Poster phim “Mầm non dưới đáy chai”. |
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, Giám đốc sản xuất 7 Film Fest 2016, 6 bộ phim lọt vào chung kết tranh giải năm nay có thể cạnh tranh dự thi với các phim ngắn trong khu vực.
Nghệ sĩ trẻ, không chuyên làm nên chuyện
6 bộ phim ngắn lọt vào vòng chung kết đều có một đặc điểm chung: Không diễn viên chuyên nghiệp, đạo diễn, biên kịch đều trẻ. Số tiền đầu tư cho từng phim không nhiều, thế nhưng những thước phim ngắn đầy màu sắc, xúc cảm trong mỗi khuôn hình về ATGT đều lấy được tình cảm từ Ban giám khảo.
Phim ngắn Ngày cưới, biên kịch Lê Tấn Phương, đạo diễn Nghiêm Đức Hiếu và Lê Huỳnh Chiêu là một câu chuyện giữa người cõi dương và cõi âm. Chú rể tương lai trong một cuộc nhậu quá chén với bạn bè, dẫn đến đám cưới bi kịch giữa một người ở cõi dương và một người ở cõi âm. Để lại nhiều suy ngẫm với câu nói “cái giá của rượu bia”.
Ly cuối cũng là tên của bộ phim mang đầy màu sắc kinh dị của biên kịch Phạm Mạnh Hiệp, đạo diễn Ngô Đức Phong với những hình ảnh gây ớn lạnh xương sống. Câu chuyện mang sắc thái liêu trai, kể về anh tài xế xe tải trong một lần lái xe qua hiện trường của một vụ tai nạn đã bị vong hồn ở đây đi theo. Vong hồn này chờ cơ hội anh tài xế uống say để nhập vào người anh. Điều khiển anh lái xe như kẻ vô hồn gây tai nạn dẫn đến thiệt mạng.
Nếu như hai phim trên là những câu chuyện của “giá như đừng” thì phim ngắn Bông hoa trắng của biên kịch, đạo diễn Nguyễn Sơn Lâm lại là nỗi hoài niệm, nỗi đau và sự dằn vặt của Tâm, một chàng trai tốt bụng, sau khi gây ra tai nạn chết người cho cô bé bán vé số, người đã truyền cảm hứng cho Tâm khi anh đang bế tắc trong công việc. Bộ phim cho chúng ta cảm giác buồn man mác, tiếc nuối đến khó quên. Chỉ một lần uống không có trách nhiệm mà Tâm đã phải trả giá bằng sự dằn vặt cả đời.
Phim Một chút thôi của biên kịch Mai Hân và đạo diễn Nguyễn Tuấn Tú là nỗi ám ảnh của người anh trai tên Minh vì quá chén đã gây tai nạn cho em trai mình. Từ đó, Minh sống trong dằn vặt và đã kiên quyết không uống rượu bia. Bộ phim không quá kịch tích, đau khổ nhưng cực kỳ sâu lắng để chúng ta biết rằng, đằng sau mỗi người đều có một câu chuyện, một lý do cho hành động và tình cảm của mình.
Câu chuyện trong phim ngắn Mầm non dưới đáy chai của biên kịch Diệu Hiền và đạo diễn Phan Hoàng An nói về cậu bé Đậu, 11 tuổi, mất hết gia đình, cuộc sống sau đó của Đậu phần lớn đều xoay quanh những việc lặt vặt trong quán rượu. Chiếc bàn gỗ lớn duy nhất trong quán là nơi dùng để kê những chiếc bình thủy tinh ngâm rượu, cũng là nơi trú thân quen thuộc của Đậu khi quán xảy ra đánh nhau hay xung đột dẫn đến đập bàn, đập ghế. Mầm cây là người bạn duy nhất của cậu. Trong quán dần dần xảy ra xung đột lớn khiến cậu lo sợ cho người bạn nhỏ này của mình. Cậu đem cây con tới chỗ mà cậu cho là an toàn, nhưng trên đường đi cậu bị tai nạn và chết. Bộ phim đặc biệt thức tỉnh đến những người đã làm cha, làm mẹ, những hành động tưởng chừng như vô hại của mình có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, thậm chí là tương lai của thế hệ mầm non.
Tiếng lon của biên kịch Thảo Nguyên, đạo diễn Sapo Đặng Thu Anh là câu chuyện diễn ra ở một xóm lao động bình dân ở TP HCM. Tèo 9 tuổi, là một cậu bé sống với ba làm nghề xe ôm. Ba của Tèo luôn nhậu nhẹt và say xỉn. Tèo ít khi ở cùng ba trừ những lúc ông đã nhậu say về. Tèo có thú vui là chơi với những vỏ lon bia. Tèo biến hóa chiếc vỏ lon thành những đồ vật tỉ mỉ, đẹp mắt và Tèo luôn hạnh phúc khi chơi với chúng. Cho đến một ngày khi tai nạn ập đến với ba của Tèo, cuộc sống của Tèo hoàn toàn thay đổi.
Phim đủ sức tranh tài trong khu vực
6 bộ phim được giới chuyên môn đánh giá khá cao và dự đoán sẽ đủ sức cạnh tranh, dự thi với các phim ngắn trong khu vực. Giám đốc sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn đánh giá chất lượng phim dự thi năm nay tốt hơn mùa trước trên mọi lĩnh vực, khía cạnh. Những câu chuyện được viết sâu sắc, thực hiện một cách chỉn chu, đẳng cấp, ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ. Đặc biệt, trong điều kiện kinh phí sản xuất 6 bộ phim quá ít, bộ phận sản xuất cực kì sáng tạo và kiểm soát tốt.
Theo chia sẻ của đạo diễn Lâm Nguyễn, ý tưởng xây dựng kịch bản bộ phim Bông hoa trắng từ chính tình huống ngoài đời thật. Khi cả nhóm đang ăn hủ tiếu thì có một bé gái bán vé số, ngoại hình khá giống cháu gái của Lâm, cô bé đã mất trong một tai nạn. Lúc đó, bạn chung nhóm của Lâm đã mua vé số giúp bé, rồi mua đồ ăn cho bé và sau khi trò chuyện, nhóm đã hình thành nên ý tưởng kịch bản cho bộ phim này.
Đạo diễn Phan Hoàng An cho biết, chủ đề “Uống có trách nhiệm” hay nhưng khó và đầy thách thức cho người làm phim. Làm không tốt sẽ không ra và khó chuyển tải thành ngôn ngữ điện ảnh. Anh cho hay, thời gian quay trong hai ngày và làm hậu kì trong hai tuần nên rất căng thẳng và áp lực. Tiếng lon cũng không nằm ngoài số phận áp lực thời gian, phim chỉ được quay đúng một ngày ở nội thành Sài Gòn, trong một xóm trọ cho tầng lớp lao động bình dân. Bộ phim mộc mạc và giản dị được đạo diễn trẻ Sapo Đặng Thu Anh dành tặng cha vì ngày nhận tin để thực hiện bộ phim cũng là ngày cha cô mất. Ngày quay Tiếng lon, Sài Gòn mưa - nắng thất thường khiến đoàn làm phim gặp khó khăn. “Ngay từ những ngày đầu tham gia cuộc thi, tôi đang chăm sóc bố nằm viện. Tôi phải tranh thủ từng chút để có thời gian hoàn thành các phần thi theo đúng kỳ hạn của Ban tổ chức”, Sapo Đặng Thu Anh cho biết.
Cuộc thi 7 Film Fest 2016 được Ủy ban ATGT Quốc gia giao cho Báo Giao thông phối hợp cùng Công ty TNHH HT Business - HTBC tổ chức. Cuộc thi diễn ra từ tháng 7/2016, thu hút hơn 200 thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi. Thể lệ gồm hai phần thi: Biên kịch và đạo diễn. Qua quá trình sàng lọc, chỉ có 6 thí sinh đạo diễn vào chung cuộc và được chọn làm phim. Lễ trao giải cuộc thi phim ngắn 7 Film Fest 2016 sẽ diễn ra lúc 16h30, ngày 7/12 tại Galaxy Nguyễn Du, TP HCM. Các phim vào chung kết sẽ được chiếu rộng rãi trên truyền hình và internet. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận