Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác tạo thành trục huyết mạch song song và chia lửa cho QL1 |
Ý nghĩa lớn lao
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, theo danh mục Thủ tướng phê duyệt, các công trình dự án trọng điểm ngành GTVT có 26 dự án. Trong đó, đường bộ có 15 dự án, với tổng kinh phí hơn 375 nghìn tỷ đồng. Đường sắt có 6 dự án, tổng kinh phí hơn 142 nghìn tỷ đồng. Còn lại là hàng không 2 dự án, kinh phí hơn 17 nghìn tỷ đồng và hàng hải 3 dự án, vốn đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng.
“Tính đến hết tháng 11/2014, đã có 10 dự án và tiểu dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác. Trong số này có 7 dự án đường bộ gồm các tuyến cao tốc: TP HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Láng - Hòa Lạc, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai; cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam Vành đai 3; đường Vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2. Đường sắt hoàn thành tiểu dự án Hạ Long - Cái Lân. Còn hàng không là dự án cảng hàng không Phú Quốc, hàng hải là cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép”, ông Sanh thông tin.
Các dự án này đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao, không những giảm áp lực cho giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc, còn thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam những năm vừa qua tiến bộ vượt bậc. Đây đều là những dự án mang dấu ấn của việc triển khai Nghị quyết 13 là tập trung đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo GTVT đi trước mở đường nhằm sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
"Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2014 Việt Nam có vị trí 74 thế giới, tăng 16 bậc về năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010. Điều này do những năm qua, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có việc đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Đơn cử như cầu Thanh Trì, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, ngay từ khi bắt tay vào thiết kế đã nổ ra những cuộc tranh luận nảy lửa giữa nhà tài trợ và các cơ quan chức năng. Phía Nhật Bản cho rằng, với lưu lượng phương tiện giao thông như của Hà Nội vào thời điểm đó chỉ cần xây dựng cầu hai làn xe. Nhưng từ dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện, các chuyên gia cầu đường Việt Nam kiên quyết bảo vệ quan điểm phải làm cầu quy mô 6 làn xe. “Từ khi thông xe cầu Thanh Trì, cộng với đường Vành đai 3 giai đoạn 2, tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn và phát huy hiệu quả cao, sự thông thoáng cho cửa ngõ phía Nam Thủ đô, vốn trước đây luôn thường trực ùn tắc”, ông Hòa nói.
Hay như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ban đầu nhiều người lo ngại chi phí cao. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác đã thấy hiệu quả kinh tế lớn. Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Khai thác đường cao tốc (VEC O&M - đơn vị khai thác tuyến đường): “Hầu hết lái xe đều cho biết lợi ích vượt trội khi đi trên tuyến Cao tốc Nội Bài - Lào Cai so với tuyến cũ. Tất cả các tiêu chí như: Nhiên liệu, thời gian, hao mòn và chi phí phát sinh đều giảm đáng kể. Hơn nữa, nếu đi đường cũ từ QL2 lên QL70 nhiều đoạn đường núi quanh co, nguy cơ TNGT và ùn tắc rất cao”.
Thực tế chỉ sau vài tháng đưa vào khai thác cao tốc này, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai do vắng hành khách, đã phải giảm giá vé và bắt đầu tính toán chuyển dịch cơ cấu vận tải, chú trọng về vận chuyển hàng hóa.
Thêm 3 công trình lớn cán đích
Ngay những ngày đầu năm mới 2015, người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung sẽ đón nhận tin rất vui khi ba công trình giao thông trọng điểm sẽ đồng loạt khánh thành, đưa vào khai thác. Cầu Nhật Tân là một trong ba công trình cầu có kết cấu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất thế giới, đồng thời là công trình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, thể hiện tinh thần sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong xây dựng cầu của ngành GTVT Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, cầu Nhật Tân có tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2009, với năm trụ tháp khổng lồ, cao 110m, sừng sững bắc qua sông Hồng, tượng trưng cho năm cửa ô của Hà Nội chào đón bạn bè khắp năm châu. Các trụ tháp được đặt trên nền móng vòng vây cọc ống thép SPSP, một công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam.
Cũng như cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài đã cơ bản hoàn thành. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.742 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, với 5 gói thầu xây lắp này khi đưa vào sử dụng sẽ là một trong những tuyến đường đẹp nhất Thủ đô. Thành phố Hà Nội dự định sẽ đặt tên tuyến đường theo tên của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dự kiến cũng được khánh thành ngay trong ngày 4/1, nhà ga hành khách T2 Nội Bài là một trong những nhà ga hiện đại nhất Việt Nam. Khi cầu Nhật Tân hoàn thành, cùng với đường nối Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 được đưa vào khai thác sẽ tạo thành một trục giao thông liên hoàn thứ hai, hiện đại và đồng bộ, “chia lửa” đáng kể cho các tuyến đường hiện hữu nối trung tâm Thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài.
Đồng loạt thúc tiến độ
Với các dự án đang trong quá trình triển khai, ông Trần Xuân Sanh cho biết đều đang đạt tiến độ tốt. Trong số này phải kể đến dự án đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào khai thác 1.350 km đoạn Hòa Lạc - Tân Cảnh. Giai đoạn 2, gồm 44 dự án thành phần, trong đó có 15 dự án đã hoàn thành, 23 dự án đang triển khai. Trong số này có 13 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, một dự án theo hình thức BT, năm dự án BOT, bốn dự án ODA.
“Hiện các dự án đều triển khai với tiến độ tốt, nhất là các dự án QL14 qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Các nhà thầu, nhà đầu tư đang tập trung tối đa nhân lực, đảm bảo hoàn thành trong năm 2015, trước một năm so với Nghị quyết của Quốc hội”, ông Sanh thông tin.
Với các dự án đường bộ cao tốc, hiện ngành GTVT đang đồng loạt triển khai nhiều dự án như: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng và đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư tuyến Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP. Trong số này, dự án thành phần 2 của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn km4+000 - km23+900, hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đang đốc thúc triển khai nốt đoạn Km23+900 - Km54+983. Một số gói thầu sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2015.
Ngoài các dự án đường bộ, các dự án trọng điểm lĩnh vực đường sắt đang được rốt ráo triển khai. Theo ông Trần Xuân Sanh, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên gồm năm gói thầu. Hiện đã triển khai được ba gói và đều đảm bảo tiến độ. Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương mới đang trong giai đoạn thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế. Với tuyến Cát Linh - Hà Đông dù đang chậm so với quyết định đầu nhưng không đáng ngại nguyên nhân do vướng mặt bằng thi công và phải thay đổi thiết kế phương án nhà ga.
Bên cạnh đó, hai dự án nằm trong danh mục trọng điểm lĩnh vực hàng hải cũng đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ là luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hai dự án này sẽ hoàn thành trong năm tới, có khả năng làm xoay chuyển hai vùng kinh tế trọng điểm giàu tiềm năng nhất nước.
Hà Thanh Oai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận