Tài chính

Điện mặt trời Trung Nam về tay ai?

22/07/2024, 15:34

Điện mặt trời Trung Nam - một thành viên thuộc Trung Nam Group có sự thay đổi lớn khi chuyển nhượng tới 19,9 triệu cổ phần.

Điện mặt trời Trung Nam đổi chủ

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đã công bố Nghị quyết người sở hữu của 12 mã trái phiếu. Được biết, số trái phiếu này có tổng giá trị đang lưu hành gần 1.900 tỷ đồng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam (bên đảm bảo cho gói trái phiếu) sẽ được chuyển nhượng 19,9 triệu cổ phần của Điện mặt trời Trung Nam. Số cổ phần trên là tài sản đảm bảo cho số lô trái phiếu trên. 

Bên nhận chuyển nhượng bao gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu (18 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Thanh Bình (1,9 triệu cổ phần).

Điện mặt trời Trung Nam là một thành viên thuộc Trung Nam Group, đồng thời là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam có quy mô diện tích dự án là 264ha tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có công suất 204 MW và sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm, sử dụng hơn 700.000 tấm pin, được khởi công vào tháng 7/2018. Tổng vốn đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước thương vụ này 1 tháng, "thượng tầng" của Điện mặt trời Trung Nam cũng đã có sự thay đổi. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa và ông Nguyễn Tâm Thịnh (Chủ tịch Trung Nam Group) không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Thay vào đó, Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Thanh Bình.

Điện mặt trời Trung Nam về tay ai?- Ảnh 1.

Dự án Điện mặt trời Trung Nam có tổng vốn đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ.

Liên quan đến nhóm chủ mới của Điện mặt trời Trung Nam, một trong những pháp nhân sẽ tham gia vào thương vụ là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái Tạo Á Châu - công ty con của Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT).

Đặc biệt, ông Nguyễn Đăng Khoa  (một người cũ của Trung Nam) hiện là Phó tổng giám đốc của ACIT.

Từ năm 2021, ACIT về bản chất đã sở hữu 49% cổ phần của Điện Mặt trời Trung Nam.

Như vậy, với việc công ty con nhận chuyển nhượng thêm 18 triệu cổ phần (tương đương 18% vốn), Điện mặt trời Trung Nam có thể trở thành công ty con của ACIT, còn nhóm Trung Nam sẽ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp này.

Năm 2023, vốn chủ sở hữu của Điện mặt trời Trung Nam ở mức 1.293 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với năm trước. Trong khi đó, nợ phải trả đạt gần 2.780 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu ở mức 1.874,8 tỷ đồng.

Cùng kỳ, Điện mặt trời Trung Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế 278,3 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước đó.

Ông chủ của Á Châu là ai?

Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) được thành lập vào tháng 11/2006 tại Hà Nội. Doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ điện, trạm điện và cung cấp giải pháp thiết bị trọn bộ cho các trạm biến áp truyền tải, phân phối điện cũng như các hệ thống điện cho khu công nghiệp.

Năm 2015, ACIT chỉ có vốn điều lệ 17,5 tỷ đồng, do Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Phương nắm 60%.

Khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phương là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực điện. Ngoài ACIT, ông Phương còn sở hữu Công ty Công nghệ Smosa Việt Nam - một doanh nghiệp được thành lập 2015, chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí chính xác, thiết bị điện, tủ điện…

Điện mặt trời Trung Nam về tay ai?- Ảnh 2.

Á Châu được biết được là một nhà thầu lớn có tiếng trong ngành điện. Ảnh minh hoạ.

Được biết, ông Nguyễn Ngọc Phương có nhiều năm công tác tại Quân khu Thủ đô, các đơn vị Công ty Thăng Long hay Công ty Hà Thành, trước khi tham gia ACIT từ năm 2010.

Sau đó không lâu, ông Phạm Đình Thắng bất ngờ trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật duy nhất của Á Châu.

Tuy nhiên, đây dường như không phải động thái đổi chủ do ông Thắng cũng đã hiện diện với vai trò lãnh đạo tại ACIT ít nhất từ năm 2009.

Dù vị trí chủ chốt của ACIT đã được thay thế, song không loại trừ khả năng ông Nguyễn Ngọc Phương vẫn là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối.

Bên cạnh vai trò với Á Châu, ông Thắng còn là cổ đông sáng lập, góp 15% vốn vào Công ty Cổ phần Điện lực Khu vực 1, cùng với một số tên tuổi trong lĩnh vực điện như ông Hồ Ngàn Chi (28%), ông Đàm Thế Phương (12%)...

Điện lực Khu vực 1 từ năm 2016 là đơn vị mua buôn điện của Công ty Điện lực Bắc Ninh và ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho các khách hàng là doanh nghiệp trong KCN Quế Võ.

Đáng chú ý, bên cạnh lĩnh vực điện, ACIT còn góp 23% vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Hiteccons vào năm 2017.

Đồng hành cùng ACIT chính là Công ty TNHH Covestcons - công ty con của Xây dựng Coteccons (31%), Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội (31%) và Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Hoàng Thành Land (15%).

Có thể dễ dàng nhận thấy tiềm lực các đối tác của ACIT với Cottecons là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội chính là công ty con thuộc Refico Group của doanh nhân Trần Quyết Thắng.

Ông Trần Quyết Thắng từng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Bản Việt (nay là Chứng khoán VietCap), một trong những thành viên trong HĐQT đời đầu bên cạnh ông Tô Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (từ nhiệm từ tháng 3/2024).

Ngoài ra, ông Thắng cũng được bầu vào Hội đồng quản trị Coteccons nhiệm kỳ 2012 - 2017 với vai trò là thành viên độc lập. Năm 2017, Ông tiếp tục được ĐHĐCĐ bầu vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.