Khoa Luật thông báo ngưỡng điểm xét tuyển vào đại học chính quy đợt 1 năm 2019. Thí sinh có nguyện vọng trúng tuyển vào trường phải đạt mức tối thiểu 17 điểm đối với các ngành Luật, Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế; 16,5 điểm đối với ngành Luật chất lượng cao.
Đối với chương trình chuẩn, trường hợp mức ngưỡng điểm trúng tuyển của từng ngành có nhiều thí sinh trúng tuyển hơn số chỉ tiêu, tiêu chí phụ là tổng điểm xét tuyển không bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Với chương trình chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng, thí sinh phải có bài thi môn Tiếng Anh đạt từ 4 trở lên (trừ trường hợp được miễn thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tiêu chí phụ khi có nhiều thí sinh bằng điểm là xét điểm môn Tiếng Anh.
Năm nay, Khoa Luật tuyển 600 chỉ tiêu, trong đó số xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia là 570. Điểm trúng tuyển vào khoa năm 2018 từ 19 đến 20,75.
Khoa Quốc tế lấy 15-16 điểm làm ngưỡng xét tuyển (điểm chuẩn năm ngoái là 15 đến 18,5). Thí sinh cần đạt tối thiểu mức điểm này để được nộp hồ sơ vào trường. Chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển và ngưỡng sàn cụ thể của từng ngành như sau:
Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB) tuyển 95 chỉ tiêu dựa trên điểm thi THPT quốc gia, áp dụng cho ngành Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ (MET). Thí sinh có điểm thi khối A, D từ 16 trở lên và vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp tại khoa sẽ đủ điều kiện xét tuyển chương trình cử nhân chính quy, chất lượng cao MET. Kết quả trúng tuyển thông báo tới thí sinh ngay sau phỏng vấn.
Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển thẳng đối với thí sinh có IELTS 5.5 trở lên và điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (bắt buộc có môn Toán) từ 12. Thí sinh trực tiếp nộp hồ sơ tại Khoa Quản trị và Kinh doanh từ ngày 10/7 đến 24/8.
Đại học Kinh tế thông báo điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2019 như sau: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển): 16.00 điểm (bao gồm tổng điểm các môn thi theo tổ hợp xét tuyển tính hệ số 1, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).
Điểm xét tuyển tính theo thang điểm đã được công bố tại Đề án tuyển sinh đại học năm 2019 của Nhà trường, trong đó: Chương đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/TT-BGDĐT (mã xét tuyển QHE40, QHE41, QHE42, QHE43, QHE44): điểm môn Tiếng Anh đạt từ 4.0/10.0 trở lên và nhân hệ số 2.
Chương trình liên kết quốc tế (mã xét tuyển QHE80): điểm môn Tiếng Anh đạt từ 6.0/10.0 trở lên và nhân hệ số 2.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 15 đến 18, tùy từng ngành và tổ hợp xét tuyển. Mức điểm sàn này đã bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực (nếu có). Với các chương trình đào tạo chất lượng cao, thí sinh phải có điểm môn Ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đạt tối thiểu 4 trở lên hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2019, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh 28 ngành và chương trình đào tạo với tổng chỉ tiêu 1.950.
ĐH Công nghệ dao động từ 16 - 20 điểm tùy theo các ngành đào tạo.
Trong đó, các nhóm ngành có điểm sàn cao nhất (20 điểm) là: Công nghệ thông tin (CN1) và Công nghệ thông tin chất lượng cao (CN8).
Nhóm ngành Công nghệ Nông nghiệp (CN10) điểm sàn năm 2019 là 16 điểm. Các nhóm ngành, ngành còn lại điểm sàn là 17 điểm.
Năm 2019, trường Đại học Công nghệ tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển theo kết quả kì thi THPT quốc gia 2019; và xét tuyển theo kết quả SAT/chứng chỉ A-Level/chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2019, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.460. Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh phải bằng hoặc cao hơn mức điểm sàn theo từng nhóm ngành do trường công bố.
Ngoài ra, đối với thí sinh đăng kí chương trình CLC23 thì môn tiếng Anh phải đạt từ 4.0 điểm trở lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận