Thế giới

Diễn biến mới về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên

25/12/2017, 13:00

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt tầm kiểm soát?

26

Các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc đang gây sức ép lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Cuối tuần qua, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng ngày 29/11. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc dồn Triều Tiên vào “chân tường” không thể phát huy tác dụng mà còn làm tăng nguy cơ bùng nổ cuộc chiến hạt nhân trong khu vực.

Gây khó cho kinh tế Triều Tiên

Sau vụ phóng tên lửa ICBM, công khai đưa lục địa Hoa Kỳ vào tầm ngắm, những phát ngôn gây quan ngại, có phần hiếu chiến của cả Bình Nhưỡng và Washington đã khiến căng thẳng ngày càng gia tăng. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, Washington đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng vẫn đề xuất các biện pháp trừng phạt mới khắc nghiệt hơn để gây sức ép lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un.

Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Triều Tiên với các sản phẩm dầu sau tinh chế và dầu thô, cũng như giảm nguồn thu của Chính phủ Bình Nhưỡng từ lực lượng lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài.

Triều Tiên gọi nghị quyết của Liên Hợp Quốc là “hành động chiến tranh”

Ngày 24/12, Triều Tiên đã chính thức lên tiếng phản ứng về nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào nước này của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ thử tên lửa đạn đạo hồi tháng trước. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ nghị quyết trên, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới là “hành động chiến tranh” và là động thái phong tỏa toàn diện kinh tế Triều Tiên.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng ý cấm gần 90% xuất khẩu dầu tinh chế đến Triều Tiên bằng cách giới hạn ở 500.000 thùng mỗi năm và yêu cầu người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải về nước trong vòng 24 tháng.

Bản nghị quyết cũng đề xuất giới hạn số lượng các loại nhiêu liệu khác cung cấp cho Triều Tiên và tuyên bố sẽ gia tăng áp lực nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa ICBM.

Để giảm bớt nguồn tài trợ bên ngoài cho Triều Tiên, nghị quyết trừng phạt cũng ngăn cấm các nước xuất khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, đất đá, gỗ và tàu thuyền cho Triều Tiên. Đồng thời, cấm xuất khẩu tới Triều Tiên các thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận chuyển, kim loại công nghiệp cũng như ngừng việc lưu thông tài sản toàn cầu của 15 người Triều Tiên và Bộ các Lực lượng Vũ trang nhân dân nước này.

Reuters dẫn lời bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc phát biểu sau cuộc bỏ phiếu với toàn bộ 15 phiếu ủng hộ rằng: “Một thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng là sẽ càng thêm hình phạt và cô lập nếu Triều Tiên tiếp tục thách thức bằng chương trình tên lửa và hạt nhân”.

Trước những lệnh trừng phạt, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Wu Haitao cho biết, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ “vượt tầm kiểm soát” và ông lặp lại lời kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp ngoại giao của Bắc Kinh. Đại diện Trung Quốc cũng nhắc đến đề xuất “đình chỉ đôi bên”, cụ thể Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự lớn đổi lấy việc Triều Tiên ngừng chương trình vũ khí của nước này.

Trong khi đó, Hàn Quốc hoan nghênh các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên và kêu gọi “chấm dứt ngay các hành động khiêu khích liều lĩnh và chấp nhận đối thoại để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Gia tăng áp lực, liệu có tác dụng?

Bình luận xoay quanh hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới dành cho Triều Tiên, các nhà phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Triều Tiên.

Ông Peter Ward, một nhà bình luận của trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho biết: “Giới hạn lượng dầu vào Triều Tiên sẽ tàn phá ngành công nghiệp vận chuyển của nước này và gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất sử dụng đến nguồn năng lượng từ dầu”. Theo ông Peter, việc buộc hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài cũng sẽ cắt đứt một nguồn ngoại tệ quan trọng đối với Chính phủ Bình Nhưỡng.

Trái với ý kiến trên, ông John Park, Giám đốc của Nhóm công tác Triều Tiên tại trường Harvard Kennedy lại cho rằng, điều quan trọng là nên xem xét lại những kỳ vọng về các biện pháp trừng phạt. Có thể mất nhiều năm để chúng tác động đầy đủ lên Triều Tiên, trong khi quốc gia này đang đạt tiến bộ rất nhanh trong phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Reuters dẫn lời phân tích của ông Park cho rằng: “Nếu sử dụng lệnh trừng phạt như là công cụ chính sách phi quân sự cuối để thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa, chúng ta sẽ sớm thấy Washington ưu tiên các lựa chọn quân sự”.

Giải thích những lập luận trên, ông Park chỉ ra rằng: "Trung Quốc, nhà cung cấp phần lớn lượng dầu cho Triều Tiên, nay đã ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc sang Triều Tiên có thể có tác động hạn chế".

Bởi vì, từ tháng 6/2017, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ngừng kinh doanh xăng dầu cho nước láng giềng Triều Tiên vì lo ngại nước này không có khả năng thanh toán. Việc kinh doanh đã chậm lại kể từ đó và không có lô hàng xăng dầu, nhiên liệu khác từ Trung Quốc xuất sang Triều Tiên vào tháng 10/2017.

Cùng quan điểm trên, Reuters dẫn lời ông Kim Sung-han, nguyên Phó bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi đã có rất nhiều lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên trong 25 năm qua, nhưng hầu như không ngăn được tham vọng quân sự và hạt nhân của Chính phủ Bình Nhưỡng”.

Trong khi các nước gia tăng sức ép về kinh tế, Nga lại âm thầm hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên trong năm 2017. Mới tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, Moscow không sẵn sàng để ký các biện pháp trừng phạt có thể bóp nghẹt đất nước này.

Như vậy, chưa chắc những biện pháp trừng phạt kinh tế mới của Liên hợp quốc có thể tác động toàn diện tới nền kinh tế Triều Tiên, mà theo nhiều chuyên gia, sức ép từ cộng đồng quốc tế còn có thể khiến “tác động ngược” làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.