn lợn tới kỳ …”, ông Diên kiến nghị.
Về kinh phí phòng chống dịch, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định, Thành phố sẵn sàng chủ động không phải xin Chính phủ. “Ngay khi dịch xuất hiện tại Hà Nội, Thành phố đã chủ trích ngay nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện các giải pháp xử lý dập dịch”, ông Sửu cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, đến nay địa phương đã cấp 4 tỷ đồng để mua bổ sung hoá chất khử trùng, hỗ trợ hộ gia đình có lợn tiêu hủy và các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi dễ có nguy cơ bùng phát, ông Tùng kiến nghị cần xem xét lại mức hỗ trợ lợn mắc bệnh tiêu hủy.
“Theo quy định, hiện lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Trong khi giá thị trường khoảng 43-45 nghìn đồng/kg. Mức hỗ trợ này với lợn thịt là tương đối ổn, tuy nhiên với lợn nái cần có mức hỗ trợ phù hợp hơn khi loại lợn này đang chiếm khoảng 10% tổng đàn, với giá trên thị trường hơn 150 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, chế độ hỗ trợ cho đội ngũ tham gia phòng chống dịch vẫn còn thấp, đề nghị có mức điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay”, Chủ tịch Hải Phòng kiến nghị.
Lắng nghe những kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là phải “chống dịch như chống giặc”, các ngành các cấp phải “xắn tay áo” để ngăn chặn dịch hiệu quả.
Thủ tướng cho rằng nếu ngăn chặn tốt và kịp thời hơn thì dịch đã không lan rộng. “Trung Quốc với sự quyết liệt của hệ thống chính trị đã thành công tới 90% trong việc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi”, Thủ tướng dẫn dụ.
Nhận định đặc điểm chăn nuôi lợn của Việt Nam khác với nhiều nước, với số lượng 2,5 triệu hộ chăn nuôi và khoảng 10 ngàn trang trại, Thủ tướng cho rằng, vấn đề “bức bách” là nếu không có các biện pháp đồng bộ thì rất khó để ngăn cản dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, việc phòng chống dịch không phải nhiệm vụ của riêng Bộ NN-PTNT mà là việc của từng địa phương, đặc biệt tại các tỉnh chưa có dịch càng phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.
“Tôi yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, ngành, doanh nghiệp, người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện chỉ thị 04 của Thủ tướng, triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch bệnh có hiệu quả. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trước Thủ tướng”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trước thực trạng dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại khu vực gần đường giao thông, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp hạn chế vận chuyển lợn đường dài, đặc biệt tại các vùng có kiểm dịch. “Nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chứ không phải ngăn chặn hoàn toàn”, Thủ tướng lưu ý.
Liên quan tới giải pháp tài chính, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh chủ động lấy ngân sách địa phương để thực hiện phòng chống dịch, sau đó Bộ Tài chính sẽ thanh toán. "Hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy bằng 80% giá thị trường", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi người dân không quá hoang mang, lo lắng vì căn bệnh này không lây truyền sang người. Đồng thời, không quay lưng lại với thịt lợn bởi có tình trạng, nhiều địa phương bị ứ đọng lợn và sản phẩm lợn liên quan tới bệnh dịch này.
“Chúng ta công bố dịch để chủ động phòng chống ngăn chặn, thể hiện trách nhiệm với quốc dân, quốc tế”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận