Uber sáp nhập về Didi khiến nhiều người lo ngại thị trường phần mềm gọi taxi tại Trung Quốc rơi vào thế độc quyền |
Thương vụ sáp nhập giữa Công ty Quản lý phần mềm gọi taxi Didi Chungxing và đối thủ của Mỹ Uber gặp chướng ngại đầu tiên khi Bộ Thương mại Trung Quốc (Mofcom) khẳng định, không hề nhận được đơn từ cần thiết để thỏa thuận được thông qua.
Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp với quy mô có thể gây lo ngại về độc quyền cần phải trình báo cáo sáp nhập lên Bộ Thương mại và các bên chờ điều tra chống độc quyền sau đó quyết định cho phép hoạt động hay không. Tuy nhiên, ngày 4/8, Reuters dẫn thông báo từ người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết: “Mofcom chưa nhận được đơn xin sáp nhập liên quan tới thỏa thuận giữa Didi và Uber”. “Didi và Uber Trung Quốc cần thông báo việc sáp nhập. Nếu không, thỏa thuận không được phép tiến hành”, thông báo cho biết.
Tuy nhiên, Didi cho biết, thương vụ này không cần Chính phủ chấp thuận vì cả hai công ty vốn không có lợi nhuận nên quy mô lợi nhuận không đủ để phải nộp đơn xin sáp nhập: “Dựa trên nhiều điều khoản tài chính trong thỏa thuận cho thấy, chúng tôi không cần phải nộp đơn. Uber Trung Quốc và Didi chưa hề thu về lợi nhuận.
Lợi nhuận của Uber Trung Quốc không đạt được yêu cầu 400 triệu NDT (60,30 triệu USD) để phải nộp đơn, làm thủ tục chống độc quyền. Chúng tôi đã và đang giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng”. Thương vụ sáp nhập giữa hai tập đoàn cung cấp phần mềm gọi taxi lớn nhất Trung Quốc được thông báo đầu tuần này, tạo ra một doanh nghiệp mạnh trị giá 35 tỷ USD. Người ta lo ngại, sau đây, doanh nghiệp này có thể độc quyền thị trường gọi taxi qua phần mềm béo bở của Trung Quốc.
Sau thông báo của Mofcom, dư luận trong nước có phản ứng nhiều chiều. Một số chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để các công ty đối thủ với Didi và Uber vươn lên. Ông Jia Yueting, người đứng đầu Công ty LeEco - tập đoàn mẹ của Công ty Quản lý phần mềm gọi taxi Yidao khẳng định sẽ thực hiện chiến dịch tái tranh đấu khắc nghiệt để thu hút hành khách, ngăn chặn thị trường rơi vào thế độc quyền. Một số cư dân mạng Trung Quốc yêu cầu cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ vụ việc. Một số khác cho rằng, thương vụ sáp nhập rõ ràng tạo ra thế độc quyền vì vậy không nên cấp phép cho hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận