Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn - Ảnh: Lã Anh |
Là những Bộ trưởng đăng đàn trả lời trong ngày chất vấn đầu tiên, hai Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được các câu hỏi liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc như việc tăng giá điện, xăng dầu, việc nông sản ùn ứ, không tìm được thị trường tiêu thụ…
Điện, xăng là mặt hàng “kỳ lạ” ở Việt Nam
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6, các ĐBQH liên tiếp đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến việc giá hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện liên tục được điều chỉnh. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Việc tăng giá điện không phải là không có lý, lẽ ra việc tăng giá điện khiến người dân được lợi, vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều DN cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ hạ, khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành Điện. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ lý thuyết đó đúng với ngành Điện?”. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) tiếp tục đặt câu hỏi: “Kinh doanh xăng dầu ở nước ta không theo cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với quy luật của thị trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương có biện pháp gì để tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay sang cơ chế thị trường giống như các nước trong khu vực?”.
Giải trình trước chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tăng giá điện là vấn đề không mới nhưng luôn là vấn đề đặt ra. “Chúng ta điều chỉnh giá vào tháng 8/2013, suốt 2014 giữ giá ổn định, đến tháng 3/2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Việc điều chỉnh giá là nằm trong chủ trương đưa theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện, khi giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi thì xem xét điều chỉnh giá điện, còn các yếu tố khác có thay đổi thì tùy từng điều kiện cụ thể phải xem xét mới được điều chỉnh”, ông Hoàng lý giải và khẳng định thêm: “Vừa qua, chúng tôi đã thực hiện theo quy định, Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên 10% mới báo cáo Chính phủ. Vừa rồi, Bộ đề nghị ba phương án (tăng 7,5%; 9,5% và 12%), chúng tôi có tổ tư vấn liên ngành (bốn Bộ) tham mưu vĩ mô, nghe ngành Điện trình bày và báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện chứ không chỉ có Bộ: Tài chính, Công thương”.
Xóa bỏ độc quyền kinh doanh điện vào 2016?
Lý giải về việc giá điện chỉ tăng chứ không giảm, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá điện hiện nay mới bắt đầu có giá bán cao hơn giá thành. Trước đây do duy trì bao cấp, chưa phải là giá thị trường nên giờ phải điều chỉnh giá theo thị trường. Tuy nhiên, cũng không dám tăng thường xuyên theo thị trường mà phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội. Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục chất vấn: “Vấn đề tôi đặt ra là bao giờ xóa được độc quyền trong kinh doanh điện? Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về lộ trình. Nếu nói 2016 xóa bỏ được độc quyền kinh doanh điện thì rất đáng mừng”. Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, năm 2016 sẽ tính giá điện theo cơ chế giá thị trường. Theo kế hoạch, năm 2016 thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, từ năm 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó người mua điện được tự do mua điện của những nhà sản xuất phù hợp với yêu cầu của mình.
Trả lời câu hỏi của ĐB Thân Đức Nam về việc điều hành kinh doanh giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, giá xăng dầu quy định theo Nghị định 83, dù còn có một số ý kiến chưa thống nhất nhưng theo đánh giá chung, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 đã từng bước đưa mặt hàng này theo giá thị trường và có tính tới yếu tố quản lý Nhà nước. “Vì giá xăng dầu cũng là yếu tố tác động tới đời sống nên bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng đã sử dụng công cụ thuế, Quỹ Bình ổn giá để trong trường hợp phải tăng giá thì mức tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân và đời sống xã hội, khi đó sẽ sử dụng thuế, quỹ để bù đắp một phần. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng điện, xăng dầu nếu biến động sẽ ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân và sản xuất nên chúng tôi sẽ cố gắng vừa thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu của đời sống và sản xuất”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Truy trách nhiệm “được mùa mất giá”
Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhận được hàng loạt các câu hỏi xoay quanh vấn đề làm sao để tìm được đầu ra cho nông sản.
Trả lời ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn: “Chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao, có lợi cho nông dân mà phải thích ứng với thị trường. Cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của Việt Nam, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường, nông sản nước ta có khả năng cạnh tranh cao, bán được nhiều hơn với giá có lợi cho nông dân”.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh: “Bà con nông dân nói trồng lúa bán ra thì DN kêu xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp; trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ; nuôi con tôm, con cá bán ra nước ngoài thì lại bị kiện bán chống phá giá... Là một người đứng đầu của ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân và Bộ trưởng sẽ làm gì để bà con yên tâm hơn trước thực trạng như hiện nay?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa đến như vậy: “Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, đó là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. Tình hình rất khác nhau, vì vậy chúng ta sẽ bình tĩnh, xử lý những tình huống đã đặt ra”.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về trách nhiệm của Bộ trưởng khi liên tục để xảy ra tình trạng được mùa mất giá, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ cũng như chính quyền các cấp tập trung rà soát, quy hoạch để hướng dẫn cho nông dân hướng sản xuất những cây trồng, vật nuôi mà có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt hơn.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) chất vấn: “Hiện nay, đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó trách nhiệm của Bộ trưởng có hay không và trách nhiệm như thế nào? Cách chịu trách nhiệm ra sao? Biện pháp gì của Bộ trưởng để khắc phục, để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nỗi lo lớn nhất là tiêu thụ nông sản, cái khó lớn nhất là khâu chế biến chưa tương xứng. Nông dân chúng ta rất giỏi, làm nguyên liệu rất nhiều nhưng khâu chế biến của chúng ta chưa theo kịp nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô, với giá chưa có nhiều giá trị gia tăng. “Đại biểu có hỏi về trách nhiệm, chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn về quy hoạch, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chúng tôi đang làm rất gắt gao với các cơ quan chức năng về những quy định thủ tục, về thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng v.v... để tạo thuận lợi cho DN”, Bộ trưởng NN&PTNT nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận