Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ ký Quy chế phối hợp |
Nhân dân cả nước, quốc hội, quốc tế đánh giá cao
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ GTVT đã thực hiện tốt hầu hết chỉ tiêu của Nghị quyết 13 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Cũng từ đây, diện mạo giao thông cả nước thay đổi hết sức nhanh chóng.
“Không chỉ quốc tế nhận thấy điều này và đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của ta tăng 29 bậc so với năm 2010 mà bằng cảm quan, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy điều này. Bằng chứng là số lượng công trình khởi công, khánh thành rất nhiều, số vốn huy động từ xã hội đạt mức kỷ lục”, ông Huệ nói.
Trước đó, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 13, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, số lượng các công trình khởi công, khánh thành cao nhất từ trước đến nay (134 công trình trong ba năm 2012 - 2014). So với năm 2011, số công trình hoàn thành trong năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 lần lượt tăng 1,4; 1,65 và 2,4 lần. Hiện không còn công trình chậm tiến độ.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, lượng vốn đầu tư theo hình thức PPP tại Bộ GTVT cũng đạt mức kỷ lục, hơn 178 nghìn tỷ đồng. Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, Bộ GTVT cũng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp rà soát, phân kỳ đầu tư, rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật… qua đó, tiết giảm được hơn 39.300 tỷ đồng.
“Dự kiến trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết 13 đặt ra”, Thứ trưởng Đông khẳng định.
Bàn giải pháp đột phá về cơ chế
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc muốn đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, phải có giải pháp đột phá, ông Vương Đình Huệ đã gợi mở một số vấn đề cần bàn thảo tại buổi làm việc.
“Trong chiến lược quy hoạch phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, thuận nhất là gì, vướng mắc khó khăn nhất là gì? Chiến lược quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng có quan hệ với các chiến lược, quy hoạch khác như thế nào, có quan hệ với quá trình đô thị hóa, với chương trình xây dựng nông thôn mới ra sao? Cùng đó là những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, cơ chế huy động vốn, chính sách giá, phí, lệ phí…”, ông Huệ gợi ý.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, quy hoạch giao thông luôn phải gắn bó chặt chẽ với quy hoạch đô thị, khu vực vùng kinh tế, khu dân cư. Đối với GTNT, Thứ trưởng cho biết, trước đây chủ yếu giao cho các địa phương. Gần đây, GTNT được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đường giao thông cũng là một tiêu chí rất quan trọng.
Liên quan đến những khó khăn trong quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ vướng mắc lớn nhất là cơ sở lập quy hoạch, chiến lược chưa có. Cùng đó là những vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất của các địa phương; Việc triển khai quy hoạch không đồng bộ do khó khăn về vốn…
Đối với cơ chế chính sách huy động vốn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, hiện chúng ta chưa thu hút được vốn nước ngoài vì chưa có cơ chế giảm thiểu rủi ro. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định cần có cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái...
Về mô hình huy động vốn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng năm đề án huy động vốn theo từng loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không, hàng hải. “Không có một mô hình chung cho các loại hình vận tải mà mỗi loại hình, mỗi lĩnh vực cần những cơ chế riêng, mô hình riêng đặc thù”.
Dùng hạ tầng để nuôi hạ tầng, bán đường cao tốc để quay vòng vốn đầu tư thêm nhiều km đường cao tốc khác theo dạng cuốn chiếu cũng là những cơ chế, cách làm mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đề cập tới tại buổi làm việc. Cùng đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc đề xuất phương thức bán quyền sử dụng đất 2 bên đường.
Trước đó, tại nhiều Hội thảo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh phải tạo cơ chế để nhà đầu tư khai thác tối đa giá trị hạ tầng, như quyền kinh doanh hai bên đường, kinh doanh trạm dừng nghỉ, dịch vụ đi kèm... có như vậy mới đảm bảo người bán có lãi mà dự án vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngân Anh
Ban Kinh tế T.Ư ký Quy chế phối hợp công tác với Bộ GTVT Theo Quy chế, ký kết chiều qua (25/12), hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách lớn về phát triển ngành GTVT, về kinh tế giao thông, tái cơ cấu ngành GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm ATGT, thị trường dịch vụ vận tải, các chính sách của Nhà nước về huy động, phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngành GTVT... Ban Kinh tế T.Ư và Bộ GTVT cũng phối hợp nghiên cứu, đề xuất chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành GTVT; Quản lý và phát triển thị trường dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; Quản lý Nhà nước các dịch vụ công; Thẩm định các đề án phát triển KT-XH, các dự án lớn thuộc ngành GTVT trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, phát triển cơ sở hạ tầng, ATGT; Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KT-XH, về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT. Hai bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; Trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý; Phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận về phát triển KT-XH. Thanh Bình |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận