Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc vừa báo cáo Quốc hội kế hoạch kiểm toán năm 2020. Theo đó, trong năm tới, cơ quan này sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô phù hợp để thực hiện kiểm toán. Những cái tên được liệt kê trong báo cáo của KTNN là các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Đông Bắc, Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt - Đức.
KTNN sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán…
Cơ quan kiểm toán cũng dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán với Ngân hàng nhà nước, 3 ngân hàng thương mại, trong đó có ngân hàng quy mô lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và 12 tập đoàn... để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay.
Cơ quan kiểm toán dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TPHCM; Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Các dự án thủy lợi (Hồ chứa nước Đồng Mít; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; đập ngăn mặn sông Hiếu; hồ chứa nước Mỹ Lâm; hồ chứa nước sông Chò I), dự án vệ sinh môi trường TPHCM; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội...
Trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước (NSNN), ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan kiểm toán dự kiến kiểm toán 12 Bộ, cơ quan trung ương và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tập trung kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ công tác phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới công tác thường xuyên của đơn vị được kiểm toán; Triển khai các nội dung kiểm toán trọng yếu theo hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán của ngành.
Tại các bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán nhà nước sẽ lựa chọn các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị có quy mô ngân sách lớn để tập trung kiểm toán công tác quản lý, điều hành ngân sách; chọn mẫu một số đơn vị, dự án trọng yếu hoặc rủi ro cao nhằm đánh giá công tác điều hành thu, chi sự nghiệp, quản lý vốn đầu tư XDCB và xác nhận báo cáo quyết toán của đơn vị; Triển khai các nội dung kiểm toán trọng yếu theo hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán của ngành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận