Xã hội

Điểm mặt 4 loại tiêu cực cân xe

28/07/2014, 15:44

Chiều 28/7, buổi tọa đàm Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe do Báo Giao thông điện tử tổ chức đã "nóng" lên khi khách mời trả lời trực diện nhiều câu hỏi truy nguyên nhân, trách nhiệm.

Chiều 28/7, buổi tọa đàm Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe do Báo Giao thông điện tử tổ chức đã "nóng" lên khi khách mời trả lời trực diện nhiều câu hỏi  truy nguyên nhân, trách nhiệm.

Đồng loạt cân xe
Các tỉnh đồng loạt cân xe trên các quốc lộ theo chỉ đạo của Chính phủ

Khách mời tham dự tọa đàm có 

1. Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT

2 .Ông Khuất Việt Hùng -  Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGTQG kiêm Vụ trưởng Vụ Vận tải.

3. Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

4. Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT

5. Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông

6. Ông Trần Sơn - Cục trưởng Cục QLĐB I

7. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt

 

Về phía lãnh đạo các địa phương, gồm có

Ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Ông Nguyễn Văn Khoái - Giám đốc Sở GTVT Hà Nam.

Ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương.

Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh

Ông Hoàng Phú Hiền - Phó GĐ Sở GTVT Nghệ An

Ông Trần Trọng Thắng - Chánh Thanh tra  Sở GTVT Nghệ An

          

Cùng tham gia tọa đàm còn có đại diện hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải

- Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

- Ông Phạm Huy Liệu - Giám đốc CTTNHH Một thành viên Huy Liệu TP HCM

- Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM

- Bà Trần Thị Hòa - Phó Giám đốc Công ty vận tải Sao Việt

- Ông Phạm Văn Hòa - Giám đốc Công ty vận tải Gia Phong

 

Các khách mời đã trao đổi, làm rõ những bất cập, tiêu cực trong chủ đề rất nóng hiện nay là kiểm soát tải trọng xe; Trách nhiệm của các bên liên quan từ Bộ GTVT, địa phương, CSGT, cán bộ trạm cân... và cùng lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải, giải pháp tới đây của các cơ quan chức năng để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương lớn này của Chính phủ.

CHỐNG TIÊU CỰC ĐỂ CÂN XE HIỆU QUẢ HƠN NỮA

Thưa thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc kiểm soát tải trọng xe dù đã triển khai đồng loạt trên toàn quốc nhưng có nơi làm tốt, nơi chưa tốt khiến doanh nghiệp lo lắng, vẫn còn có hiện tượng lái xe nói trả tiền bảo kê để được hẹn giờ qua trạm cân, chưa tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Lãnh đạo Bộ GTVT nhận định thế nào về tình trạng này, quan điểm chỉ đạo của Bộ trong thời gian tới ra sao?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trả lời câu hỏi của độc giả gửi về chương trình
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trả lời câu hỏi của độc giả gửi về chương trình

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trước hết tôi phải khẳng định là chúng ta đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát tải trọng xe (KSTTX). Tại cuộc hội nghị sơ kết 6 tháng, Bộ GTVT đã đánh giá khá toàn diện để chỉ ra những mặt tồn tại và đưa ra các giải pháp cho những tháng cuối năm.

Trước đây vấn đề KSTTX đã được tiến hành. Tuy nhiên, năm 2003, sau một số vụ tiêu cực tại các trạm cân, việc cân xe có sự thay đổi và giao cho CSGT kiểm tra với những thiết bị đơn giản. Chỉ còn duy trì hai trạm cân cố định ở Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh.

Trước tình trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh, tai nạn giao thông tăng cao, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải và những bất bình đẳng trong cơ cấu vận tải, Bộ GTVT đã đặt ra nhiệm vụ tăng cường công tác KSTTX và báo cáo Chính phủ lộ trình thực hiện chủ trương này.

Các giải pháp siết chặt cân xe trên địa bàn cả nước đã tác động mạnh mẽ đến các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân.

Để chủ trương này đạt được hiệu quả cao nhất, vấn đề kiểm soát vấn đề tiêu cực trong kiểm soát KSTTX có vai trò quan trọng.

Lường trước việc này Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể. Bộ GTVT cũng có những chỉ đạo nêu rõ những biện pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực. Trong đó, trước hết cần tập trung đến trách nhiệm, phối hợp của hai lực lượng chính là TTGT và CSGT. Kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoài nhiều địa phương tích cực, xe quá tải giảm nhiều, vẫn còn những địa phương chưa làm tốt, hiệu qủa chưa cao. Những địa phương không đạt được hiệu qủa cao, ngoài việc tổ chức cân xe chưa tốt mà còn có xuất hiện cả tiêu cực, cò mồi. Một số nơi còn có tình trạng người dân và lái xe có những hành vi trái qui định. Nhiều lái xe không chấp hành nghiêm chủ trương này, thậm chí còn cố tình phá hoại, gây hư hỏng thiết bị trạm cân.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến
Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến

Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh những tồn tại khách quan thì những yếu kém trong khâu tổ chức ở một số địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa hai lực lượng TTGT và CSGTchưa hiệu quả là nguyên nhân chính. Trách nhiệm phối hợp, thực thi công vụ các các lực lượng tại trạm cân cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Có tình trạng lập trạm cân nhưng không duy trì 24/24h, 7 ngày trong tuần, dẫn đến cò mồi lợi dụng thời điểm không có trạm cân để cho xe quá tải vượt trạm. Nhiều lần tôi trực tiếp đi kiểm tra đêm và phát hiện ra hiện tượng này. Có những thời điểm việc kiểm tra, kiểm soát tại các trạm cân còn rất lơ là.

6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu siết chặt hơn và nâng cao hơn nữa việc này, quyết không để xe quá tải lộng hành và “lọt” trạm, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Các xe chở vật liệu hoành hành
Các xe chở vật liệu hoành hành

ĐIỂM MẶT 4 LOẠI TIÊU CỰC LIÊN QUAN CÂN XE

Hỏi: Một lái xe chạy tuyến QL1 Hà Tĩnh - Nam Định cho biết họ rất bức xúc khi xe mình bị dừng lại buộc vào cân trong khi đó nhiều xe khác, bằng mắt thường cũng thấy đất đá cao có ngọn hoặc chở gỗ quá tải, thân gỗ dài ra khỏi đuôi xe cả mét thì lại dễ dàng đi qua trạm cân?

Vậy có hay không tiêu cực, bảo kê bỏ qua xe quá tải hay không?

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Hiện nay, đoàn thanh tra của Bộ thực hiện Quyết định 1512/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã kiểm tra có báo trước tại 23 tỉnh và không báo trước tại 12 tỉnh. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã trực tiếp thị sát hoạt động kiểm tra. Nhiều người tưởng lầm là xe to thì vi phạm. Nhưng thực tế, để xác định xe vi phạm cần căn cứ vào các tiêu chí theo điều 24 và 33. Theo Điều 24, căn cứ xác định xe quá tải trọng vượt quá tải trọng cho phép của phương tiện. Xe được chở 20 tấn nhưng chở 21, 22 tấn thì vi phạm.

Có thể xem xét theo các tiêu chí sau: Loại 1: Vượt tổng tải trọng cho phép. Loại 2: Vượt tải trọng trục. Trường hợp khác là vượt tải trọng cầu đường cho phép. Ví dụ, cầu đường cho phép tải trọng 15 tấn nhưng xe nặng 20 tấn là vi phạm. Theo quy định của pháp luật, hiện chúng tôi chỉ đạo các lực lượng thanh tra không chỉ tập trung xử lý các xe container, xe chở hàng đông lạnh vì loại xe này có nhiều trục, có xe lên tới 6 trục cho phép trọng tải lớn. Nhưng một số loại xe như xe hổ vồ, chỉ có 1 trục đơn, 2 trục kép (3 trục), Thanh tra giao thông có thể nhìn là phát hiện dấu hiệu chở quá tải ngay. Để làm được điều này phải có nghiệp vụ sâu.

Hiện nay, bình quân chung là 20-25% số xe bị dừng có vi phạm tải trọng. Cá biệt tại Bình Thuận tỷ lệ 38,5% số xe bị dừng vi phạm. Có những khi số xe bị dừng chỉ có 10% phát hiện vi phạm. Thường các xe chở VLXD, Thanh tra giao thông có kinh nghiệm chỉ cần nghe tiếng máy xe, nhìn tốc độ của xe là có thể phán đoán xe chở quá tải trọng. Khi phát hiện xử lý hành vi vượt tải trọng có 3 chủ thể bị phạt: lái xe trực tiếp điều khiển (Điều 24 và 33); DN chủ phương tiện (Điều 30 và 74); đơn vị bốc hàng hóa.

Xe tải chở clinker cho nhà máy xi măng Bút Sơn, Hà Nam
Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy những chiếc xe thế này chở quá tải.

Trong quá trình thực hiện, ông có thể cho biết kết quả của việc kiểm tra đột xuất và kiểm tra có kế hoạch thông báo trước  khác nhau thế nào? Kiểm tra đột xuất ở 12 tỉnh có phát hiện được tiêu cực không, thưa ông?

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Có thể thấy dù thực hiện việc kiểm tra nào cũng thấy nổi lên 4 loại tiêu cực, tồn tại ở các cá nhân, đơn vị sau:

1. Ở cơ quan quản lý địa phương: Nếu địa phương làm gắt gao về tải trọng sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của tỉnh. Khi thực hiện, chúng tôi đã nghe rất nhiều lời chỉ đạo, nếu như chúng tôi làm thế nọ thế kia ảnh hưởng đến địa phương thì cũng khó.

2. Giám đốc doanh nghiệp bốc hàng, vận chuyển hàng nhận thức không tốt, vì lợi ích kinh tế đã chỉ đạo lái xe chở quá tải.

3. Các nhóm lợi ích khác có liên quan như cò mồi, dẫn khách (thu lợi qua việc môi giới chở quá tải, dẫn xe qua trạm).

4. Lực lượng thi hành công vụ: Thực hiện không đủ thời gian quy định theo công điện của Thủ tướng Chính phủ phải làm 24/24h và 7/7 ngày. Ví dụ, ở Bình Thuận là 83% số giờ, Hà Tĩnh 78%. Bên cạnh đó, cũng có việc lực lượng kiểm tra thấy xe mà không dừng hay nghiệp vụ non không phát hiện vi phạm, biết xe vi phạm mà làm ngơ, không xử lý đầy đủ các chủ thể vi phạm, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải và đơn vị bốc dỡ hàng hóa. 

Con đường ven sông Đáy (Hà Nam) bị băm nát bởi xe chở vật liệu của các doanh nghiệp xi măng
Con đường ven sông Đáy (Hà Nam) bị băm nát bởi xe chở vật liệu của các doanh nghiệp xi măng

Trong quá trình thanh tra tại địa phương, có ý kiến lãnh đạo địa phương cho rằng nếu làm chặt có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông có thể cho biết cụ thể đó là địa phương nào?

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Về nguyên tắc thanh tra, chúng tôi phải tiếp thu tất cả các ý kiến. Tuy nhiên, chúng tôi đang xác minh vấn đề này. Chúng tôi rất trăn trở. Việc xác minh cần phải có thời gian. Tuy nhiên, đấu tranh chống tiêu cực ngoài xã hội đã rất khó đây lại là ý kiến của cán bộ thì càng khó xử lý. Chúng tôi cũng đã có ý kiến báo cáo Chánh thanh tra Bộ về vấn đề này. Khi có những kết quả xác minh rõ ràng mới dám thông báo chứ không thể tùy tiện được.

Xin nói lại cho rõ là có 20% là số xe chúng tôi dừng và phát hiện vi phạm. Tại 23 tỉnh, chúng tôi kiểm tra thì chỉ xử phạt được khoảng 60% và chủ yếu phát hiện bằng cân xách tay. Ví dụ tại TP.HCM chỉ có 1 trạm cân và hiện mua thêm 6 trạm như Tổng cục Đường bộ VN trang bị, tạo thành 15 tổ kiểm tra tải trọng xe và chỉ một thời gian ngắn đã xử phạt được 48 tỷ đồng. 

ÙN TẮC NGAY TẠI ĐƯỜNG RA VÀO CẢNG, TIẾP TỤC THẮC MẮC TẢI TRỌNG XE

Bà Trần Thị Hòa, Phó Giám đốc Công ty vận tải Sao Việt
Bà Trần Thị Hòa, Phó Giám đốc Công ty vận tải Sao Việt

Bà Trần Thị Hòa, Phó Giám đốc Công ty vận tải Sao Việt hỏi: một số bất cập trong việc phân luồng giao thông tại một số tuyến đường ra vào cảng, nhất là cảng Hải Phòng, Bộ GTVT xử lý vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Vấn đề ùn tắc giao thông do mật độ giao thông tại các tuyến đường xung quanh cảng rất lớn, nhất là cảng Hải Phòng là thực tế. Việc tiến hành cân xe ở đây phải tính toán hợp lý để phát huy hiệu quả. Phải đặt tại vị trí có đủ các điều kiện để hạ tải, xử lý để không gây ách tắc giao thông. Vì thế phải có tính toán rất khoa học, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và có chỉ đạo về việc này, nhất là những tuyến QLlớn như: QL5, QL70…

Về những bất cập xung quanh vấn đề biển báo tải trọng, với biển dưới 40km, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN ra soát và cắm lại phù hợp.

Liên quan đến việc xử phạt các xe quá tải dưới 10%, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã thực hiện rất quyết liệt, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Bộ cũng đã tham mưu để Chính phủ cho phép chỉ xử lý quá tải trọng và hoãn xử lý tải trọng trục. Đây chính là việc làm thiết thực nhất để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu các xe chở quá tải dưới 10% cũng không xử phạt. Hai tháo gỡ này đã được Chính phủ đồng ý và cho phép Bộ GTVT nghiên cứu, sửa đổi để bổ sung một số qui định tại các Nghị định xử phạt.

Bộ đã cùng Cục Đăng kiểm VN đã cùng nghiên cứu một số tiêu chuẩn quốc tế thì thấy là một số container nhập về VN đều không đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn như nhiều xe sơ mi rơmooc nhập về đã có sự sai khác rất nhiều so với tiêu chuẩn, vượt  tải trọng theo qui định. Hiện có 7 nghìn xe rơ moóc đang rơi vào tình trạng có sai khác về thiết kế nên Bộ GTVT đã cho phép điều chỉnh lại về thiết kế và tải trọng trục để đáp ứng các qui định. Chúng ta nhập xe về theo đặt hàng hoặc nhập về rồi tự thay đổi thiết kế dẫn đến những sai khác về tải trọng thiết kế ban đầu nên cần có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Bà Hòa hỏi tiếp: Hiện nay, chúng tôi sở hữu một xe benz Huyndai được cho phép ở nước ngoài là 22,5 tấn nhưng ở VN chỉ được 16,5 tấn, có hai trục, vì sao lại có điều này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Về nguyên tắc chưa biết bao nhiêu trục, hai trục đơn hay kép thế nào, nhưng nhập ở nước ngoài về, Cục Đăng kiểm VN cấp phép trên cơ sở thiết kế của xe và phù hợp với hệ thống cầu đường của Việt Nam. Bởi hiện nay nhiều loại xe nhập từ nhiều nước về có hồ sơ đúng tiêu chuẩn về nhưng kiểm tra thì tải trọng cho phép lại không phù hợp với Thông tư32. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát lại, nếu còn bất cập sẽ điều chỉnh.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: Thực tế như xe của chị thì tổng khổi lượng tham gia lớn, 22,5 tấn. Tuy nhiên, theo qui định tải trọng cầu đường, nếu xe 2 trục, thân liền thì không quá 16 tấn theo Thông tư 07. 

Nếu chị thấy cần có tháo gỡ gì thì có thể kiến nghị để các cơ quan chức năng giải quyết. Còn trường hợp xe của chị hiện giờ nếu theo qui định được vượt 10% thì chở được 17 tấn.

Nhiều người cứ bảo xe chở tốt lắm, nhưng thực tế họ không hiểu được kết cấu cầu đường chỉ cho phép chở như vậy. Cơ quan đăng kiểm cấp khối lượng cho xe là căn cứ vào tiêu chuẩn cầu đường chứ không phải theo thiết kế của phương tiện.

KẾT QUẢ CÂN SAI LỆCH, LÁI XE PHẢI LÀM GÌ?

Nhiều xe khác mắc phải tình trạng cân trạm này cho qua nhưng đến trạm khác thì lại bị vi phạm. Đơn cử trường hợp xe của Công ty Kim Thương chở thức ăn gia súc đi từ Sài Gòn ra Ninh Thuận, qua trạm cân Dầu Giây, Bình Thuận thì không sao nhưng đến Ninh Thuận thì cân thấy quá tải. Lái xe xin cân đối chiếu vì không tin kết quả cân nhưng trạm cân không cho. Nếu gặp trường hợp này, lái xe phải làm sao? 

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng CSGT và Thanh tra giao thông là những người thực thi công vụ. Các thiết bị trang bị cho 2 lực lượng này là những công cụ mang tính pháp lý của Nhà nước trao cho để lực lượng này thi hành. Trong quá trình kiểm tra xử lý, giải quyết vấn đề, người ta có thể khiếu nại đối với lực lượng làm nhiệm vụ. Lần 1 sẽ do chính thanh tra đó trực tiếp đứng ra giải quyết. Lần 2 thì cấp trên của thanh tra đó sẽ giải quyết.

Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng thanh tra khi mang cân ra phải được kiểm chuẩn, có dán tem. Sau đó, cơ quan dán tem phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi chúng tôi kiểm tra tải trọng xe bằng cân, đã dán tem kiểm chuẩn thì người bị kiểm tra phải tin tưởng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:

Riêng trường hợp này tôi nắm rõ, anh Sỹ nói đúng nhưng đó là với các trường hợp không có chênh lệch kết quả cân. Còn xe của doanh nghiệp nêu trên đi qua trạm khác cân không quá tải, đến Ninh Thuận lại quá tải, thì lái xe được quyền yêu cầu cân đối chứng.Ninh Thuận không cho cân đối chứng là không đúng. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tổng cục Đường bộ đã có quy định hướng dẫn việc này. Riêng trường hợp nêu trên, trạm cân Ninh Thuận đã kiểm tra, cân đặt trên mặt bằng chưa phẳng nên kết quả sai.

Ninh Thuận đã xin lỗi chủ phương tiện. Tôi khẳng định trường hợp sai sót như vậy là rất ít nhưng để đảm bảo quyền lợi cho lái xe, chủ xe, Bộ GTVT đã yêu cầu phải cân đối chứng nếu các trạm cân cho các kết quả quá sai lệch.

Chúng tôi đã yêu cầu Ninh Thuận điều chỉnh vị trí đặt trạm để phù hợp, chính xác. Phải cho cân đối chứng để đảm bảo người khiếu nại lần 1, lần 2. Do cân ở trạm trước đủ nhưng trạm sau vượt, nên người ta khiếu nại. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: 

Về vấn đề này, thời gian đầu, trong quá trình vận hành cũng có những sai lệch do anh em làm chưa đúng, chưa nắm được quy trình.

Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã ban hành quy trình vận hành, quản lý, bảo trì trạm cân, tập huấn cho nhân viên nên đến nay việc sai số này gần như không còn nữa.

CÁCH NÀO HẠN CHẾ CSGT "CHỌN" XE VÀO CÂN?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt:
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt:

Doanh nghiệp có phản ánh rằng CSGT chỉ bắt những xe của các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ việc xếp hàng vào cân là nhiều nên tỷ lệ phát hiện vi phạm chỉ ở mức 10 - 20%. Trong khi đó số lượng xe quá tải rất nhiều, có thể nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhưng lại không bị gọi vào cân. Trên thực tế có trường hợp như ở Hà Tĩnh, trước khi bị bắt, các xe quá trọng tải đã đi một đoạn rất dài mới bị xử lý? Vậy tiêu chí nào để CSGT gọi xe vào trạm cân? Có tiêu cực ở đây không?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt:

Việc cân trọng tải xe là nhằm mục đích bảo vệ đường, bảo đảm an toàn và giảm thiểu tai nạn, rủi ro. Trong chỉ đạo siết chặt quản lý các phương tiện vận tải hiện nay của Chính phủ đối với xe sơ mi rơ mooc, xe đầu kéo, xe chở quá trọng tải, lực lượng CSGT, TTGT tập trung xử lý các loại xe và lái xe vi phạm. Đối với các xe có tải trọng thấp (5 tấn chở xuống), chở hàng hoá phục vụ dân sinh, phát triển nông nghiệp công nghiệp chúng tôi cũng tập trung kiểm tra.

Trong 6 tháng đầu năm đã dừng 214.817 xe tải, phát hiện 47.137 trường hợp, xử lý quá trọng tải 22%, hơn 1.800 phương tiện quá tải bị tạm giữ.

Khi dừng phương tiện chủ yếu quan sát bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm, theo các tiêu chí như các mặt hàng được chở (vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép), xe có dấu hiệu cơi nới hay dựa trên tiếng máy, tốc độ xe...

Có DN nói là xe nhỏ vượt tải trọng không đáng kể bị dừng, theo tôi là không phải. Chúng tôi chỉ tập trung xử lý các xe vượt quá tải trọng nhiều. Hiện chúng tôi cũng chưa phát hiện được vụ việc nào tiêu cực liên quan tới vấn đề độc giả hỏi.

Ông đánh giá tỷ lệ 22% xe bị dừng để cân vi phạm tải trọng có phản ánh đúng thực tế xe quá tải trên đường hiện nay hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt:  

Thực tế cho thấy lưu lượng xe quá tải đã giảm rất nhiều so với khi chưa mở đợt cao điểm.

Chúng tôi đã xử lý bằng con số cụ thể như dừng 214.817 xe tải, phát hiện 47.137 trường hợp, tạm giữ 1.845 phương tiện chở quá trọng tải, tước giấy phép lái xe 23.347 trường hợp, hạ tải 8.792 trường hợp với 27.334 tấn hàng.

Có ý kiến cho rằng nếu CSGT trực 24/24 ở một số điểm nóng thì tỷ lệ sẽ xử lý xe quá tải sẽ cao hơn nữa. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Tới nay CSGT đã phối hợp 63 tỉnh thành phố để triển khai trạm cân, ngoài ra lực lượng CSGT, công an các địa phương còn triển khai tổ công tác thực hiện cân xách tay tại một số tuyến trọng điểm để thực hiện kiểm tra xử lý xe. Chúng tôi cũng nhận thấy còn có tình trạng chưa thể cân đủ 24h/ngày, 7 ngày trong tuần và sẽ cố gắng khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Nhưng cơ bản anh em cũng đã căng hết lực lượng để làm.

Việc CSGT dừng phương tiện bằng trực quan, vậy có hay không việc dừng xe theo cảm tính chủ quan, gây không công bằng cho các doanh nghiệp. Vậy làm sao để kiểm soát được tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt: Lực lượng CSGT thực hiện dừng các phương tiện có dấu hiệu vi phạm, và dừng các phương tiện để kiểm tra và xử lý đúng mức độ vi phạm và đúng hướng dẫn của ngành.

Ngoài việc xử lý quá trọng tải, chúng tôi còn xử lý các hành vi vi phạm khác như chạy xe không đảm bảo an toàn, lái xe sử dụng rượu bia, không giấy phép, hay giấy phép không đúng với xe điều khiển… chứ không chỉ xử phạt mình xe quá tải trọng.

TỪ 1/7 TĂNG CƯỜNG XỬ PHẠT TẠI NGUỒN HÀNG, CẢNG BIỂN

Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM
Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM

Hiệp hội vận tải TP.HCM hỏi về một số bất cập liên quan đến KSTTX khu vực phía Nam, như việc dỡ tải, xe dừng đỗ nhiều trước các trạm cân để chờ vượt trạm, xe ra vào các cảng Cát Lái, Khánh Hội vẫn được xếp quá tải...  Bộ GTVT có nắm được không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Cảm ơn Hiệp hội vận tải TP.HCM đã thông tin cho lãnh đạo Bộ biết tình trạng cân xe tại các khu vực phía Nam. Về vấn đề này, thời gian tới để tăng cường các biện pháp KSTTX, Bộ GTVT đã thành lập 9 đoàn để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các điểm nguồn hàng, việc dừng đỗ trên các tuyến đường để làm rõ tại sao lại dừng xe trước các trạm cân để xử lý triệt để.

Đối với các trạm cân, phải tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát việc này. Đặc biệt, phải thực hiện kiểm tra, xử lý quá tải ngay tại chân hàng để xử lý khi phát hiện vi phạm. Chúng tôi bước đầu thực hiện và cho thấy hiệu qỦA.Trong thời gian tới, hai Bộ Công an và GTVT sẽ xây dựng một thông tư phối hợp để ra qui chế hoạt động giữa hai lực lượng TTGT và CSGT để KSTTX hiệu quả hơn. Từ 1/7, lực lượng TTKS sẽ tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các cảng biển, nguồn hàng để có phát hiện, xử phạt.

VÌ SAO ĐƯỜNG TỐT HƠN MÀ TẢI TRỌNG XE LẠI PHẢI GIẢM XUỐNG?

Ông Phạm Huy Liệu - Giám đốc CTTNHH Một thành viên Huy Liệu TP HCM
Ông Phạm Huy Liệu - Giám đốc CTTNHH Một thành viên Huy Liệu TP HCM

Ông Phạm Huy Liệu - Giám đốc CTTNHH Một thành viên Huy Liệu TP HCM hỏi: Cầu đường ngày càng tốt lên, đẹp lên nhưng tải trọng cho phép các phương tiện lưu thông lại thấp xuống, vì sao vậy? Xe tôi mỗi chiếc phải chở ít hơn 4,5 tấn hàng so với trước đây, doanh nghiệp thiệt hại vô cùng lớn!

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: Theo qui định, xe phá hủy kết cấu cầu đường thì ngoài do quá tổng tải trọng còn có liên quan đến vượt tải trọng trục. Theo quy định, mỗi trục không quá 10 tấn. Nếu tải trọng rơi vào trục sau quá nhiều, sẽ gây hư hỏng đường. Hơn thế, nếu thiết kế, bố trí khoảng cách số trục không hợp lý cũng sẽ dẫn đến quá tải trọng trục. Cầu đường ngày càng đẹp lên nhưng không có nghĩa là tải trọng cho phép là vô cùng.

Xe của anh 4 trục thì tổng tải trọng không quá 30 tấn. Tự trọng 7 tấn thì xe được chở 23 tấn hàng. Xe của anh 4 trục khi tham gia giao thông không quá 30 tấn thì trục đơn không quá 10 tấn còn trục kép không quá 8 tấn.

Các câu hỏi của doanh nghiệp Huy Liệu liên quan một số trường hợp cụ thể, tôi sẽ trả lời sau, vì thời lượng chương trình tọa đàm trực tuyến không cho phép.

PHÓ CHỦ TỊCH HÀ NAM: THÔNG TIN BÁO PHẢN ÁNH, CHÚNG TÔI SẼ CHẤN CHỈNH NGAY

Tại sao xảy ra tình trạng có địa phương làm tốt, địa phương bỏ qua trong việc kiểm soát  xe quá tải? Thưa ông Nguyễn Xuân Đông, có hay không việc lực lượng chức năng ở Hà Nam xử lý không triệt để tình trạng xe quá tải vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương?

Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam
Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Hà Nam là tỉnh có hệ thống giao thông khá đồng bộ nhưng tỉnh có khu vực khai thác vật liệu xây dựng lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng phục vụ xây dựng cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Triển khai quy định xử lý xe quá tải, Hà Nam đã quyết liệt tập trung, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc để hạ tải các xe quá tải. Sau 3 tháng thực hiện (từ 1/4/2014), tình hình rất khả quan, đã hạn chế được xe quá tải chạy trên đường. Có được việc này là nhờ sự đồng lòng quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Sau 3 tháng ra quân, kiểm tra trên 6.000 xe, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 500 trường hợp xe quá tải với số tiền gần 5 tỷ đồng, tước 500 GPLX có thời hạn.

Tuy nhiên, quá trình xử lý xe quá tải cũng có những bất cập. Khi xử lý mạnh tay xe quá tải, vật liệu xây dựng như đá, cát đã nâng giá thêm khoảng 20% và các doanh nghiệp vận tải, xây dựng đều có ý kiến. Tỉnh đã tổ chức các buổi đối thoại lắng nghe ý kiến của chủ phương tiện, lái xe  từ đó tuyên truyền để lực lượng này hiểu, chấp hành quy định của pháp luật.

Qua 3 tháng KSTTX, chúng tôi thấy đường sá thông thoáng, trật tự ATGT được đảm bảo. Giá vật liệu xây dựng có thể nhích nhẹ nhưng không đáng kể. Và cái được lớn là bảo vệ được đường giao thông và sự an toàn giao thông.

Do đó, Hà Nam rất hoan nghênh quy định KSTTX.  Trực tiếp chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra các điểm cân tải trọng xe. Tất nhiên, vẫn còn đâu đó những hiện tượng trốn tránh trạm cân, nhưng không nhiều và chúng tôi thấy đây là chủ trương được địa phương, doanh nghiệp, người dân ủng hộ, đồng thuận.

Tổ kiểm tra tải trọng xe liên ngành tỉnh Hà Nam làm việc trong đêm 24/7
Tổ kiểm tra tải trọng xe liên ngành tỉnh Hà Nam làm việc trong đêm 24/7

Chúng tôi xin ghi nhận những quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nhưng thực tế phóng viên Báo Giao thông khảo sát cho thấy, tại Nhà máy Bút Sơn, nhà máy xi măng Xuân Thành ở Hà Nam xe quá tải vẫn hoạt động nhộn nhịp, chạy né trạm cân. Xin hỏi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Xuân Đông, địa phương sẽ xử lý như thế nào về hiện tượng này?

Các lái xe tụ tập dọc đường 494 (Hà Nam) để đợi thời cơ vượt trạm cân (Chụp lúc 0h30 phút ngày 25/7)
Các lái xe tụ tập dọc đường 494 (Hà Nam) để đợi thời cơ vượt trạm cân (Chụp lúc 0h30 phút ngày 25/7)

Ông Nguyễn Xuân Đông: Hà Nam có hệ thống các nhà máy xi măng lớn, công suất toàn tỉnh khoảng 8 triệu tấn/năm, do đó, việc đặt trạm cân không thể xử lý được hết xe quá tải. Những hiện tượng Báo Giao thông phản ánh, chúng tôi xin tiếp thu và kiểm tra, xử lý ngay. Quan điểm của tỉnh là không để xe quá tải chở vật liệu xây dựng tránh trạm cân đồng thời sẽ triển khai lực lượng để  hạn chế tối đa việc xe chở quá tải ngay từ bến. 

NGAY NGÀY MAI CỬ THANH TRA TỔNG CỤC XUỐNG HÀ NAM

Thứ trưởng Lê Đinh Thọ: Tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Việc kiểm soát tải trọng xe không chỉ ở trên đường mà phải ở ngay tại nhà máy. Tới đây, Bộ GTVT sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với lực lượng của Hà Nam để kiểm soát xe này tại các nhà máy xi măng như: Bút Sơn, Xuân Thành,... Tất cả các trường hợp vi phạm phải xử lý kiên quyết, triệt để.

Ngay tại buổi tọa đàm Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN lập tức cử đoàn thanh tra Tổng cục xuống kiểm tra và làm việc với một loạt nhà máy xi măng tại Hà Nam, không để tái diễn tình trạng như báo nêu.

Hà Tĩnh có thành tích bắt được 6 xe bồn nhưng trong tháng qua báo chí có ý kiến về việc các trạm cân không làm việc 24/24h và tình trạng xe vượt trạm. Tại sao tỉnh không kiểm soát tải trọng xe ban đêm?

Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh
Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh

Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh: Thực hiện chỉ đạo số 1915 và 1966 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, năm 2013 chúng tôi đã có kế hoạch liên ngành giữa Sở GTVT, Thanh tra giao thông, công an, quân đội, ngay từ đầu năm 2014 đã tiến hành cân. Ngay trong năm 2013 xử phạt 3381 trường hợp, thu 49 tỷ đồng tiền phạt.

Số phương tiện tại hai đầu trạm cân trên QL1 tương đối đông, riêng trên địa bàn thì dễ nhưng các phương tiện 2 đầu rất khó xử lý. Chúng tôi thực hiện 24/24h và theo dõi qua giám sát của Tổng cục đường Bộ VN. Trong quá trình phương tiện không còn dừng, đỗ nhiều trên QL mà dừng nhỏ lẻ tại các quán ăn, chờ lực lượng lơi là để vượt trạm.

Chúng tôi đã có giao ban thường xuyên với công an, thanh tra giao thông Hà Tĩnh về việc hối hợp xử lý các phương tiện ở 2 đầu trạm cân.

Tuy nhiên, ở đây có điều tương đối khó do xe dừng nghỉ tại 2 đầu và chưa có dấu hiệu vi phạm nên không biết xử lý thế nào. Thậm chí có thể dừng nghỉ 2 - 3 ngày chờ cơ hội như trời mưa, giao ban,... họ vượt trạm cân. Có khi có tới 5 – 7 xe đi thành đoàn thì chúng tôi chỉ xử lý được 2-3 xe đầu, còn những xe sau rất khó có đủ lực lượng để ngăn cản. Các xe đi ồ ạt rất nguy hiểm cho an toàn giao thông. 

Hà Tĩnh có đường dây nóng tiếp nhận thông tin về xe quá tải không, thưa ông?

Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh: Chúng tôi không có số riêng tiếp nhận thông tin về xe quá tải nhưng chúng tôi có điện thoại đường dây nóng của thanh tra Sở và giám đốc Sở, được công bố trên các văn bản gửi cho doanh nghiệp, trên truyền hình.

Việc xe quá tải đi thành đoàn chờ thời cơ ồ ạt vượt trạm, chúng ta có giải pháp gì để xử lý không? Tại sao không ghi hình xe vượt trạm rồi thông báo cho trạm kế tiếp xử lý, tại sao lực lượng CSGT không xử lý được triệt để tình trạng xe nối đuôi nhau phi tốc độ cao qua trạm.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Trường hợp xe chờ thời cơ vượt trạm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có 10 đường dây nóng để ghi nhận việc giám sát. Trong quá trình thực hiện, Tổng cục cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo bước 1 là xử lý ngay khi có tụ tập, các địa phương cần phối hợp với lực lượng cảnh sát 113.

Tổng cục cũng đã thành lập 9 đoàn kiểm soát trên đường để phát hiện, xử lý đoàn xe có hiện tượng vi phạm chở quá tải, thay đổi kích thước thùng xe… Trường hợp này dùng biện pháp xử lý tĩnh. Thời gian tới cần kiên trì kết hợp với trạm và lực lượng thanh tra có thể giải quyết vấn đề xe dừng, đỗ thành đoàn chờ thời cơ ở hai đầu trạm.

Đối với xe trốn trạm, vòng tránh qua trạm, Tổng cục đã làm việc UBND tỉnh để có chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, sử dụng cân xách tay xử lý tại chỗ.

THẤY XE RỦ NHAU VƯỢT TRẠM, BÁO 113

Xin hỏi ông, nếu xe vượt trạm cân thì trước hết có thể báo cho lực lượng nào để giải quyết?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt:  Cứ báo cho 113. Báo cho sỹ quan tiếp nhận thông tin, trực 24/24h. Nếu vượt qua tỉnh khác sẽ có sự phối hợp để xử lý. Chỉ cần gọi số điện thoại đấy, sẽ có phản hổi nhanh chóng. Đây không phải là chủ trương riêng lẻ mà là qui định chung của toàn ngành Công an để xử lý toàn bộ vụ việc.

Tình trạng xe quá tải tụ tập tại các trạm cân để chờ vượt trạm hiện nay còn tái diễn không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tôi khẳng đinh hiện nay ở các trạm kiểm soát trọng tải xe lưu động, tình trạng xe dồn lại để chờ vượt trạm không còn nhiều. Các địa phương đã có biện pháp để xử lý. Đây là ghi nhận của đoàn kiểm tra của Bộ GTVT trong những đợt kiểm tra vừa qua. Chúng ta cần chủ động kiểm tra, xử lý ngay từ đầu chứ không để xe dồn tại các trạm cân. Thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo, bố trí lực lượng TTGT và lắp camera ghi hình cách 15 cây số trước và sau trạm cân là kinh nghiệm của Nghệ An cần học hỏi.

Thủ tướng đã chỉ đạo, để lọt xe quá tải tỉnh nào, Chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Vậy vì sao vẫn còn tình trạng xe lọt trạm. Thậm chí, vẫn còn tình trạng cò xe, xã hội đen lộng hành tại trạm cân. Xin hỏi ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tình trạng cò xe, xã hội đen từng xảy ra ở Hải Dương, vậy lãnh đạo tỉnh đã có giải pháp gì để xử lý dứt điểm?

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương
Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Hải Dương là tỉnh nằm ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, kinh tế phát triển nên lượng xe cũng tăng, đặc biệt xe quá tải.

Chúng tôi đã xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và có nhiều biện pháp kiểm soát từ năm 2011. Việc tình trạng xe quá tải vẫn còn nhiều, không chỉ ở Hải Dương mà nhiều tỉnh cũng như vậy.

Quá trình kiểm tra trên tuyến QL5, ước tính mỗi ngày có trên 2.000 xe quá tải. Chúng tôi có trạm cân trên QL5, hoạt động 24/24h, các lực lượng cũng làm rất quyết tâm. Dù có lực lượng phối hợp đông đảo nhưng xử lý quá khó khăn vì QL5 lượng xe quá lớn. Tuy nhiên có thể nói việc xử lý đã rất cố gắng thông qua số lượng xe xử lý khá lớn. Chúng tôi sẽ cố hết sức nhưng để đáp ứng được kỳ vọng như phóng viên hỏi thì chưa thể thực hiện.

Hiện nay, các đãi ngộ của anh em tổ kiểm soát cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Tổng cục Đường bộ VN cần cắm biển cấm đổ tại những nơi nhạy cảm, hạn chế tốc độ gần trạmg cân; Có thể lắp thêm gờ cưỡng bức tốc độ tạm thời để bảo đảm an toàn cho anh em trạm cân.

Thưa ông, từ trường hợp của Vincem Bỉm Sơn mới đây, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ các xe chở xi măng vi phạm tải trọng, lãnh đạo công ty đã có giải pháp xử lý, cắt hợp đồng với doanh nghiệp vận chuyển, xử lý trách nhiệm của bộ phận cung cấp chứng từ sai về tải trọng hàng tiếp tay cho doanh nghiệp, có thể thấy, nếu lãnh đạo tỉnh làm quyết liệt, doanh nghiệp sẽ không thể tái diễn tình trạng như hiện nay. Tại Hải Dương, vốn có rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy, lãnh đạo địa phương đã có chỉ đạo gì với doanh nghiệp đóng trên địa bàn?

Đối với DN, chúng tôi đã làm việc với các DN để tuyên truyền và yêu cầu không chở quá tải. Thông điệp của tỉnh là không chấp nhận xe quá tải. Nếu chúng tôi làm không nghiêm thì chính đường của mình bị phá trước. 

Chủ trương cấm xe qua tải là chính đáng vì nếu không xử lý được thì phá hoại đường bộ rất lớn. Chính quyền, bản thân tôi và có lẽ cả lãnh đạo các địa phương khác không có lý gì không ủng hộ.

Nhưng để làm được điều này cần có sự đồng bộ với nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều tỉnh cùng phải làm kiên quyết như nhau. Trong bối cảnh như hiện nay, xin nói thật, nếu nói đến trách nhiệm thì không chỉ tôi (được giao phụ trách mảng giao thông) mà nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng không hoàn thành nhiệm vụ.

CÂN XE HIỆU QUẢ: CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

Về cơ chế, chính sách đối với các lực lượng thực thi công vụ tại các trạm cân, nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Quan điểm của Thứ trưởng về điều này thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, tôi chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp liên quan đến các vấn đề chống tiêu cực và làm sao kiểm soát hiệu quả tải trọng xe trong thời gian tới của các doanh nghiệp, độc giả Báo Giao thông.

Liên quan đến việc tăng cường cơ sở vật chất, chế độ cho lực lượng thực thi công vụ tại các trạm cân, Bộ GTVT đã ủy nhiệm cho Tổng cục Đường bộ VN rà soát và áp dụng hợp lý. Thời gian qua, khi tổng kết công tác ATGT, chúng tôi đã thống nhất sẽ sử dụng nguồn xử phạt để thực hiện cơ chế này. Vì vậy các lực lượng tại địa phương cần có đề xuất với lãnh đạo địa phương để thực hiện.

Thời gian tới, tất cả trạm thu phí sẽ lắp trạm cân cố định. Nếu đã là trạm cân cố định, theo đúng tiêu chuẩn, các DN phải có tài khoản và có thể xử phạt nguội qua tài khoản.

Trạm cân lưu động cũng như cân xách tay, sau này sẽ rút về các đường tỉnh, huyện mà nay chưa có trạm cân. Hiện chúng ta có tới 260 nghìn km QL, chưa kể đường tỉnh và huyện thì khó có thể một sớm một chiều bố trí đầy đủ được các trạm cân để triển khai, kiểm soát. Vì vậy giải pháp là phải thực hiện đồng bộ như: tuyên truyền, xử lý tại gốc và có sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ, hiệu qủa hơn….

Thời gian tới, cần có những thay đổi hay giải pháp gì mới trong triển khai cân xe và chế độ cho lực lượng tại trạm?

CẤM THÊM NGAY BIỂN CẤM ĐỖ, DỪNG, HẠN CHẾ TỐC ĐỘ TRƯỚC TRẠM CÂN

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Về ý kiến của anh Cương, Tổng cục đã có chỉ đạo cắm biển cấm đỗ, dừng. Còn việc bật đèn buổi tối sớm hơn, chúng tôi xin ghi nhận và ngay buổi hôm nay sẽ có văn bản chỉ đạo khu vực thuộc cụm I thực hiện. Còn đối với vấn đề ở trạm thu phí chỗ Hải Dương thì cũng đã giao cho tỉnh để đặt trạm cân rồi. Việc hạn chế tốc độ trước điểm cân xe cũng sẽ được nghiên cứu để sớm triển khai.

Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh: Qua thực hiện kiểm tra tải trọng xe, khó khăn của chúng tôi cũng là khó khăn chung. Lực lượng TTGT Hà Tĩnh chỉ 19 người, 7 người ở trạm cân. Ngoài ra còn có cân xách tay, kiểm tra ở bên xe… Khi thành lập trạm cân chúng tôi cũng đã làm việc với bên công an, quân đội, mỗi bên chỉ 6 người. Làm 24/24h, làm cả 7 ngày là quá quy định của Bộ luật Lao động. Đề nghị có quy định để bổ sung chế độ lương bổng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng thanh tra, quân đội. Hiện, lực lượng thanh tra đang thực hiện theo chế độ bồi dưỡng 100 ngàn/ngày. Còn bên công an và quân đội thì theo thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ nên 2 lực lượng này không có tiền, ảnh hưởng đến chế độ chính sách. Do đó, cần xem xét bổ sung chế độ để anh em không bị thiệt thòi.

Tại điểm cân xe không có bạt che, thiếu nước nôi sinh hoạt, việc anh em bám trạm 24h/24h trong điều kiện nắng nôi, mưa bão như hiện nay là rất khó khăn, rất cần được chăm lo điều kiện làm việc tốt hơn để anh em yên tâm công tác.

Ông Hoàng Phú Hiền - Phó GĐ Sở GTVT Nghệ An
Ông Hoàng Phú Hiền - Phó GĐ Sở GTVT Nghệ An

Ông Hoàng Phú Hiền - Phó GĐ Sở GTVT Nghệ An: Thời gian qua, chúng tôi đã chọn 6 điểm kiểm tra tải trọng xe trên 6 điểm trên QL, trong đó có 2 vị trí tại QL1A, 1 tại Quỳnh Lưu. Chúng tôi đề nghị cấp kinh phí đầu tư vị trí hạ tải và đặt trạm cân.

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Qua kiểm tra tại các tỉnh cho thấy, thực tế ai cũng thừa nhận kết quả kiểm tra tải trọng xe rất cao, lượng phương tiện chạy quá tải trên đường đã giảm rất nhiều, được các tỉnh thừa nhận. Tuy nhiên chúng tôi còn băn khoăn một điều là hiện các trạm của chúng ta là xe lưu động nhưng phải gánh vác trọng trách là trạm cân dù bản chất của nó chỉ là một cái xe. Nếu chúng ta sử dụng xe làm trạm cân thì tuổi thọ và độ bền xe sẽ không cao. Bởi trạm phải có chỗ ăn, ở và các điều kiện khác.

Chúng tôi xin kiến nghị, chỗ nào cần thiết thì đặt coi như thử nhiệm. Nếu có hiệu quả thì Tổng cục sớm làm việc với các địa phương và chỗ nào được địa phương cho phép thì tiến hành đặt trạm cố định, chứ không anh em quá vất vả.

Tôi đã từng thực tế ở trạm lúc giữa trưa 12h và ban đêm, không thể chịu nổi vì quá nóng, quá sức chịu đựng. Khi mưa thì không thể về được. Bản thân cái xe cân tải trọng này nếu cứ đứng dí một chỗ thế này thì chẳng mấy cũng hỏng.

23 tỉnh mà chúng tôi đã kiểm tra, duy nhất chỉ có Bình Thuận có chế độ cho anh em trực ngoài giờ, một số tỉnh khác mới chỉ có dự toán, kế hoạch phê duyệt trên giấy tờ. Cái đầu tiên là phải bồi dưỡng sức dân, có chế độ làm thêm giờ, làm ca. Ở Hải Dương các anh nói, nếu chúng ta không có trang thiết bị cho các trạm thì không bao giờ bền, ở TP. HCM, Hưng Yên, Nghệ An đầu tư trang thiết bị như máy điều hòa… thì kết quả rất cao.

Về nghiệp vụ chuyên môn, theo Công điện 195, 1966 và 488 nếu chỉ trông chờ vào cân tại trạm thì không thể siết được tải trọng. Do đó, nên trang bị cho lực lượng thanh tra giao thông, CSGT các cân di động là việc làm cần thiết để kiểm tra trên các tuyến đường. Biện pháp gốc là phải xử lý được từ chủ doanh nghiệp, chủ hàng. 

KHÔNG THỂ NÓI NGHIỆP VỤ KÉM RỒI CỨ ĐỂ XE QUÁ TẢI QUA TRẠM ĐƯỢC

Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:  Về việc siết chặt tải trọng phương tiện thì Hiệp hội vận tải và cộng đồng các doanh nghiệp làm ăn chân chính hết sức hoan nghênh và ủng hộ. Tôi xác định đây là cuộc chiến rất phức tạp, hết sức gay go, nó bắt nguồn từ thời kỳ đổi mới, kéo dài đến 30 năm nay. Nhiều lần ra quân đánh không đến nơi đến chốn nên vấn nạn ngày càng tăng.

Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn xe Vua, được bảo lãnh của các cấp thẩm quyền ở địa phương. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải.

Trong 2,3 tháng qua, các đơn vị xử phạt cho rằng đã đạt được thành tích tốt trong xử phạt xe. Tuy nhiên, không thể thoả mãn với những kết quả đã đạt được.

Hiện nay các giải pháp siết xe quá tải là hết sức quyết liệt nhưng rất khó triệt để. Tôi đánh giá cao những tỉnh nào phát hiện tỷ lệ xe quá tải nhiều, chứ không khen những tỉnh nào có tỷ lệ phát hiện xe quá tải ít.

Việc này rất cần thiết và cần quyết liệt. Hiệp hội gắn chặt với Bộ GTVT thông qua đồng chí Khuất Việt Hùng để triển khai rất nhiều đề xuất, ý kiến để xử phạt tận gốc những chủ hàng.

Các trạm cân lưu động rất cần nhưng cũng cần có trạm cân cố định. Việc hạ tải phải do chủ hàng, lái xe chịu chứ trạm cân không thể chịu trách nhiệm. Cần hình thành trạm cân ở ngay các trạm thu phí, gắn chặt với các đơn vị BOT.

Ban chấp hành Hiệp hội kiến nghị gắn các trạm cân gần các trạm thu phí, có thể xử phạt nóng ngay, cũng có thể xử nguội. Chúng ta có thể phạt theo quãng đường mà đoạn xe quá tải chạy, phạt thật nặng chứ vài ba triệu thì không ăn thua. Đồng thời cũng phạt thật nặng những đơn vị kiểm tra xử lý. Không thể nói là nghiệp vụ kém rồi cứ để cho xe qua được.

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Lực lượng thanh tra giao thông khi xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì trong quá trình phối hợp với lực lượng CSGT, CSGT cũng có những quy định riêng về việc được phép dừng bao nhiêu xe. Có khi chỉ được dừng 3 xe, đến xe thứ 4 là chịu. Bây giờ giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?

Có anh Tuấn đây, tôi nói rất mạnh dạn, có 2-3 xe giả vờ đi ì ạch, khi bị lực lượng CSGT dừng xe thì các xe đi sau cứ thế vượt trạm mà đi. Trong trường hợp này, nếu CSGT không dừng được tiếp từ xe thứ 4 thì thanh tra giao thông sẽ dừng và chịu trách nhiệm vì luật cũng đã quy định. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra là nếu có đủ lực lượng để dừng cả đoàn xe một lúc để kiểm tra thì sẽ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến ATGT. 

LẮP THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH CHO XE TẢI

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông

Ông Hoàng Thế Tùng -  Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông: Bộ sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe. Ví dụ như các xe kinh doanh vận tải hàng hoá, lắp thiết bị giám sát hành trình, qua các thiết bị này ta có thể giám sát được hành trình của xe, cũng như xác định trách nhiệm của các trạm cân trong trường hợp để lọt các xe quá tải qua trạm.

Ngoài ra Bộ đang soạn thảo và sẽ ban hành Thông tư Quy định về thùng hàng của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông. Trong đó sẽ quy định cụ thể kích thước của thùng xe phù hợp với tải trọng được phép chở, nhằm ngăn chặn tình trạng chở quá tải.

CẦN CÔNG BẰNG, CÔNG KHAI TRONG XỬ LÝ VI PHẠM TẢI TRỌNG XE

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Kế hoạch giữa Bộ GTVT và Bộ Công an có phân công nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch giữa chức năng của Công an và Thanh tra. Việc KSTTX là việc lâu dài, liên tục và bền bỉ nên cần có thông tư liên tịch về vấn đề này. Sẽ có sự phân công rõ ràng. Qua sơ kết 6 tháng, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các trạm cân. Vì thế tôi yêu cầu các lực lượng tiếp tục thực hiện theo các qui chế phối hợp hiện tại trước khi có qui chế phối hợp mới.

Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Công an đã có chỉ thị nhắc nhở các lực lượng chấp hành nghiêm theo đúng qui định về chức trách nhiệm vụ. Nếu để xảy ra tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, mất lòng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật, sẽ là một tổn thất rất lớn.

Bộ GTVT đề nghị lực lượng Công an và TTGT công khai đường dây nóng. Để xảy ra ở trạm nào, có nghi vấn tiêu cực thì phải có kết nối để giải quyết ngay, tránh trường hợp không dám công khai tiêu cực. Chúng ta cần mạnh dạn trong việc này, nếu phản ảnh đúng địa chỉ, ngày giờ, có xác nhận thì hoàn toàn đáng tin cậy. Nếu làm tốt, sẽ hạn chế được tiêu cực.

Nếu qua đường dây nóng, điều tra phát hiện được tiêu cực thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến trong công tác này.

Lãnh đạo Bộ GTVT mong tất cả các lực lượng chia sẻ để thực hiện đồng bộ, ngăn chặn được tiêu cực, tạo niềm tin cho nhân dân và doanh nghiệp. Rất nhiều các chủ xe gặp tôi nói rất cần sự công bằng, công khai trong lĩnh vực kinh doanh, xử lý vi phạm quá tải trọng.

Tôi vui mừng thông báo với các đồng chí, tháng 7 này TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong khi vào khoảng thời gian này năm ngoái, tình hình rất nóng bỏng. Chính vì thế có thể nói, việc kiểm soát tải trọng xe đã có những tác động tích cực.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt: Tôi nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ. Còn sự phối hợp giữa lực lượng CSGT và TTGT, nếu có vấn đề gì cứ phản ánh về dường dây nóng của Cục C26. Đề nghị các doanh nghiệp lưu ý tới đường dây nóng của Cục là 06942608. Chúng tôi tiếp nhận, xử lý ngay.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia tọa đàm.

Báo Giao thông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.