Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, sau hơn 1 năm triển khai quy hoạch, làng báo đang có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2020, việc triển khai quy hoạch báo chí tiếp tục thực hiện với mục tiêu phát triển toàn diện nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Quy hoạch đang được thực hiện đúng lộ trình
Sau khi chuyển đổi mô hình từ báo sang tạp chí, các tạp chí mới đi vào hoạt động có những khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19 cộng với khó khăn trong thời kỳ chuyển đổi. Nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo cũng có thể bị ảnh hưởng dẫn tới đời sống cán bộ, phóng viên bị tác động. Quá trình chuyển đổi mô hình, sáp nhập sẽ dẫn đến sự xáo trộn về nhân sự.
Cục Báo chí đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhiều nội dung về vấn đề này. Cụ thể, đối với cơ cấu nhân sự cần có sự định hướng từ cơ quan chủ quản của các tạp chí và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Khi báo chuyển thành tạp chí, có sự thay đổi từ cách thông tin tới nội dung thông tin. Chúng tôi đã và đang tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cơ quan báo chí đáp ứng được nhu cầu công việc.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT
Thưa ông, sau 1 năm thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 2/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kết quả thực hiện đến nay thế nào?
Ngay sau khi Thủ tướng có Quyết định 362, Bộ TT&TT đã ban hành kế hoạch số 1738 về việc triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị 6 cơ quan báo chí (Báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN, Báo QĐND, Báo CAND) khẩn trương xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong năm 2019, có 33 tổ chức hội ở Trung ương có cơ quan báo, tạp chí thuộc diện quy hoạch, trong đó 24 tổ chức hội có cơ quan báo phải sắp xếp chuyển thành tạp chí, 9 tổ chức hội có nhiều cơ quan báo chí phải sắp xếp hoặc theo quy hoạch không có cơ quan báo chí.
Tới nay, đã có 19/24 tổ chức hội đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí, trong đó cấp phép cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội, 1 báo chuyển đổi thành chuyên trang của cơ quan báo điện tử khác. Còn lại 5 tổ chức hội, Bộ TT&TT đang tiến hành thủ tục cấp phép chuyển đổi cơ quan báo thành tạp chí, chuyển cơ quan chủ quản. Đối với 9 tổ chức hội có nhiều cơ quan báo chí phải sắp xếp thì tới nay đã có 4 tổ chức hội hoàn thành quy hoạch, 5 tổ chức đang tiến hành các thủ tục để thực hiện quy hoạch.
Trong năm 2020, việc quy hoạch báo chí được tiếp tục triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Từ ngày 10/2/2020, Bộ TT&TT có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương về việc triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định 362 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chậm nhất trước ngày 30/6/2020, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp có hồ sơ bảo đảm đúng quy định gửi Bộ TT&TT để tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định. Quá thời hạn trên, cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp không có hồ sơ bảo đảm đúng quy định, Bộ sẽ cho dừng hoạt động.
Năm 2020 có 13/29 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải triển khai quy hoạch. Đến nay, đã có một số cơ quan hoàn thành quy hoạch gồm: T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc sắp xếp của năm 2020, hiện còn 3 cơ quan báo. Bộ Nội vụ chấm dứt hoạt động 1 tạp chí thuộc cục, hoàn thành việc quy hoạch. Có 7/63 tỉnh trực thuộc T.Ư (An Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Nam Định, Quảng Ninh, Trà Vinh, Đà Nẵng) hoàn thành quy hoạch.
Mô hình quy hoạch báo chí của Bộ GTVT là một điển hình
Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương đặc thù, có số lượng cơ quan báo chí lớn. Việc thực hiện quy hoạch báo chí tại 2 thành phố này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Hà Nội và TP HCM đã có đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Đến hết 2020, TP Hà Nội còn 5 cơ quan báo chí trong đó giữ ổn định 1 báo thuộc Thành ủy, 1 báo thuộc UBND thành phố và 3 báo thuộc tổ chức đoàn thể. TP HCM còn 5 cơ quan báo (không tính báo thuộc tổ chức tôn giáo) trong đó 4 báo thuộc các ngành, đoàn thể chuyển sang trực thuộc Thành ủy và UBND thành phố.
Theo ông, quá trình thực hiện quy hoạch gặp những khó khăn gì?
Thực tế có nhiều vấn đề phát sinh như khi thực hiện chuyển đổi, sắp xếp, số dư tài chính của các cơ quan báo chí khác nhau, nay chuyển đổi thành tài sản chung trong một tài khoản. Điều này khiến một số cán bộ, phóng viên ở cơ quan báo chí có số dư nhiều cảm thấy bất hợp lý vì phải chia sẻ đóng góp từ những năm trước.Việc sắp xếp, sáp nhập cũng liên quan tới cơ cấu nhân sự, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, những khó khăn bất cập này sẽ được giải quyết nếu cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí chỉ đạo sát sao.
Tại nhiều hội nghị, chúng tôi đưa mô hình của Bộ GTVT trong hoạt động quy hoạch báo chí là một điển hình. Từ năm 2015, Bộ GTVT là đơn vị tiên phong quy hoạch một loạt cơ quan báo, tạp chí. Hiện Bộ GTVT chỉ có Báo Giao thông và Tạp chí Giao thông vận tải hoạt động ổn định, hoàn thành chủ trương quy hoạch báo chí.
Tránh tình trạng “báo hóa tạp chí”
Tính đến hết năm 2019, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử. Về phát thanh - truyền hình, hiện có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình, với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình (tăng thêm 2 kênh truyền hình so với năm 2018).
Thực hiện quy hoạch, sẽ giảm 94 cơ quan chủ quản với 180 cơ quan báo chí. Dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí với 8.194 nhân sự bị ảnh hưởng, tương đương 20% nhân sự trong lĩnh vực này. Hiện chưa có thống kê chính thức nào về con số các cơ quan báo chí do các bộ ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai quy hoạch.
Theo quy hoạch, nhiều cơ quan báo đã và đang chuyển đổi thành tạp chí, các cơ quan này sẽ được vận hành như thế nào?
Khi các cơ quan báo chuyển đổi mô hình thành tạp chí thì sẽ phải thay đổi cách thông tin và nội dung thông tin cho phù hợp với tính chất tạp chí và giấy phép hoạt động của báo chí.
Bộ TT&TT đã cấp phép các tạp chí với tôn chỉ, mục đích chủ yếu là: Cập nhật tin tức, hoạt động của cơ quan chủ quản. Định kỳ thông tin theo kế hoạch xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), theo quy định pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Nhằm thực hiện quy hoạch báo chí đảm bảo sự thống nhất, bình đẳng đối với các cơ quan tạp chí, ngày 20/2/2020, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu cơ quan chủ quản, tổng biên tập các tạp chí rà soát tên cơ quan báo chí, tên miền, tôn chỉ, mục đích, măng-sét, nội dung thể hiện trên trang chủ của tạp chí điện tử để đề nghị Bộ cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung ghi trong giấy phép đảm bảo đúng tính chất tạp chí, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và quy định pháp luật, tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí. Tên gọi của tạp chí trên măng-sét báo in và trang chủ của tạp chí điện tử đều phải có cụm từ “tạp chí”.
Bộ TT&TT sẽ triển khai những cơ chế giám sát như thế nào để bảo đảm các cơ quan tạp chí hoạt động hiệu quả?
Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí rất quan tâm và đã có cơ chế giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí. Chúng tôi đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động của các báo, tạp chí.
Bộ TT&TT sẽ đăng tải, cập nhật toàn bộ nội dung giấy phép các báo, tạp chí trên Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT, Cục Báo chí để cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc biết và cùng tham gia giám sát. Bộ TT&TT đã đề nghị cơ quan chủ quản nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý, chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đúng đề án khi cấp phép. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục báo chí sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các cơ quan tạp chí vi phạm (nếu có) đảm bảo hoạt động tạp chí đúng quy định, đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí.
Cảm ơn ông!
19 báo thuộc hội thành tạp chí, chuyên trang
Đến nay, Bộ TT&TT đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội.
Cụ thể, Báo điện tử Tri thức trẻ thành chuyên trang của Báo điện tử Tổ quốc hoạt động từ 1/2/2020.
Đồng thời, Bộ cũng cấp phép cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội, giấy phép có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 gồm: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Bóng đá, Tạp chí Thời đại, Tạp chí Chất lượng và cuộc sống, Tạp chí Thương hiệu và Công luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, Tạp chí Kinh tế và Đồ uống, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Kinh tế nông thôn, Tạp chí Một thế giới, Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Năng lượng mới, Tạp chí Sức khỏe cộng đồng, Tạp chí Làng nghề Việt Nam, Tạp chí Mê Kông - ASEAN.
Còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội (2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản, 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục), Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai theo quy định.
Trước đó, giữa tháng 1, Bộ TT&TT đã đề nghị cơ quan chủ quản chỉ đạo Báo Nhân đạo và Đời sống, Thời báo Kinh tế Việt Nam dừng hoạt động xuất bản báo để tiến hành sắp xếp, thực hiện quy hoạch báo chí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận