Văn hóa - Giải Trí

Điện ảnh Việt thiếu tấm gương soi mình

08/09/2017, 11:25

Nhà phát hành đã nói khống khi PR cho các bộ phim và chỉ tới khi khán giả trả tiền túi mới biết.

phim-Viet

Chiêu trò PR phim của sao Việt được đánh giá quá lố. 

 Một nền điện ảnh chuyên nghiệp luôn đi liền với một nền bình luận chuyên nghiệp. Đây là nguyên tắc thép góp phần tạo nên thành công của những ngành công nghiệp điện ảnh lớn. Ở Hollywood, đầu thập niên 90, công tác phê bình đã được các tờ báo lớn như: New Yoker, New York Times triển khai. Sang kỉ nguyên internet, các trang bình luận trực tuyến như: Rotten Tomatoes, Metacritics bùng nổ mạnh mẽ.  

Trong khi đó, giới phê bình điện ảnh ở Việt Nam vẫn chuyển mình vô cùng chậm chạp. Đạo diễn “Bao giờ cho đến tháng 10”, NSND Đặng Nhật Minh từng chỉ rõ: “Lý luận phê bình điện ảnh không có một đội ngũ uy tín, có tiếng nói, không có tác động gì đến đời sống sinh hoạt điện ảnh”. Cả nước chỉ có 2 ấn phẩm chuyên luận về phim ảnh là Tạp chí Thế giới điện ảnh và Tạp chí Điện ảnh kịch trường hết sức xa lạ với độc giả. Các báo lớn có mảng đánh giá phim, nhưng chưa có cây bút nào trội lên để trở thành người chuyên viết phê bình điện ảnh như: Robert Edger, Pauline Kael, Vincent Canby ở Mỹ. Bình luận trực tuyến đang manh nha một số trang web phong trào như: Moveek, Molo… nhưng chưa đi vào hệ thống để trở thành tiêu chuẩn như: IMDB,  Rotten Tomatoes…

Thiếu đi công tác bình luận phim, khán giả mất hẳn sự định hướng trong việc mua vé. Không có các bài viết đánh giá, các điểm số sòng phẳng, rành mạch, người xem chẳng có gì để biết hay - dở ngoại trừ các poster và trailer úp mở thật - giả. Từ đó, tạo ra một phản xạ chọn phim theo trào lưu hoặc theo tên tuổi diễn viên, đạo diễn. Vậy nên mới có chuyện chuỗi phim thảm họa của Hoài Linh ăn nên làm ra suốt mấy năm trời, từ “Già gân, mỹ nhân và găng tơ” cho tới “Tía tui là cao thủ”. Hoài Linh không hợp với điện ảnh, nhưng tên tuổi của anh lại là thứ mỏ neo hiếm hoi định vị được công chúng giữa ma trận phim ngày càng nhiều. Vậy nên, dù phim không hay, diễn viên diễn dở, khán giả vẫn cứ chọn.

Bên cạnh đó, một bộ phim nếu chỉ dựa vào sự quảng cáo của người phát hành sẽ không phản ánh được bản chất hay - dở, cũng như “con hát mẹ khen hay”. Giới phê bình chuyên nghiệp lẽ ra phải đóng vai trò như những tấm gương soi rõ chất lượng sản phẩm. Nhưng suốt thời gian qua, hoạt động bình luận yếu kém đã không đảm đương vai trò này, khiến những khái niệm hay - dở, thảm họa và kiệt tác nhập nhằng. Đó cũng là lý do phim hài nhảm có đất sống, bởi những nhà phát hành hài nhảm như Phước Sang luôn thoải mái trong việc PR cho các bộ phim, nói khống lên những giá trị nghệ thuật và giải trí vốn không có thật. Nói khống, nhưng chỉ tới khi khán giả trả tiền túi mới biết.  

Công cuộc cải thiện điện ảnh Việt Nam vẫn như đang đi ngược con dốc đứng với các nỗ lực đổi mới diễn viên, mua kịch bản nước ngoài. Nhưng chừng nào còn bỏ ngỏ nền bình luận có tính chất xương sống này, điện ảnh Việt Nam vẫn còn lĩnh đủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.