Thị trường

Dịch vụ đổi tiền lẻ giáp Tết: Giao dịch “nửa kín, nửa hở”

08/02/2015, 13:34

Nhiều khu đổi tiền lẻ ở Hà Nội không còn dám công khai như trước mà giao dịch theo kiểu “nửa kín, nửa hở”.

doi-tien-le
Vì nhiều lý do khác nhau, người ta vẫn chấp nhận đổi tiền lẻ với giá cao "cắt cổ"

Gọi là đổi tiền, nhưng thực chất hoạt động này không gì khác hơn là một hình thức mua - bán. Chỉ có điều, thay vì mua một sản phẩm khác, người dân bỏ tiền để… mua lấy tiền. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, người dân vẫn cứ “mua”  tiền và chấp nhận cả những mức giá đắt đỏ nhất, có lẽ đó cũng chính là một nguyên nhân khiến những dịch vụ này vẫn còn đất sống.

“Chợ” đổi tiền lẻ online nhộn nhịp

Chỉ cần vài cú click chuột vào các trang web đổi tiền lẻ là đã thấy xuất hiện đầy rẫy những lời mời chào đổi tiền lẻ với những “ưu đãi hấp dẫn”. Trên một số website còn đăng công khai cả mức giá trao đổi giữa các loại tiền mệnh giá khác nhau. Với những loại tiền thông dụng như 10.000 đồng, 20.000 đồng thì mức phí chênh lệch thường là 10%, tức là một triệu đồng tiền chẵn sẽ đổi được 900.000 đồng tiền lẻ, còn đối với những loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng thì mức chênh lệch tăng cao rất nhiều, thậm chí cao hơn gấp hàng chục lần.

IMG_6074
Một người phụ nữ làm nghề trông giữ xe kiêm "đổi tiền lẻ" trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm - Hà Nội)

Gọi theo một số điện thoại đăng trên website doitienlixi…, phóng viên được một người thanh niên xưng tên Nam, nói là sinh viên làm thêm dịp Tết, quảng cáo và hướng dẫn tận tình về dịch vụ đổi tiền lẻ trên website này. Theo lời Nam thì đây là một website đã có uy tín từ lâu vì đổi tiền thấp hơn giá thị trường và đảm bảo đếm đủ tiền cho khách. Thế nhưng khi hỏi về giá thì  mới thấy, không có chuyện trên website này đổi tiền với mức chênh lệch thấp hơn so với giá ngoài “chợ đen”.

“Với loại tiền mệnh giá 10-20 nghìn đồng thì mức phí đổi là 15% (tức là phải mất 115.000 đồng tiền cũ để đổi lấy 100.000 đồng tiền lẻ mới). Tiền loại 2.000 -5.000 đồng có mức phí đổi là “10 ăn 8”, tức là chênh lệch 20%, còn đặc biệt, loại tiền có mệnh giá 500 đồng vì cực kì hiếm nên có mức phí “cắt cổ”: phải mất 150-160 nghìn đồng mới có thể đổi được 100 nghìn đồng tiền lẻ. Thậm chí với loại 500 đồng nếu không đổi sớm sẽ hết tiền vì số lượng để đổi không có nhiều” – Nam thao thao bất tuyệt một hồi giới thiệu về chi phí đổi tiền lẻ năm nay.

Khi phóng viên thắc tại sao giá đổi tiền chênh lệch lại cao như thế, đặc biệt là những loại tiền mệnh giá thấp như 500 đồng thì Nam trả lời chắc như đinh đóng cột: “Không cao chút nào đâu chị ơi, giá ưu đãi nhất rồi đấy. Loại tiền 500 đồng đổi mất phí cao vì nó hiếm, năm nay nhà nước không cho in tiền lẻ nên cũng không có nhiều, hơn nữa, tờ tiền này màu đỏ, mang ý nghĩa may mắn nên được rất nhiều người ưa chuộng, thường cháy hàng sớm hơn các loại khác. Chị cứ yên tâm đổi tiền ở đây sẽ không bị thiệt nhiều, còn nếu chị đổi ở “chợ đen” thì mức phí còn cao hơn mà tiền có khi còn bị đếm thiếu”.

Ngoài tiền lẻ, tiền Việt Nam mới thì trong vài năm trở lại đây năm gần đây, vào dịp Tết, các loại ngoại tệ - đặc biệt là tờ 1, 2 USD  là mặt hàng được đổi, rao bán rầm rộ trên các website. Trong đó, dịch vụ đổi 2 USD mới và cũ là ồn ào nhất. Những website này quảng cáo tiền 2 USD được cho là mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho người được lì xì. Vì thế,  những năm gần đây, rất nhiều người đã tích cực săn lùng loại tiền này vào dịp Tết. Theo như lời quảng cáo của các website này thì đối với những tờ tiền USD mới, mức độ đắt rẻ luôn phụ thuộc mã số seri. Với tiền cũ thì dựa vào năm sản xuất để đo giá trị, tờ nào phát hành càng lâu, càng “cổ” thì giá trị càng cao.

Giao dịch “chợ đen” nửa kín đáo, nửa công khai

Không dám công khai mua bán, trao đổi tiền lẻ như trên các diễn đàn mạng, thực tế ở các “chợ đen” nổi tiếng với việc đổi tiền lẻ ở đất Hà thành, việc giao dịch sau lệnh cấm trở nên nửa kín đáo, nửa công khai. Trong khi ở địa điểm xung quang các khu di tích như đền Phủ Dầy, chùa Hà, chùa Phúc Khánh (Hà Nội), tiền lẻ vẫn được trưng bày và trao đổi công khai thì tại các khu phố chuyên đổi tiền lẻ như Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm, Hà Nội), những người chuyên buôn tiền lẻ đã cảnh giác và thận trọng hơn rất nhiều.

Nếu như thời gian trước, tiền lẻ được bày công khai trên vỉa hè để khách qua lại có thể dễ dàng nhận ra thì nay, không có bất cứ một hàng nào dám bày tiền lẻ, thậm chí dịch vụ này chuyển sang núp bóng các hoạt động bán sách và trông giữ xe.

IMG_6076
Sà xuống tận lòng đường để mời khách đổi tiền

Trong vai một người đang tìm chỗ gửi xe để đi mua sách trên phố Đinh Lễ (Hà Nội), phóng viên được một “cò” dắt tận tay vào bãi gửi xe rồi thủ thỉ: “Có đổi tiền lẻ không em? Toàn tiền mới, theo sê-ri thôi”. “Giá bao nhiêu chị”?. “Thì vẫn như mọi năm, tùy mệnh giá em ạ. Loại tiền phổ biến thì 10 ăn 9 (tức là 100.000 đồng đổi lấy 90.000 đồng tiền lẻ), còn các loại mệnh giá nhỏ năm nay không sản xuất nên cũng hiếm, giá cao hơn, cao nhất là loại 500 đồng, với mức giá “10 ăn 5”, mà loại này cũng chỉ còn ít thôi, mấy loại kia thì em muốn đổi bao nhiêu cũng có” – “cò tiền lẻ” phát giá. Lấy lí do không đem theo đủ tiền để đổi, chúng tôi nhanh chóng đi xuống phía dưới nhưng vẫn nghe giọng người phụ nữ ban nãy gọi vơi theo đầy ẩn ý: “Tí lại ra chỗ chị “gửi” em nhé”.

Xuống phía đầu đường Đinh Lễ, đoạn giáp với đường Đinh Tiên Hoàng, chưa kịp dừng hẳn xe máy thì đã có người phụ nữ đội mũ lụp xụp ra chặn đầu xe hỏi nhỏ: “Gửi xe hay đổi tiền hả em? Ở đây chị có tiền đủ các loại mệnh giá, theo sê-ri, em muốn đổi bao nhiêu cũng có”. Thế nhưng khi thấy phóng viên hỏi nhiều quá mà vẫn không thấy lấy tiền ra đổi, người phụ nữ lập tức “sinh nghi”, quay ra bảo ở đây chủ yếu là chỉ trông giữ xe, có ít tiền lẻ nên khách cần thì đổi cho chứ không có nhiều.

Một nhân viên làm trong ngành ngân hàng cũng cho biết, trong khoảng nửa tháng cuối năm có rất nhiều người đến ngân hàng đổi tiền lẻ, nhưng do năm nay không in tiền lẻ nữa nên số lượng tiền cũng rất hạn chế, vì thế ngân hàng chỉ đổi cho những khách hàng thân thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.