Mới đây, Chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) Al Khalifa đã mời ba nhân vật của bóng đá Nga dự đại hội lần thứ 33 của AFC diễn ra ngày 1/2 tại Manama, thủ đô của Bahrain.
Ba nhân vật đó gồm Chủ tịch LĐBĐ Nga (RFU) Alesander Djukov, Tổng thư ký RFU Makxim Mitrofanov và Chủ tịch danh dự RFU Vyacheslav Koloskov.
Nga lên kế hoạch gia nhập bóng đá châu Á sau khi bị loại khỏi UEFA.
Chủ tịch AFC Al Khalifa phát biểu với giới truyền thông: “AFC sẵn sàng chào đón thành viên mới đến. Nếu Nga rời UEFA và tiến hành xong các thủ tục, sau đó gia nhập AFC mà không “mất lòng” giữa UEFA và AFC thì tổ chức châu Á nồng nhiệt chào đón”.
Trong khi đó, Tổng thư ký RFU Mitrofanov cho hay: “Chúng tôi muốn quan sát và gia nhập AFC bởi ở UEFA chúng tôi đã không còn cơ hội, RFU đã tìm mọi cách để ở lại và được thi đấu mọi cấp độ tại UEFA nhưng vô vọng.
Các cầu thủ Nga cần thi đấu quốc tế và chúng tôi phải tìm cho mình một con đường để các cầu thủ Nga được giải thoát”.
Theo đánh giá của phía Nga, lộ trình Nga rời UEFA khi thực thi các thủ tục, tháo gỡ và làm việc với FIFA thì đến cuối tháng 4 mọi việc sẽ xong, sau đó Nga tiến hành ngay thủ tục gia nhập AFC.
Nếu bóng đá Nga gia nhập gia đình AFC thì sẽ bước vào vị trí địa lý ở khu vực Trung Á theo phân chia của AFC gồm Iran, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Afghanistan, Tajikistan, Turkmenistan.
Khi Nga trở thành thành viên AFC, các CLB cũng sẽ thực thi hàng loạt thủ tục về các quy chế bóng đá đúng với AFC, tài chính chuyển nhượng, “quota” cầu thủ ngoại…
Ông Koloskov tin rằng nếu gia nhập AFC, bóng đá Nga, kể cả các CLB sẽ không gặp khó khăn về tài chính hay quản trị chuyên nghiệp nào vì lâu nay bóng đá Nga vốn là thành viên UEFA, mọi thứ đều trôi chảy trong cung cách quản trị.
Cho tới thời điểm hiện tại, các đội tuyển bóng đá Nga vẫn bị cấm tham dự các giải đấu của UEFA và FIFA ở mọi cấp độ vì những diễn biến tại Ukraine.
Đội tuyển quốc gia nam của Nga vừa qua đã bị tước cơ hội tham dự World Cup 2022 tại Qatar và cũng đã bị loại khỏi vòng loại cho giải vô địch châu Âu 2024 của UEFA.
Đến nay, Nga đã thất bại trong việc kháng cáo lệnh cấm của UEFA và FIFA tại Tòa án trọng tài thể thao (CAS) ở Thụy Sĩ và nhiều lần ẩn ý muốn gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á.
Trong quá khứ, từng có tiền lệ các nền bóng đá đổi từ thành viên của châu lục này sang châu lục khác. Năm 1974, Israel rời AFC để làm thành viên của UEFA.
Năm 2005, Australia xin gia nhập AFC sau một thời gian dài là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Châu Đại Dương (OFC).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận