“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những bộ phim hiếm hoi được đánh giá cao về nghệ thuật |
Nhiều nhà làm phim Việt đang nỗ lực đầu tư kinh phí khủng để cho ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, thế nhưng mọi nỗ lực ấy có giúp nền điện ảnh nước nhà thoát khỏi cái mác “mì ăn liền” bấy lâu nay?
Dòng phim “mì ăn liền”: Vốn ít, doanh thu khủng
Năm 2015, điện ảnh Việt bùng nổ với gần 40 phim được ra mắt. Sự đa dạng về thể loại đã khiến khán giả Việt có một “bữa tiệc” phim ảnh nhiều món nhưng chưa thịnh soạn. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận xét: “Việc điện ảnh Việt bị gọi là “mì ăn liền”, tôi nghĩ là do có nhiều luồng dư luận khác nhau, có người thích, có người không”.
Nhưng với công thức chung “Vốn ít = Doanh thu khủng” thì ai cũng thấy và cũng ham thể loại này. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến cho rằng điện ảnh Việt đang bắt đầu khởi sắc, cụm rạp nhiều hơn, khán giả đông hơn nên phim ảnh nói chung và phim Việt nói riêng tăng về số lượng.
Anh nói: “Phải thừa nhận thực tế thị trường ở Việt Nam vẫn nhỏ hẹp nên mức đầu tư chưa cao. Thứ nữa, đa số diễn viên chạy show nhiều, không có thời gian tập trung cho phim nên phim phải hoàn tất nhanh, do đó nhiều trường hợp phim sản xuất kém chất lượng”.
Đã có khá nhiều bộ phim ra đời theo kiểu “mì ăn liền” như: Để mai tính, Sơn đẹp trai, Ma dai, Lật mặt,… có doanh thu phòng chiếu khả quan. Tuy nhiên, những phim này lại không được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung và nghệ thuật.
Ngoài ra, dòng phim “mì ăn liền” hiện đại cũng chứng kiến sự “xuống cấp” của nhiều đạo diễn tên tuổi với các bộ phim thương mại cẩu thả như đạo diễn Lưu Huỳnh (phim Hy sinh đời trai), Phan Minh (phim Trùm cỏ), Đức Thịnh (phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ)... Không chỉ vậy, không ít diễn viên bị gắn mác “bình hoa di động”, diễn xuất dở tệ nhưng vẫn được thủ vai chính nhờ ngoại hình và độ nổi tiếng.
Tất cả những điều trên khiến điện ảnh Việt lâm vào tình trạng như nhận định của NSND Nguyễn Thanh Vân: “90% những tác phẩm điện ảnh hiện nay là thiếu chuyên nghiệp”.
Đầu tư khủng, chất lượng sẽ tốt?
Thực tế, điện ảnh Việt đã có những bộ phim được đánh giá cao về cả nội dung lẫn nghệ thuật ở nhiều LHP như: Đập cánh giữa không trung, Thầu Chín ở Xiêm, Người trở về, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Em là bà nội của anh…
Nhiều bộ phim đã đạt doanh thu cao, được trình chiếu tại các LHP trong nước và quốc tế như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ); Cha, con và… (đạo diễn Phan Đăng Di). Đầu năm 2016, những bộ phim đang được mong chờ nhất đều là những phim được đầu tư với kinh phí “khủng” như: Truy sát (20 tỷ), Fan cuồng (17 tỷ), Tấm cám: chuyện chưa kể (20 tỷ)… Với mức kinh phí lớn như vậy, cũng khó tin nền điện ảnh Việt vẫn đang ở thời kì “mì ăn liền”.
Tuy nhiên, sẽ là quá tự mãn nếu chỉ nhìn vào kinh phí đầu tư để khẳng định, điện ảnh Việt đang có những bước tiến mới chứ không phải mác “mì ăn liền”. Bởi đầu tư khủng chưa chắc chất lượng đã tốt. Có chăng, kinh phí lớn sẽ giúp bộ phim có chất lượng kỹ thuật và hình ảnh tốt hơn, nhưng nội dung phim ra sao và diễn viên diễn xuất thế nào lại là điều không thể nói trước.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho hay, những nhà đầu tư bao giờ cũng mong muốn làm ra sản phẩm có lãi suất cao, đó là nguyên tắc của việc sản xuất hàng hóa. “Vấn đề là chúng ta phải cố gắng để cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật. Còn điện ảnh Việt phát triển thế nào thì do thị trường quyết định hết”, đạo diễn họ Bùi nhận định.
Thoát mác “mì ăn liền”: Khán giả và thị trường quyết địnhThực tế, dòng phim “mì ăn liền” phản ánh cục diện chung của cả điện ảnh thế giới chứ không chỉ Việt Nam, vì điện ảnh phục vụ nhu cầu khán giả. Thị hiếu khán giả lại luôn thay đổi thất thường, nên có thoát khỏi mác “mì ăn liền” được hay không thì do khán giả và thị trường quyết định”, đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ.
Nhấn mạnh thêm ý kiến của đạo diễn Tuyến, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định, điện ảnh Việt khó thoát khỏi mác “mì ăn liền”.
Anh phân tích: “Thoát sao được và thoát để làm gì? Xã hội phát triển có tính quy luật. Chúng ta có “mì ăn liền” ở khắp nơi chứ đâu riêng chuyện phim ảnh.
Hãy nhìn các ngành khác như: Y tế, giáo dục, xây dựng cơ bản, công nghiệp, nông nghiệp cũng vậy thôi.
Đây là hệ lụy của việc phát triển mà không có tính chiến lược, phát triển kiểu cỏ dại, mạnh ai nấy sống. Thôi cứ để nó tự nhiên đi, đạt được doanh thu, được tiền là được rồi. Ngành Điện ảnh bé xíu mà, nhằm nhò gì mà đạt được cái này cái kia. Thế giới điện ảnh là cuộc chơi của con nhà giàu, chúng ta còn phải học cách chơi. Đạt được điều gì thì còn lâu đấy!”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận