Người đi xe máy có nhiều vi phạm
Ngày 27/2, Đội CSGT đường bộ số 4 (Công an TP Hà Nội) đã bàn giao 2 người đàn ông đi xe máy SH đánh người trên đường Vành đai 2 trên cao tới Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Theo xác minh ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 25/2. Lúc này N.P.T.A (sinh năm 1996, trú tại Long Biên, Hà Nội) điều khiển ô tô đi trên đường đường Vành đai 2 trên cao hướng cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động, ô tô do A điều khiển bị xe máy SH màu da cam do Trần Văn Hiệp (sinh năm 1986, trú tại quận Hai Bà Trưng) lái chở Trịnh Thịnh (sinh năm 1980) lạng lách, tạt đầu.
Sau đó, Hiệp và Thịnh đập vào xe của A chửi bới, rồi tiếp tục chạy tạt đầu, chặn xe ô tô màu trắng, biển số 30K-840.XX đi phía trước.
Tiếp theo, Hiệp và Thịnh xuống khỏi xe máy, giật cửa xe ô tô màu trắng biển số 30K-840.XX.. Khi hai người trong chiếc ô tô mở cửa xe, hai bên đã xảy ra xô xát.
Tại cơ quan công an, Hiệp và Thịnh khai nhận nguyên nhân vụ việc là do trước đó, xe máy SH đã xảy ra va chạm với xe ô tô của A.
Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh vụ việc. Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như điều khiển xe máy vào đường cấm, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm.
Clip 2 thanh niên đi xe máy lên đường trên cao, tạt đầu và hành hung tài xế ô tô ở TP Hà Nội.
Ngoài vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, hai thanh niên đi xe máy lại có hành vi chặn đầu xe ô tô, hành hung người tham gia giao thông trên xe ô tô, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.
Xét hậu quả để xử lý vi phạm
Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc và xác định hậu quả đối với nạn nhân và xã hội để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
"Trong vụ việc nói trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ vì sao lại có mâu thuẫn giữa hai người trên xe ô tô và hai người đi xe máy. Từ đó, xác định hành vi của các bên liên quan để đánh giá nguyên nhân, bản chất sự việc", luật sư Cường nói.
Đồng thời, công an cũng sẽ làm rõ hành vi chặn đầu xe và đánh hai người trên xe ô tô đã gây ra hậu quả như thế nào. Trong trường hợp này, cơ quan công an sẽ xét hai hậu quả.
Thứ nhất, trường hợp hai người trên xe ô tô có thương tích xảy ra, dù thương tích dưới 11% nhưng nạn nhân đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Hình phạt cho tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thứ hai, trường hợp hai nạn nhân không đề nghị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích và hậu quả thương tích chưa xảy ra, nhưng đây là hành vi đánh người nơi công cộng và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố hai thanh niên đi xe máy về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Còn trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự, hai thanh niên đi xe máy SH vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi của hai người trên xe ô tô.
Nếu trường hợp kết quả xác minh cho thấy, 2 người này bị đe dọa, uy hiếp và bị đánh trước, sau đó có hành vi dùng vũ lực một cách cần thiết để chống trả thì đây được xem là tình tiết phòng vệ chính đáng, sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự cũng như các trách nhiệm pháp lý khác.
"Rất nhiều người cho rằng, đây là hành vi phòng vệ chính đáng vì các đối tượng đi xe mô tô đã chửi bởi, xúc phạm, chặn xe, hành hung hai người trên xe ô tô. Rõ ràng những người này được phòng vệ, tự vệ, chống trả một cách cần thiết, được sự đồng tình của dư luận", luật sư Cường phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận