Hạ tầng

Diện mạo mới giao thông Hà Nội

02/05/2016, 10:32

Những con đường hiện đại kết nối liên vùng, hệ thống đường sắt đô thị đang thành hình, hệ thống buýt nhanh...

35

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành cuối năm 2016, dự kiến lượng hành khách trung chuyển trên tuyến đạt gần 27.000 lượt người/giờ - Ảnh: Ngô Vinh

Những con đường hiện đại kết nối liên vùng, hệ thống đường sắt đô thị đang thành hình, hệ thống buýt nhanh (BRT) sức chuyên chở lớn sắp đưa vào sử dụng, cùng nhiều công trình giao thông hiện đại khác đang dần thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô...

Giao thông kết nối vùng miền

Khoảng hơn 2 tháng nay, cứ đến cuối tuần, anh Nguyễn Mạnh Hoàn, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở ở khu đô thị mới Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội lại lái xe đi Hải Phòng và Quảng Ninh để chỉ đạo thi công công trình xây dựng do doanh nghiệp của anh đấu thầu. Để tiết kiệm thời gian và an toàn, anh Hoàn cho biết thường xuyên lái xe đi theo đường Vành đai 3 trên cao, rồi rẽ vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Với tốc độ cho phép trên tuyến này khoảng từ 80 - 120 km/h nên hành trình chỉ mất khoảng hơn 2 giờ.

“Chính vì thuận lợi như vậy nên tôi cứ sáng đi chiều về. Thậm chí, có hôm công việc gấp gáp đòi hỏi có mặt ngay tại công trường nên sẩm tối tôi lái xe chở sơn từ Hà Nội đi Hải Phòng rất thuận tiện. Ngày trước tôi đi theo QL5 cũ phải mất hơn 4 tiếng mới tới nơi”, anh Hoàn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, dự kiến ngay trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ khởi công 4 dự án trên địa bàn Hà Nội gồm: Xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Vành đai 4 đoạn nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, cầu vượt nút giao Phú Thượng với tổng kinh phí khoảng 39.000 tỷ đồng. 

Còn chị Hà Minh Thư, nhân viên văn phòng một công ty IT tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy cũng cho biết, quê ở TP Bắc Giang, bây giờ có đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nên hành trình từ Hà Nội về quê chỉ còn khoảng hơn 1 giờ. Nhiều lúc nhớ nhà quá, sau khi hết giờ làm hai mẹ con chị lại lái xe về quê rất tiện. Nhờ có con đường này mà tình cảm gia đình chị thêm gắn bó vì thường xuyên về quê hơn.

Thật khó tưởng tượng chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống giao thông đường bộ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận lại được phát triển nhanh chóng và thuận tiện đến vậy. Đầu tiên là cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác năm 2014 đã rút ngắn hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ. Nhưng quan trọng hơn, tuyến đường này kết nối Hà Nội với một loạt các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái.

Tiếp sau tuyến cao tốc là một loạt các tuyến đường tốc độ cao khác được đưa vào khai thác như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh... Các dự án này đã rút ngắn thời gian hành trình từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc, phía Tây, phía Đông êm thuận, an toàn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho vận tải.

Dự kiến, trong năm 2016 này, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được kết nối tạo động lực vận tải hơn nữa, kéo giãn lượng phương tiện từ phía Nam sang phía Đông Hà Nội mà không cần di chuyển qua nội thành.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nên sẽ kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện theo hình thức BOT, BT, BTO... Ngoài các dự án đang triển khai, dự kiến khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 gồm 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 4 dự án BRT, 5 dự án xây dựng bến xe, tổng kinh phí khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Đường sắt nội đô vận tải khối lượng lớn

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị để giảm tải ùn tắc giao thông, tăng năng lực vận tải khách công cộng... Trong số 8 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, hiện có 2 tuyến đang được thi công. Đó là tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và tuyến thí điểm Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành năm 2018.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng Ban QLDA Đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý dự án Nhổn - ga Hà Nội cho biết, tuyến thí điểm Nhổn - ga Hà Nội đang được thực hiện và dự kiến hoàn thành năm 2018 áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu. Các đoàn tàu, toa xe trên tuyến này cũng được đặt mua và thiết kế từ một nhà thầu của Pháp. Dự kiến có 10 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Hệ thống đường ray, điện, thẻ vé và các trang thiết bị an toàn khác trên tuyến cũng đều áp dụng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu và đã được thành phố phê duyệt.

Đối với dự án đường sắt nội đô tuyến Cát Linh - Hà Đông do Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC đang được đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm nay sẽ hoàn thành và vận hành thử, sau đó sẽ đưa vào khai thác. Ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, khi khai thác tuyến này, lượng hành khách trung chuyển trên tuyến có thể đạt gần 27.000 lượt người/h cả hai chiều. Dự kiến, đến năm 2030, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển được khoảng hơn 1 triệu lượt khách/ngày. Như vậy sẽ giải quyết được khối lượng hành khách rất lớn, hạn chế nạn ùn tắc giao thông trên trục đường phía Tây Hà Nội.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh các dự án giao thông công cộng và đường sắt đô thị, đặc biệt là những tuyến đã được thu xếp vốn. Bên cạnh đẩy nhanh 2 tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, dự kiến sẽ khởi công tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên; Đẩy nhanh nghiên cứu, đầu tư nhà ga trung tâm kết nối với các hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng đa phương thức kết nối các trung tâm dịch vụ thương mại, khách sạn nhà hàng; Đầu tư kết nối đồng bộ hạ tầng xe buýt, xe buýt nhanh với các tuyến đường sắt nội đô để tăng hiệu quả khai thác...

Ông Trần Anh Tú, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, công ty đang đào tạo nhân sự vận hành tuyến đường sắt nội đô đầu tiên là Cát Linh - Hà Đông với tổng số 681 người, đào tạo cả trong và ngoài nước. “Để giúp người dân nhanh chóng tiếp cận sử dụng đường sắt đô thị, chúng tôi đã chuẩn bị cuốn sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị, về sơ đồ tuyến cũng như sử dụng các trang thiết bị an toàn. Trước tiên có thể áp dụng tại tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau đó có thể áp dụng chung 8 tuyến đường sắt”, ông Tú nói và lý giải về hệ thống vé, để hành khách đi lại thuận tiện, thành phố đã có khung tiêu chuẩn về vé, thẻ để các dự án sau này có thể liên kết tốt với nhau. Với tuyến đường sắt đô thị, chủ yếu là dùng các thẻ. Còn thẻ loại nào, tùy dự án quy định thực hiện, nhưng không còn dùng giấy và xu nữa.

Dự kiến, tuyến BRT thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được vận hành vào cuối năm nay. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.