Toàn thành phố còn 34 điểm ùn tắc
Sáng nay (16/5), báo cáo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ cơ quan Sở GTVT Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới do triển khai thi công các công trình trọng điểm nên số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện là 34 điểm.
Trong đó, nút giao là “điểm nóng” ùn tắc, gồm: Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt, Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ, Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu, Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, La Thành - Giảng Võ, Điện Biên Phủ - Trần Phú, Minh Khai - ngõ Gốc Đề, Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc, Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Minh Khai - cầu Mai Động, Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, nút giao Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, nút giao đường 70 với đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An
Các điểm, cầu thường xuyên tắc nghẽn, gồm: Chương Dương, cầu Tó, khu vực điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu, hai đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, ngã tư Canh, dốc Vĩnh Hưng, điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng, lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One.
Các tuyến đường thường xuyên ùn tắc, gồm: đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì, đường Trường Chinh (Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở), đường Nguyễn Khoái (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến đường Vành đai 1)
Đẩy nhanh ứng dụng camera giám sát
Ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, để kéo giảm tình trạng ùn tắc, 5 năm qua, TP. Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình cấp bách về giải quyết ùn tắc giao thông như: cầu vượt nút giao Cổ Linh, cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên, đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương - khách sạn Thắng Lợi,...
Xác định nguyên nhân chủ yếu gây tắc nghẽn giao thông do mật độ giao thông lớn trong khi tiết diện mặt đường lưu thông hẹp, tổ chức giao thông còn hạn chế, ảnh hưởng từ các dự án đang triển khai, theo ông Tuấn, thời gian tới, cùng với các biện pháp đang triển khai như: cải tạo, nâng cấp hạ tầng nút giao, xây dựng lại phương án tổ chức giao thông, tăng cường lực lượng điều tiết, Sở GTVT Hà Nội sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm như: đường vành đai 3 trên cao, đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng), ga ngầm S9 thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án mở rộng đường Hoàng Quốc Việt, dự án cầu vượt An Dương, dự án BT đường 70 - Văn Điển,…
Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị giao các quận địa bàn đẩy mạnh lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 12 điểm: Bắc cầu Chương Dương; nút giao Phạm Văn Đồng với các tuyến Trần Quốc Hoàn, Cổ Nhuế; khu vực đường gom từ Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; nút giao Âu Cơ - Nghi Tàm; Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; La Thành - Giảng Võ; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Điện Biên Phủ - Trần Phú; đường Trường Chinh (Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở), lối lên đường vành đai 3 trên cao (khu vực tòa nhà Thăng Long) và đường 70 giao với đường khu tưởng niệm Chu Văn An.
“Bằng những biện pháp đó, Đảng bộ cơ quan Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu sẽ xử lý được từ 7 - 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông hàng năm”, lãnh đạo Sở GTVT cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận