Taylor Swift quyết định gỡ bỏ toàn bộ bài hát của mình trên Spotify vì chính sách “không giới hạn nghe nhạc với người dùng miễn phí"”của dịch vụ này. |
Tại sự kiện WWDC 2015 tổ chức hôm 8/6, Apple đã chính thức giới thiệu dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music. Như vậy, đây là dịch vụ nhạc trực tuyến mới thứ hai ra mắt trong năm nay. Trước đó, hồi tháng 4, ông trùm dòng nhạc Hip hop Jay-Z và bộ sậu của mình cũng vừa trình làng sản phẩm Tidal.
Phát triển chóng mặt
Chỉ cần một con số sau đây có lẽ cũng đủ chứng minh sự phát triển với tốc độ chóng mặt của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (streaming) và giải thích lý do cuộc đua trong lĩnh vực này ngày càng sôi động. Chiếc bánh dịch vụ nghe nhạc trực tuyến có tổng giá trị 1,9 tỷ USD. Năm ngoái, nhạc trực tuyến chiếm 27% doanh thu của cả nền công nghiệp âm nhạc Mỹ theo con số chính thức mà Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ công bố. Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ trực tuyến từ năm 2013 tới năm 2014 khoảng 54,5%. Cụ thể hơn, Nielsen cho biết năm 2014 có 78,6 tỷ lượt người nghe và 85,3 tỷ lượt xem video trực tuyến.
Thực ra dịch vụ giải trí trực tuyến đã xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, ở khoảng một thập niên qua nó vẫn bị lấn át bởi phương thức tải nhạc về (download) và hiệu quả doanh thu chưa cao cũng khiến giới kinh doanh còn thờ ơ. Nhưng chỉ ba năm trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi một cách chóng mặt. Sự phát triển của các thiết bị công nghệ cầm tay và nhiều yếu tố khác đã khiến streaming dần thay thế download để trở thành xu hướng phương thức giải trí mới trên toàn cầu.
Nói tới dịch vụ nghe nhạc trực tuyến chắc chắn phải nói tới Spotify. Công ty Thụy Điển này chỉ có số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD nhưng hiện nay đang là kho nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 50 triệu người dùng trong đó có khoảng 12,5 triệu tài khoản trả phí.
Đã có những thời điểm Spotify đứng trên bờ vực phá sản nhưng sự kiên trì “chờ thời” và nỗ lực nâng cấp liên tục chất lượng dịch vụ đã khiến công ty này hái quả ngọt và bắt đầu tăng trưởng thần tốc trong khoảng ba năm qua.
“Kẻ tám lạng, người nửa cân”
Ngoài Spotify và trước Apple Music hay Tidal còn có Rhapsody, Deezer hay Napster… Nhưng đến thời điểm này, cuộc đua đang tập trung vào bốn cái tên nổi bật nhất: Spotify - YouTube - Apple Music - Tidal. Và tình thế cuộc đua đang là “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Spotify có lợi thế của người tiên phong, như đã nói ở trên họ đang có kho nhạc và lượng người dùng rất lớn. Tuy nhiên, năm ngoái Spotify gặp trở ngại rất lớn với sự việc nữ ca sĩ Taylor Swift rút toàn bộ ca khúc khỏi dịch vụ này và tuyên bố tẩy chay nó vì cho rằng thiếu công bằng với giới nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ mặc dù trẻ tuổi nhưng Taylor Swift lại là một người rất có ảnh hưởng. Bằng chứng là sau cô, một loạt nghệ sĩ và nhóm nhạc cũng rút ca khúc khỏi dịch vụ này. Điều này khiến Spotify buộc phải cân nhắc lại về chính sách “không giới hạn nghe nhạc với người dùng miễn phí”.
YouTube có thể nói là kẻ thống trị duy nhất của mảng xem video miễn phí (video streaming). Riêng về mảng này không một dịch vụ nào có thể đạt được thành tựu khổng lồ với hàng tỷ lượt người xem hàng ngày, hàng giờ như YouTube. Điều quan trọng hơn nữa là dịch vụ này vẫn tiếp tục có nhiều tiềm năng khai thác và đặc biệt sức ảnh hưởng của nó với đời sống văn hoá - giải trí toàn cầu thực sự ghê gớm. Minh chứng là những “hiện tượng” như “Harlem shake” hay “Gangnam style” vài năm trước.
Tidal đã có màn ra mắt ấn tượng hồi tháng 4 với sự xuất hiện của những ngôi sao hàng đầu mà giới truyền thông gọi là “The Avengers phiên bản âm nhạc tụ hội” với những cái tên hàng đầu như: Madonna, Daft Punk, Chris Martin hay Nicki Minaj… Thậm chí Taylor Swift vừa rút hết nhạc khỏi Spotify đã “đổ” toàn bộ ca khúc lên dịch vụ trực tuyến này. Có được sự hậu thuẫn rất lớn của giới nghệ sĩ là nhờ vào vai trò của Jay-Z, ông chủ của Tidal. Hiện nay rapper này đang được coi là “bố già” của dòng nhạc Hip hop và là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất giới showbiz.
Tuy nhiên sau gần hai tháng “lên sóng”, Tidal đang ở tình trạng đuối sức. Hãng không đưa ra một con số chính thức nào về lượng người dùng nhưng chỉ cần nhìn lượng tải ứng dụng về trên iTunes cũng thấy thật đáng thất vọng. Các thông tin xung quanh Tidal cũng tiêu cực hơn là tích cực. Đầu tiên là CEO Andy Chen đã rời bỏ Tidal chỉ 20 ngày sau khi nó ra mắt kéo theo những đồn đoán về lục đục nội bộ của công ty. Hàng loạt các nghệ sỹ cũng lên tiếng chỉ trích dịch vụ này vì cho rằng Tidal quá “chảnh” với các nghệ sĩ độc lập, thậm chí Lily Allen còn cho rằng với mức phí quá cao của dịch vụ này (9,99 USD/tháng cho nhạc thường và 19,99 USD/tháng cho nhạc có định dạng chất lượng cao và hoàn toàn không hề có lựa chọn miễn phí cho người sử dụng) có thể tạo nên hiệu ứng ngược là người dùng quay lại với những trang web tải và nghe nhạc trái phép.
Đối thủ mới nhất trong cuộc đua streaming là Apple Music. Mặc dù chưa chính thức cho người dùng tải ứng dụng về nhưng đây hứa hẹn là một ứng cử viên nặng ký cho vị trí quán quân với lợi thế là kho nhạc khổng lồ 30 triệu bài hát của iTunes, những tính năng cuốn hút đặc biệt là lời giới thiệu của Apple về khả năng học thói quen, sở thích nghe nhạc của người dùng khiến Apple Music có thể đề xuất những ca khúc, playlist ưng ý nhất cho mỗi người. Ngoài ra còn có Beats 1, một đài radio trực tuyến của Apple “được dành riêng cho âm nhạc và văn hóa âm nhạc” và Apple Music Connect, chức năng kết nối fan hâm mộ và nghệ sĩ. Với mức phí 9,99 USD/tháng cũng rất thuyết phục người dùng.
Chưa biết từ giờ tới cuối năm thị trường streaming sẽ phát triển tới mức nào, và cũng không loại trừ khả năng một dịch vụ mới nữa sẽ chào sân trong cuộc đua đang hồi gay cấn này. Nhưng chắc chắn đây không còn là tương lai mà đã trở thành xu hướng nổi bật nhất của thị trường giải trí về nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận