Hạ tầng

Điểm danh những dự án giao thông tầm cỡ hoàn thành năm 2020

19/12/2020, 18:55

Trong năm 2020, có khoảng hơn 20 dự án, công trình giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng...

img

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư được thông xe, đưa vào khai thác từ đầu tháng 10/2020

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong năm 2020, có khoảng hơn 20 dự án, công trình giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Báo Giao thông điểm lại một số dự án, công trình giao thông nổi bật hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2020:

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long:

Ngày 11/10/2020, dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) với tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng đã hoành thành, đưa vào khai thác chỉ sau 28 tháng thi công. Dự án có tổng chiều dài 5,367km, trong đó cầu cạn dài là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,6m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Công trình được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Việc đưa công trình đưa vào khai thác đã khép kín tuyến đường Vành đai 3 trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm đến cầu Thăng Long. Kết hợp với tuyến Vành đai đi thấp bên dưới, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc thường xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, nhất là tại các khu vực nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn,…

img

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ khánh thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2020

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi:

Ngày 15/10, Bộ GTVT tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đến nay, các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để khánh thành, đưa vào khai thác trong cuối tháng 12/2020 sau gần 5 năm tổ chức thi công.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khi đưa dự án vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút.

img

Ống hầm thứ 2 qua hầm Hải Vân chuẩn bị được đưa vào khai thác

Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả:

Công trình có tổng mức đầu tư 7.295 tỷ đồng, gồm: Nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1), cải tạo đoạn tuyến QL1 qua đèo Hải Vân (đã hoàn thành từ năm 2019); mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với 2 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.

Hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2km được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, góp phần đảm bảo an toàn giao thông giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Dự kiến, hầm Hải Vân 2 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2020.

img

Giai đoạn 1 của dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trước 31/12/2020

Giai đoạn 1 nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất:

Ngày 29/6/2020, chỉ một tháng kể từ thời điểm Thủ tướng có văn bản đồng ý thực hiện dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu), Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã dốc toàn lực hoàn thành các thủ tục cần thiết, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng của hai sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Giai đoạn 1, sân bay Nội Bài sẽ cải tạo 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn hai sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối dự kiến hoàn thành trước 31/12/2021.

Dự án sửa chữa nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 1 gồm sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3km, rộng gần 46m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác đồng bộ trước 31/12/2020.

img

Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ được thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 5/2020

Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ:

Ngày 28/5/2020, sau 27 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long, vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định được thông xe đưa vào khai thác. Cây cầu dài 2.359, tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước.

Cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác giúp kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đặc biệt, cầu Thịnh Long sẽ nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, là vị trí giao cắt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: QL21, QL21B, tuyến đường bộ ven biển, TL490C,… rút ngắn khoảng cách 15km trên tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long với TP.Nam Định.

img

Thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn từ Xuất Hóa (Bắc Kạn) đến cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn)

Hàng loạt dự án đường bộ quan trọng, cấp bách:

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, từ nay đến hết tháng 12/2020, hàng loạt dự án đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - Pò Mã; Dự án kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1; Dự án nâng cấp QL4 đường nối Hà Giang - Lào Cai,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.