Thiếu vắng phim trăm tỷ
Khép lại một năm 2022 đáng buồn của điện ảnh Việt là thành tích 8,8 tỷ đồng (tính đến chiều 29/12) của "Thanh Sói: Hoa cúc dại trong đêm", ra mắt ngày 23/12.
Đây là thành tích rất thấp của Ngô Thanh Vân, khi cùng số ngày chiếu này vào năm 2019, phim "Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân đã thu hàng chục tỷ đồng và lập kỷ lục phòng vé.
Phim "Thanh Sói: Hoa cúc dại trong đêm" đạt doanh thu không như kỳ vọng
Ra mắt cùng ngày, “Đảo độc đắc” cũng chỉ thu về vỏn vẹn gần 7,9 tỷ đồng, sau 6 ngày ra mắt. Với thành tích này, con số 100 tỷ đồng dường như vẫn là xa vời.
Nhìn lại bức tranh điện ảnh Việt trong một năm qua, chỉ có 1 tác phẩm chạm mốc 100 tỷ đồng - “Em và Trịnh".
Các suất “trăm tỷ” tại phòng vé Việt năm nay lại chủ yếu dành cho phim ngoại, trong đó có “Avatar: Dòng chảy của nước” vẫn đang trụ rạp và đạt mốc hơn 186 tỷ đồng, dự đoán doanh thu sẽ tiếp tục tăng trong dịp đầu năm mới.
Trước đó, hàng loạt phim ngoại đạt doanh thu trăm tỷ trong năm qua gồm: “Minion: Sự trỗi dậy của Gru” (195 tỷ đồng), “Thor: Tình yêu và sấm sét” (119 tỷ đồng), “Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn” (200 tỷ đồng).
Chưa kể Hàn Quốc cũng góp mặt một tác phẩm vốn không gây sốt ở quê nhà nhưng lại trở thành “trend” ở Việt Nam là “Bỗng dưng trúng số" với 181 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam.
"Maika – Cô bé từ hành tinh khác" dù được giới chuyên môn đánh giá tích cực về chất lượng nhưng doanh thu không như kỳ vọng
Trước đó, ngay cả khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, điện ảnh Việt 2020 đã có đến 3 phim gia nhập CLB trăm tỷ là: “Tiệc trăng máu” (175 tỷ đồng). Năm 2021 chỉ còn 2 phim nhưng có hiện tượng “Bố già” đạt doanh thu kỷ lục (hơn 400 tỷ đồng).
Trước đó, 2019 là năm đột phá của điện ảnh Việt khi có tới 5 phim vượt hoặc đạt mốc 100 tỷ. Điển hình, “Hai Phượng” thắng đậm nhất (200 tỷ đồng) và thấp nhất là “Trạng Quỳnh” (100 tỷ đồng).
Vì sao phim Việt thua đau trên sân nhà?
Đánh giá chung về thị trường điện ảnh Việt trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV cho biết, doanh thu rạp năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với thời điểm đạt đỉnh trước dịch - năm 2019. Số lượng khán giả thì chỉ đạt 60%.
Không trực tiếp nhận xét về lý do doanh thu sụt giảm, nhưng ông Hải nhận định, năm qua rạp phim chưa thể hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt với một phần nguyên nhân nằm ở giai đoạn đầu năm khi còn hàng chục cụm rạp phía Bắc vẫn phải đóng cửa.
Theo khảo sát, trong năm 2022, Việt Nam có khoảng 21 phim đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng trên tổng số 36 phim đã ra mắt.
Dù trong số đó có những phim có chất lượng được cả giới chuyên môn và khán giả công nhận như: “Người lắng nghe” (2,2 tỷ đồng), “Maika – Cô bé từ hành tinh khác” (6,48 tỷ đồng) hay “Vô diện sát nhân” (4,7 tỷ đồng)… nhưng nhìn chung, tình trạng phim dở chiếm đa số cũng khiến các nhà làm phim kẹt trong không khí tiêu cực.
Có nhiều nguyên nhân khiến phim Việt thua ngay trên sân nhà. Bị “chơi bẩn”, thời điểm chiếu trùng với World Cup, SEA Games, khâu truyền thông yếu kém là những lý do được nêu ra, tuyệt nhiên không ai dũng cảm thừa nhận nguyên nhân nằm ở bộ phim.
Bản thân đạo diễn Võ Thanh Hòa (“Nghề siêu dễ,” “Chìa khóa trăm tỷ”) thẳng thắn cho rằng: “Điều tôi buồn nhất là năm nay bị coi như năm xả kho’’.
Theo nam đạo diễn, do dịch bệnh nên nhiều phim đã phải ngưng sản xuất 2-3 năm. Những dự án được làm kỹ lưỡng, cẩn thận đã tạm ngừng.
"Thành ra năm nay chỉ toàn phim yếu, vốn từng không được chọn chiếu trước đây nhưng nay lại được phát hành. Những phim như "Huyền sử vua Đinh", "Virus cuồng loạn" hay "Cù lao xác sống" đều không có chút chất lượng điện ảnh nào”, đạo diễn Võ Thanh Hòa bày tỏ.
"Huyền sử vua Đinh" bị chỉ trích vì bối cảnh, hóa trang cẩu thả
Điển hình như bộ phim đề tài lịch sử "Huyền sử vua Đinh" đã phải ngậm ngùi rời khỏi rạp, sau 10 ngày công chiếu, với doanh thu bết bát - 42 triệu đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam).
Theo Thạc sĩ Võ Anh Tuấn – Giảng viên khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Đại học Hoa Sen – người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hậu kỳ kỹ xảo, sản xuất phim, sự cẩu thả trong tư duy, cách làm khiến bộ phim thành “thảm họa”.
"Như trong "Huyền sử vua Đinh", mắc nhiều lỗi cơ bản về khâu hóa trang, bối cảnh. Một số phân cảnh cho thấy công đoạn hậu kỳ qua loa khi để lọt hình ảnh cột điện, gian nhà cấp bốn hiện đại... Ở nhiều cảnh quay cận, gương mặt nhân vật Đinh Tiên Hoàng vẫn dính lớp keo dán râu giả. Khi mô phỏng hình ảnh rồng hộ mệnh bay quanh thân Đinh Bộ Lĩnh, phim để lộ kỹ xảo kém chân thật, đậm chất vi tính. Các hiệu ứng máu me, khói lửa đơn giản, thậm chí còn ngô nghê", ông Tuấn nhận định.
Giữa bối cảnh ảm đạm, điểm sáng của rạp Việt trong năm qua đến từ 2 cái tên là “Đêm tối rực rỡ” với câu chuyện điện ảnh hấp dẫn và “Tro tàn rực rỡ” với dấu ấn nghệ thuật rõ nét. Hai tác phẩm được coi như “phao cứu tinh” sau một năm mà chất lượng điện ảnh trong nước chạm đáy.
Bảo chứng cho chất lượng bộ phim là giải Cánh diều Vàng cho “Đêm tối rực rỡ” và giải Khinh khí cầu Vàng - hạng mục Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Ba châu lục, diễn ra tại Pháp.
Một cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ"
Kỳ vọng cho sự khởi sắc của rạp Việt được đặt cho năm 2023 nằm ngay ở dịp đầu năm, với sự mở màn của loạt phim Tết “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành, “Chị chị em em 2” của Vũ Ngọc Đãng và “Siêu lừa gặp siêu lầy". Dự án “Đất rừng phương Nam” mới đây cũng đã cho ra những hình ảnh quảng bá mới nhất, ít nhiều để lại nhiều kỳ vọng vào một năm mới khả quan hơn.
Các nhà rạp cũng kỳ vọng khởi đầu tươi sáng hơn cho năm 2023 qua loạt phim nước ngoài, dự kiến sẽ có “John Wick 4", ”The Super Mario Bros Movie", “Transformer", “Mission impossible”...
Tuy nhiên, giới chuyên môn lưu ý, uy tín của đạo diễn, nhà sản xuất và mức độ đầu tư là một cơ sở để dự đoán cho kịch bản điện ảnh Việt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận