Cầu vượt Trường Sơn hình chữ Y trước cổng ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất |
TP.HCM đang ra sức thực hiện và kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại từ nay đến năm 2020. Năm qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, diện mạo thành phố mang tên Bác đang đổi thay từng ngày theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
Vượt tiến độ thần tốc các cầu vượt thép
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay: “Tình hình ùn tắc giao thông hiện nay của TP có nguyên nhân rất quan trọng là do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được quy hoạch. Bởi, diện tích đất dành cho giao thông hiện nay chỉ có 8,5%, trong khi tối thiểu phải đạt 28%. Do vậy, những công trình mà chúng tôi đã triển khai năm 2017 và những năm tiếp theo, khẳng định sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông của TP. Trong đó có rất nhiều công trình nằm trên các trục giao thông chính, khi hoàn thành sẽ khép kín đường vành đai số 2, số 3, bến xe miền Đông… và kết nối niều nhiều công trình khác trên địa bàn TP”.
Năm 2017, các công trình nút giao thông của TP đã được chú trọng đầu tư như: Cầu vượt thép, nút giao Ngã sáu Gò Vấp, nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, Trường Sơn - Tân Sơn Nhất; hoàn thành các nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, cầu Nhị Thiên Đường 1; đặc biệt thông xe các công trình cầu vượt cửa ngõ thành phố như cầu vượt ngã tư Gò Mây (Q.Bình Tân); cầu vượt nút giao Suối Tiên - Đại học Quốc gia, điều chỉnh giao thông giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là các công trình từng bước hoàn thiện góp phần đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông của TP. Theo ông Cường, năm 2018, thành phố tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm như nút giao Mỹ Thủy khu vực cảng Cát Lái, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám khu vực sân bay Tân Sơn Nhất… góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.
Đáng chú ý trong số những công trình trên, nhiều dự án hoàn thành tiến độ sớm như: Cầu vượt Gò Mây, cầu Nguyễn Văn Cừ vượt tiến độ 5 tháng, cầu Nguyễn Tri Phương hoàn thành trước 4 tháng, cầu vượt Trường Sơn - Tân Sơn Nhất sớm hơn 3 tháng… Ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (chủ đầu tư hai dự án cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương cho biết: “Quá trình thi công nhà thầu gặp nhiều khó khăn do điều kiện mặt bằng hạn chế, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông. Nhưng để công trình sớm phục vụ người dân đi lại thông thoáng dịp Tết, đơn vị thi công đã cố gắng bố trí 3 ca liên tục và đã hoàn thành sớm 4 tháng so với kế hoạch”.
Dấu ấn về sự khởi đầu của buýt đường sông
Ngoài những công trình đường bộ, năm 2017 là một năm đánh dấu sự phát triển của một số công trình đường sông như đã hoàn thành bờ kè chống sạt lở Thanh Đa, Q.Bình Thạnh (dự án chậm 4 năm do vướng mặt bằng); xây dựng bờ kè chống sạt lở tuyến Rạch Tôm (huyện Nhà Bè)… trong đó đáng lưu ý là đưa vào khai thác tuyến buýt sông số 1. Đây là tuyến buýt đường sông gặp nhiều trở ngại kéo dài tới 7 năm do bị trì hoãn. Thời điểm đó, vì nhiều lý do như chưa có cơ chế đầu tư thích hợp, quy hoạch tổng thể bố cục không gian thành phố chưa phù hợp để phát triển buýt đường sông, dẫn đến vốn đầu tư ban đầu khoảng 58 tỷ đồng đã đội lên 128 tỷ đồng.
Dự án tuyến buýt đường sông là mô hình vận chuyển hành khách công cộng chưa từng có tiền lệ trước đây trên địa bàn TP HCM, yêu cầu về kỹ thuật và an toàn trong quá trình vận hành đòi hỏi phải có sự đầu tư phương tiện và đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người phục vụ trên tàu buýt... Sau 10 ngày khai trương, miễn phí vé, hành khách vẫn xếp hàng để được lên tàu buýt sông, nhiều người muốn đi để trải nghiệm vẻ đẹp của đường sông Sài Gòn. Trong đó, rất nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan và tỏ ra thích thú với loại hình giao thông mới này. Để phục vụ cho bà con đi lại dịp Tết Nguyên đán, thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn, công ty sẽ chuẩn bị tàu dự bị, tăng thêm chuyến.
Bên cạnh buýt đường sông, trong năm qua, buýt đường bộ cũng đã có những bước tiến thay đổi mạnh mẽ để lại dấu ấn về hình ảnh xe buýt thân thiện. Đơn cử, đầu tháng 12/2017, Trung tâm VTHKCC TP đã khai trương 3 tuyến xe buýt “kiểu mẫu” về chất lượng phục vụ hành khách tại những tuyến đường có lượng công nhân và sinh viên đông. Năm 2017, các đơn vị xe buýt đã đầu tư thay mới gần 700 xe chạy khí nhiên liệu sạch CNG và hơn 800 xe buýt chạy dầu diesel, mở nhiều lớp tập huấn về ATGT và đào tạo về phong cách phục vụ cho các tiếp viên, tài xế xe buýt.
Tuyến metro số 1 gấp rút về đích
Cùng với đó, công trình xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đang được thi công khẩn trương để đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2020. Mỗi ngày qua lại nhìn công trình thi công hối hả, người dân thành phố không khỏi có cảm giác nôn nao mong sớm được tiếp cận, sử dụng loại phương tiện công cộng tiện nghi, hiện đại được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế như các nước tiên tiến. Khởi công vào tháng 8/2012 với tổng vốn đầu tư hơn 47.325 tỷ đồng, tuyến metro đầu tiên của TP HCM dài 19,7 km (gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao) vận hành từ trung tâm khu vực thương mại của thành phố đi qua sông Sài Gòn đến quận 2 và khu vực phía Đông.
Những ngày qua, Ban Quản lý đường sắt nội đô TP.HCM đã chọn liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (Nhật Bản) tham gia lắp ráp vận hành máy đào hầm TBM (robot) để khoan hầm metro gói thầu 1B, đoạn từ ga Ba Son đến Nhà hát Thành phố. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết: “Sau 5 tháng thi công, đường hầm đầu tiên nối ga Ba Son - Ga Nhà hát TP thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 đã hoàn thành toàn bộ 781m, ở độ sâu 17m. Máy khoan TBM sẽ được di chuyển trở lại ga Ba Son lắp ráp, tiếp tục thi công đường hầm thứ 2 đến ga Nhà hát TP, ở độ sâu 27m, lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm của tuyến hầm phía Đông, tiếp tục đánh dấu sự kiện mới trong công tác xây lắp dự án”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận