Ngoài vụ việc cháu Đặng Đình Quảng (3 tuổi) tử vong ngày 8/4, chỉ trong vài tháng qua, tại Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) còn xảy ra nhiều vụ bệnh nhân tử vong khác mà gia đình đều cho là bất thường.
Tử vong sau khi truyền dịch
Ngày 14/3/2015, ông Đặng Minh Sơn (41 tuổi, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị bệnh gan, sức khỏe yếu nên được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Lộc Hà. Đến trưa 15/3, sau khi được y, bác sĩ của bệnh viện truyền dịch, ông Sơn đang tỉnh táo bỗng nhiên xuất hiện những triệu chứng bất thường, khó thở, mặt mày tím tái, hôn mê sâu rồi tử vong sau đó.
Người thân ông Đặng Minh Sơn rất bức xúc khi ông Sơn tử vong bất thường ngày 15/3/2015 |
Giải thích về nguyên nhân ông Sơn tử vong, ông Võ Viết Quang, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà, cho biết khoảng 5 giờ 40 ngày 14/3, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân Sơn trong tình trạng bị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn và bị bệnh xơ gan nặng. Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh thì các y, bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành truyền dịch và tiêm kháng sinh để điều trị bệnh cho bệnh nhân. Đến 12 giờ 30 ngày 15/3, bệnh nhân đột ngột xuất hiện những triệu chứng lạ, tụt huyết áp, mặt mày tím tái và đi vào hôn mê sâu.
Bác sĩ Trần Thị Thu, bác sĩ trực đã truyền dịch, tiêm thuốc vận mạch, đặt khí quản để cấp cứu cho bệnh nhân nhưng vẫn vô vọng. Đến khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
“Trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân Sơn, bệnh viện đã tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Nhưng vì tình trạng bệnh của Sơn quá nặng, diễn biến bệnh tình lại quá nhanh, quá phức tạp nên chúng tôi rất lấy làm tiếc”, ông Quang nói.
Thai nhi tử vong khi vừa chào đời
Ngày 8/11/2014, chị Phan Thị Liên (SN 1982, trú tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) đang mang thai 39 tuần tuổi có dấu hiệu bị đau ở bụng nên đã được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà khám. Tại đây, sau khi xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm thai, các bác sĩ cho biết, tình hình sức khỏe của sản phụ Liên cùng cái thai 39 tuần tuổi, nặng khoảng 3kg không có dấu hiệu gì đáng lo. Và để tiện cho việc sinh nở thì sản phụ Liên được chuyển lên khoa sản của bệnh viện để theo dõi.
Theo anh Minh (chồng chị Liên), tới khoảng 8h cùng ngày (8/11), vợ anh bị vỡ nước ối. Gia đình đã nhanh chóng báo cho kíp trực, sau đó, bác sĩ Phan Đình Hòa, trưởng khoa sản BVĐK huyện Lộc Hà đã tới thăm khám. Tuy nhiên, lại không thấy bác sĩ Hòa nói lại gì.
Khoảng 16h chiều 8/11, thấy sức khỏe của mình không đủ để sinh bình thường, chính sản phụ Liên cùng gia đình đã yêu cầu được mổ đẻ, nhưng khi khám lại, bác sĩ Hòa vẫn bảo với người nhà là vỡ ối bình thường, cổ tử cung đã mở được khoảng 4 cm và không phải lo lắng. Đến 11h ngày 9/11, khi được các bác sĩ tiêm và cho uống 3 viên thuốc con nhộng màu xanh, sản phụ Liên được chuyển vào phòng sinh. Khoảng 30 phút sau, bác sĩ Hòa ra ngoài và thông báo với gia đình, bé gái đã ra được nửa đầu nhưng phải chờ thêm nữa.
Phải hơn 1 tiếng sau (13h ngày 9/11), ca sinh mới hoàn tất. Thế nhưng, bác sĩ báo cho người nhà là phải chuyển bé gái lên tuyến trên để cấp cứu. Tuy nhiên, khi tới nơi thì các bác sĩ ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thông báo, bé gái đã tử vong trước đó.
Bà Phan Thị Liễu (mẹ chồng sản phụ Liên) bức xúc, lúc vừa sinh ra, chúng tôi không hề nghe thấy tiếng cháu khóc. Rồi khi đi cấp cứu, người của BV đưa cháu đi nhưng cũng chẳng cho gia đình thấy mặt cháu. Cháu tôi chết oan uổng quá.
Tới chiều ngày 9/11, gia đình đã đưa thi thể bé gái về quê cấp táng. Còn tình trạng sức khỏe của sản phụ Liên vẫn đang rất yếu và được điều trị tại phòng hậu sản BVĐK huyện Lộc Hà. Hiện tại, gia đình vẫn đang giấu sản phụ Liên về sự việc vì sợ chị sẽ sốc.
Người thân chị Phan Thị Liên bất bình trước việc con gái chị tử vong khi vừa mới chào đời ngày 9/11/2014 |
Ngày 10/11, khi trả lời báo chí, ông Võ Viết Quang, GĐ BVĐK huyện Lộc Hà cho biết, khi mới nhập viện, tình hình sức khỏe của sản phụ Phan Thị Liên rất tốt còn thai nhi bình thường. Sau khi biết sản phụ vỡ ối, các bác sĩ đã theo dõi sát sao. Trước khi lên bàn sinh, sản phụ Liên đã được uống kháng sinh (3 viên con nhộng màu xanh) và tiêm thuốc ocytocin (thuốc kích thích co tử cung).
"Tuy nhiên, khi đầu thai nhi đã lọt qua cổ tử cung thì không hiểu sao cơn co cổ tử cung của thai phụ lại mất đi. Chúng tôi đã tiêm tăng liều kích thích co tử cung lên nhưng không được. Vì quá trình này hơi lâu, nên dẫn đến việc thai nhi bị suy nhược. Sau khi sinh, mặc dù thai nhi vẫn thở nhưng tình trạng sức khỏe của bé gái không tốt, chúng tôi đã vội chuyển lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu nhưng không thành công, bé gái đã tử vong", bác sĩ Quang phân trần.
Suýt bị cưa mất chân
Ngày 3/12/2014, anh Lê Đình Duẩn bị tai nạn giao thông, gãy ngón cùng ba vết thương vào phần mềm ở bàn chân trái. Anh Duẩn được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà cấp cứu. Các bác sĩ kiểm tra, chụp X- quang, chuẩn đoán tình trạng và cho nhập viện.
Anh Duẩn được điều trị tại đây gần một tháng, tuy nhiên tình trạng sức khỏe của anh Duẩn không những không tiến triển mà càng ngày càng có dấu hiệu nặng thêm. Khi toàn bàn chân trái của anh Duẩn đã phù nề to, bầm đen, các ngón chân đau rát, các y tá và thực tập sinh cũng chỉ tiêm kháng sinh và thuốc giảm đau. Thấy tình trạng bệnh không có chuyển biến tích cực. Lo lắng cho sức khỏe của anh Duẩn, người nhà và chính bản thân anh Duẩn đã nhiều lần đề nghị BV thay đổi phương pháp điều trị hoặc cho chuyển lên tuyến trên nhưng các bác sỹ không đồng ý.
Đến ngày 1/1/2015, gia đình anh Duẩn buộc phải bỏ ngang việc điều trị ở BVĐK huyện Lộc Hà để chuyển anh đến Bệnh viện Cửa Đông (TP Vinh, Nghệ An) để điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh Duẩn bị gãy xương ngón chân, những vết thương ở mu bàn chân bị nhiễm trùng nặng, phần thịt bị hoại tử, nếu không mổ và cắt bỏ kịp thời có thể sẽ phải cưa mất bàn chân trái. Kíp mổ quyết định mổ bàn chân trái để giữ an toàn cho phần thân thể còn lại của bệnh nhân.
Sau 13 ngày điều trị ở Bệnh viện Cửa Đông (TP Vinh, Nghệ An), anh Duẩn đã về nhà và đang hồi phục bàn chân trái. Trao đổi với PV, người nhà chia sẻ: "Từ ngày anh Duẩn suýt bị cưa mất bàn chân, cuộc sống của cả nhà bị đảo lộn. Các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau chăm sóc, nhất là trong thời gian phục hồi chức năng, anh chỉ ngồi một chỗ".
Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh |
Ngày 6/1/2015, trao đổi với PV, ông Võ Viết Quang, GĐ BVĐK huyện Lộc Hà cho rằng: Tình trạng sức khỏe của anh Lê Đình Duẩn khi đang điều trị tại BVĐK huyện Lộc Hà không có gì đáng lo ngại. Phía bệnh viện là làm đúng chuyên môn, thăm khám và điều trị đúng phương pháp.
Bác sĩ Trần Hậu Đức, Trưởng khoa Ngoại BVĐK huyện Lộc Hà - người trực tiếp khám và điều trị cho anh Lê Đình Duẩn suốt hơn một tháng. Ông Đức cho biết: bệnh nhân Duẩn nhập viện trong tình trạng gãy ngón chân, cùng với ba vết thương ở bàn chân trái. Sau khi chụp phim và chuẩn đoán, kết luận bệnh nhân Duẩn bị nhiễm trùng lan tỏa, cần phải nhập viện và điều trị dài ngày.
“Hơn một tháng nằm ở đây, chúng tôi đã cho bệnh nhân uống kháng sinh, tiêm thuốc và thay băng thường xuyên. Nhưng nhiều lần bệnh nhân Duẩn tự ý bỏ viện và tự về nhà điều trị, không theo quy định của bệnh viện, nên tình trạng bệnh lý nặng thêm là điều khó tránh khỏi” – ông Đức nói thêm.
Tiêm được 20 phút, bé trai 3 tuổi tử vong bất thường
Mới nhất là vụ việc cháu Đặng Đình Quảng (3 tuổi, trú tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đêm 8/4 khiến gia đình chị Trần Thị Hồng (mẹ cháu Quảng) hết sức đau lòng. Gia đình chị Hồng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết “tức tưởi” của con chị là do lỗi từ phía bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà.
Chị Trần Thị Hồng (mẹ cháu Đặng Đình Quảng) đau xót trước cảnh mất con |
Tuy nhiên, ông Võ Viết Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà cho biết, khoảng 21h ngày 8/4, kíp trực gồm có bác sĩ Trần Hậu Đức (trực lãnh đạo), bác sĩ Võ Quốc Khánh (trực cấp cứu) cùng hai điều dưỡng có tiếp nhận cháu Quảng. Qua mô tả trong bệnh án, cháu nhập viện trong tình trạng li bì, toàn thân tím tái, nhợt nhạt, các cơ hô hấp co rụt.
Bác sĩ chẩn đoán cháu Quảng bị viêm phổi nặng, suy hô hấp và tiến hành cho thở oxy, dùng thuốc khí dung và thử phản ứng thuốc. Hai điều dưỡng là Đặng Văn Quyết và Trần Thị Thu Hà tiêm một ống kháng sinh (Gentamicin) 40 mg vào bắp tay và một ống solu-medrol vào tĩnh mạch của cháu Quảng. Đúng 10 phút sau, bệnh nhân có hiện tượng ngừng thở, nhịp tim đập rời rạc. Các bác sĩ đã tiến hành bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực, nhưng 15 phút sau thì cháu tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận