Điều 250, tội vận chuyển trái phép chất ma túy cũng không thống nhất về các mức án phạt (một đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ). Ảnh: Bá Đoàn |
Nếu giữ nguyên một số điều luật trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm hoặc bế tắc trong xét xử, hoặc cùng một tội danh song tòa có thể tuyên các mức án khác nhau.
Lỗi cả hình thức lẫn nội dung
Sáng 30/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự cùng 3 luật liên quan là Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành (đang được xây dựng).
Trước đó, ngày 26/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập một cuộc họp bất thường để trưng cầu biểu quyết về việc hoãn thi hành BLHS 2015 do phát hiện hơn 90 nội dung có sai sót, trong đó có một số lỗi rất nghiêm trọng, nếu thi hành sẽ gây xáo trộn xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hình thức, thông thường trong một điều luật, mức độ nghiêm khắc của hình phạt sẽ được tăng dần từ thấp đến cao theo thứ tự các khoản. Ví dụ, trong một điều luật, hình phạt ở Khoản 2 sẽ nghiêm khắc hơn khoản 1, hình phạt Khoản 3 sẽ nghiêm khắc hơn Khoản 2... Tuy nhiên, tại Điều 261 tội “Cản trở giao thông đường bộ”, hình phạt tù cao nhất là 3 năm tù, khoản 2 là 7 năm tù, Khoản 3 là 10 năm tù nhưng Khoản 4 lại là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và Khoản 5 chỉ là cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Tuy sắp xếp thứ tự các khoản như vậy không ảnh hưởng đến bản chất của điều luật nhưng nó lại không logic, thậm chí dễ gây nhầm lẫn vì đi ngược thói quen của các cơ quan tiến hành tố tụng về định tội.
Về nội dung, là một bộ luật rất quan trọng nên dù chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của rất nhiều tổ chức, cá nhân, đôi khi chỉ sai một dấu chấm hay dấu phẩy cũng có thể gây nhầm lẫn, khó khăn cho việc định tội, thậm chí gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Có rất nhiều lỗi về nội dung trong BLHS 2015 nhưng sai sót chủ yếu về việc định lượng giống hệt nhau nhưng khung hình phạt lại khác nhau.
Cùng một tội có thể lĩnh mức án khác nhau
Cụ thể, tại Điều 233 “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”, Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: 2. Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500 - 17.000m2 đối với rừng sản xuất; từ 10.000 - 15.000m2 đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 -12.000m2 đối với rừng đặc dụng; Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm: Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000m2 trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000m2 trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 12.000m2 trở lên đối với rừng đặc dụng.
Nếu quy định như trên thì người nào cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật 15.000m2 đối với rừng phòng hộ hay 12.000m2 đối với rừng đặc dụng thì truy cứu trách nhiệm hình sự Khoản 2 hay Khoản 3? Nếu xử theo Khoản 2 và Khoản 3 đều được, điều này sẽ gây sự lúng túng thậm chí bế tắc trong việc áp dụng pháp luật, thậm chí vụ án sẽ bị kéo dài vì cơ quan xét xử phải “xin ý kiến” gây lãng phí cả về thời gian và tiền bạc.
Tại Điều 249, Tội tàng trữ trái phép chất ma túy: 1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-5 năm… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: ... h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 - 75kg; khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10- 15 năm: ... c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 - 75 kg.
Như vậy với điều luật trên thì những người phạm tội theo Điểm h, Khoản 2 và Điểm c, Khoản 3 là giống nhau nhưng lại bị xét xử ở các mức án khác nhau. Cơ quan xét xử sẽ áp dụng mức án nào? Hai người cùng phạm tội giống nhau nhưng tòa án tỉnh A lại xét xử theo khoản 2 nhưng tòa án tỉnh B lại xét xử theo Khoản 3. Nếu theo luật thì cả hai Tòa án đều áp dụng đúng và sẽ gây nên sự bất bình đẳng trước pháp luật, có thể bỏ lọt tội phạm hoặc gây oan sai, chưa nói đến việc áp dụng pháp luật theo cảm tính, dễ xảy ra tiêu cực trong truy tố, xét xử.
Lỗi tương tự cũng xảy ra tại Điều 250, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 252, Tội chiếm đoạt chất ma túy; Điều 304, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Điều 305, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ và Điều 370, Tội ra bản án trái pháp luật.
Tại Điều 337, Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước: 1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Điều luật này có tiêu đề nói về các tội làm lộ bí mật Nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước nhưng trong nội dung điều luật lại chỉ đề cập đến tội làm lộ và mua bán bí mật Nhà nước. Vậy, những người phạm tội chiếm đoạt và tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước thì sẽ bị xử như thế nào hay không bị xử lý vì không có nội dung trong điều luật? Nếu giữ nguyên điều luật này sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm hoặc bế tắc trong xét xử.
Nếu không xét những sai sót lớn, có thể nói, BLHS 2015 có những thay đổi khá toàn diện. Trong tổng số 426 điều luật thì có đến 72 điều luật mới, bãi bỏ 7 điều không phù hợp (như bỏ tội “Kinh doanh trái phép”), sửa đổi 362 điều và chỉ giữ nguyên 17 điều trong Bộ luật Hình sự cũ. BLHS 2015 cũng chứa đựng tinh thần nhân văn như bỏ án tử hình cho một số tội danh và một số đối tượng (như không thi hành án tử hình đối với người trên 75 tuổi), tăng thêm các quy định theo hướng bảo vệ quyền con người để thúc đẩy tiến bộ xã hội, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. |
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận