Thị trường

Điện mặt trời mái nhà được mua bán không qua EVN

21/06/2024, 17:55

Theo dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, hệ thống điện mặt trời mái nhà được mua bán điện không qua EVN, tuy nhiên, phải được cấp phép hoạt động điện lực.

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Dự thảo lần này có nhiều điểm chi tiết hơn so với những dự thảo trước đó.

Điện mặt trời mái nhà được mua bán

Cụ thể, dự thảo quy định 2 hình thức mua bán điện DPPA gồm: mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.

Với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, đối tượng áp dụng là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) và khách hàng sử dụng điện lớn.

Trong đó, đơn vị phát điện NLTT là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng NLTT khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà được mua bán không qua EVN- Ảnh 1.

Một dự án điện mặt mái nhà tại TP.HCM. Ảnh: Vũ Bá.

Như vậy, ở dự thảo này, hệ thống điện mặt trời mái nhà được mua bán điện trực tiếp không qua EVN, tuy nhiên, khác với phạm vi ở dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (không mua bán dưới mọi hình thức) là nhà máy phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực và tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư…

Còn với hình thức mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia, dự thảo quy định rõ, chỉ gồm những nhà máy điện gió hoặc mặt trời, công suất từ 10 MW trở lên.

Khách hàng sử dụng điện lớn phải là những doanh nghiệp sản xuất có sản lượng tiêu thụ điện từ 500.000 kWh/tháng, đấu nối ở cấp điện áp từ 22 kV trở lên; hoặc đơn vị bán lẻ điện được các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…uỷ quyền mua điện từ các nhà máy điện gió, mặt trời nói trên với sản lượng mua điện từ 500.000 kWh/tháng.

Giá bán điện mức nào?

Về giá mua bán điện, với hình thức mua bán qua đường dây riêng, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận với nhau. Điện dư thừa có thể đàm phán để bán lại cho EVN.

Riêng trường hợp bán lẻ điện tại khu, cụm công nghiệp do đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện, vừa bán lẻ điện qua đường dây riêng nhưng có kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia (dự phòng khi thiếu điện), thì giá bán lẻ điện sẽ theo quy định do Bộ Công thương ban hành.

Với hình thức mua bán thông qua lưới điện quốc gia, giá điện sẽ được tính toán dựa theo 3 loại hình mua bán.

Đầu tiên là loại hình bán điện của nhà máy điện NLTT qua thị trường điện giao ngay. Tức là, nhà máy điện NLTT phải chào giá cho toàn bộ công suất dự báo của nhà máy theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công thương ban hành.

Loại hình 2 là mua bán điện qua tổng công ty điện lực. Lúc này, khách hàng sẽ uỷ quyền cho một tổng công ty điện lực ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà máy điện NLTT.

Nếu sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc sản lượng mua điện của đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) thấp hơn sản lượng của nhà máy điện NLTT, thì tiền điện là tổng của các loại chi phí như: chi phí mua điện từ tổng công ty điện lực theo giá thị trường bán buôn điện cạnh tranh; chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện (bao gồm các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, điều hành - quản lý ngành); chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch…

Ngược lại, nếu sản lượng tiêu thụ của khách hàng cao hơn sản lượng của nhà máy điện NLTT, tiền điện sẽ bao gồm các khoản trên, cộng với khoản tiền điện theo giá bán lẻ điện hiện hành cho sản lượng chênh lệch tăng thêm được cấp từ lưới điện quốc gia.

Loại hình 3, nhà máy điện NLTT và khách hàng được uỷ quyền đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, thời điểm thanh toán sản lượng điện theo hợp đồng sẽ tính toán theo mức chênh lệch giữa giá cam kết và giá của thị trường giao ngay do Bộ Công thương quy định…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.