Thuyền viên tàu KH 96977TS được các thủy thủ tàu cứu nạn SAR 412 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt nam - Bộ GTVT) đưa về đất liền sau 4 ngày lênh đênh trên biển (chụp ngày 23/10/2015) - Ảnh: Tấn Việt |
Tại ngư trường Hoàng Sa, mỗi ngư dân đều ý thức được thiên tai và nhân tai luôn rình rập bên mạn tàu. Và tàu cứu nạn SAR 412 (Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng, Cục Hàng hải Việt Nam) luôn là điểm tựa vững chắc giúp họ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Cờ Tổ quốc phấp phới giữa Hoàng Sa
Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn từng tâm sự, mỗi khi rời cầu cảng, anh em thủy thủ trên tàu đều tâm niệm không cứu được người thì không về, “sống phải thấy người, chết phải thấy xác”. Đặc biệt, tình hình biển Đông ngày càng phức tạp, nguy hiểm rình rập không chỉ ngư dân mà cả hơn 20 thủy thủ thuộc biên chế tàu SAR 412 thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn.
Từng “đạp sóng” cứu hàng trăm ngư dân, nhưng với vị thuyền trưởng người Nghệ An, chuyến cứu nạn mà ông nhớ nhất có hình ảnh của lá cờ Tổ quốc bay phấp phới giữa Hoàng Sa. Lần giở cuốn nhật ký hành trình, ông Sơn cho biết, tàu SAR 412 lên đường ngày 10/2/2015 để cứu nạn các thuyền viên tàu BĐ 95569 TS và BĐ 95427 TS mắc cạn, có nguy cơ bị chìm.
"Chúng tôi khẳng định luôn dõi theo ngư dân tại ngư trường Hoàng Sa, sẵn sàng làm tất cả những gì có thể trong công tác cứu nạn hàng hải để cùng ngư dân bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc." Ông Nguyễn Anh Vũ |
Theo thuyền trưởng Sơn, lệnh cứu nạn lúc đầu trực chỉ tàu BĐ 95427 TS bị chìm ở khu vực gần đảo Tri Tôn. Tàu xuất phát từ cầu cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng (Danang MRCC) lúc 15h30 ngày 10/2. Hơn 12 giờ lênh đênh trên biển, đến rạng sáng 11/2, SAR 412 mới tiếp cận được vị trí tàu cá bị chìm.
“Lúc đến gần, tàu cá đã chìm hơn nửa thân. Sóng lúc đó khá lớn khiến xuồng máy cứu hộ chao đảo liên tục, rất khó để ngư dân bám lên… Vật lộn liên tục với sóng dữ, đến sáng 11/2, chúng tôi kéo được cả 5 ngư dân bị nạn lên tàu SAR 412”, ông Sơn nói và cho biết thêm, hình ảnh khiến ông nhớ mãi là trước khi ngư dân cuối cùng được cứu sống, các thủy thủ trên xuồng máy đã cùng nhau lấy Quốc kỳ trên tàu cá buộc chặt vào nơi cao nhất trên cabin tàu. Khi SAR 412 đã rời đi, dù tiếc nuối không cứu được tài sản của ngư dân, nhưng tất cả đều tự hào khi giữa biển khơi cờ đỏ sao vàng tung bay.
Những tưởng hành trình kết thúc, tín hiệu từ đất liền lại cho SAR 412 nhiệm vụ mới, tiếp tục cứu tàu BĐ 95569 TS bị mắc cạn tại đảo Yến, khu vực trung tâm quần đảo Hoàng Sa.
Đại phó tàu SAR 412 Trần Quang Thanh kể, đó là lần đầu tiên các thủy thủ vào sâu trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa: “Khi chúng tôi vào đến nơi, tình thế rất nguy cấp. Sức khỏe các thuyền viên rất xấu. Lúc này, các tàu hải cảnh cùng trực thăng Trung Quốc đảo nhiều vòng thám thính, ngăn cản tàu SAR 412 tiếp cận. Tàu Trung Quốc dùng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào mũi tàu cứu nạn, ngăn cản tầm nhìn. Phía Trung Quốc kết hợp thiết bị điện tử phá sóng radar của ta, dùng loa phóng thanh quấy nhiễu tạo nên tình cảnh hỗn loạn. Nhưng với tinh thần mưu trí, kiên quyết giải cứu ngư dân, cũng như nhiều lần khác, chúng tôi vẫn cứu thành công các thuyền viên đưa về đất liền”.
“Cứu tinh” trên biển
Với những ngư dân từng đối mặt tàu Trung Quốc trên biển, bóng dáng SAR 412 như “cứu tinh”, là chỗ dựa vững chắc cho ý chí vươn khơi bám biển, giữ ngư trường Hoàng Sa. Ông Phan Thành Kim (trú huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu KH 96977 TS từng bị kẹp giữa vòng vây tàu Trung Quốc hiểu rất rõ những tình cảnh như vậy.
18h ngày 19/10/2015, khi 11 thuyền viên tàu cá KH 96977 TS thu những mét lưới cuối cùng, máy chính của tàu bất ngờ ngừng hoạt động. Lúc này, tàu trôi tự do về phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Thuyền trưởng Kim dùng bộ đàm phát tín hiệu xin trợ giúp từ đất liền và những tàu cá xung quanh.
“Anh em trên tàu chỉ dám ăn uống cầm chừng chờ tàu cứu nạn vì sợ hết lương thực. Trong ba giờ đồng hồ tàu SAR 412 và hai tàu hải cảnh Trung Quốc đụng độ, bóng dáng tàu SAR 412 lúc gần, lúc xa khiến anh em lo lắng, đặc biệt là các thuyền viên trẻ tuổi. Tôi liên tục trấn an, quả quyết với các em rằng, chắc chắn tàu cứu nạn của mình sẽ tới kịp”, ông Kim kể và khẳng định sẽ kiên cường bám biển vì sau lưng ông, lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp của Danang MRCC luôn sẵn sàng trợ giúp ngư dân.
Còn với ông Phạm Phú Thành (SN 1966, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu QNa 95959 TS cùng 33 ngư dân trở về từ Hoàng Sa sau khi bị tàu lạ đâm chìm tối 3/5 thì “các thủy thủ tàu SAR 412 chính là cứu tinh của chúng tôi từ cõi chết trở về”.
“34 anh em chúng tôi bám lấy nhau lênh đênh trên biển. Nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng cứu nạn, có lẽ chúng tôi đã bỏ mạng dưới biển sâu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các thủy thủ tàu SAR 412 đã dũng cảm vượt biển đêm cứu ngư dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng mới tàu cá, bám ngư trường Hoàng Sa”, ông Thành phát biểu tại cầu cảng Danang MRCC chiều 5/5.
BS. Phạm Thị Ánh Hồng, người được mệnh danh là “nữ bác sĩ thép” tại Hoàng Sa có lẽ là người hiểu hơn ai hết sự khó khăn, nguy hiểm của thủy thủ tàu SAR 412 trên biển. BS. Hồng là Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, người có hàng chục lần mặc áo blouse trắng theo tàu đi cứu nạn.
Theo BS. Hồng, hơn 20 thủy thủ tàu SAR 412 đều có sự rắn rỏi, kiên cường và dũng cảm khó ai sánh bằng. “Nhiều lần hợp tác với các thủy thủ, tôi cảm nhận được ở các anh khí chất của lính cứu nạn hàng hải. Dù đối mặt với bão tố hay khí tài quân sự Trung Quốc, các anh luôn điềm tĩnh hóa giải và đưa ra được phương án cứu nạn tốt nhất. Họ luôn coi ngư dân như người thân trong gia đình, sẵn sàng cứu người bằng mọi giá”, BS. Hồng bộc bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận