Công nghệ

Điện thoại thông minh đang hủy hoại thế hệ trẻ

11/08/2017, 07:45

Theo chuyên gia tâm lý Mỹ, thế hệ trẻ thời ĐT thông minh đang trên bờ vực khủng hoảng về sức khỏe tinh thần.

19

Trẻ vị thành niên trên toàn thế giới đang ngày càng đắm chìm vào điện thoại thay vì nhìn ngắm thế giới thực

Thế hệ iGen

Tác hại về việc lạm dụng điện thoại tới sức khỏe của con người đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất lâu. Nhưng sự phát triển của điện thoại thông minh ngày càng đưa những nhu cầu cuộc sống gắn chặt với chiếc điện thoại (mạng xã hội facebook, twitter, ứng dụng gọi xe, ứng dụng đặt đồ ăn, sách điện tử, mua sắm trực tuyến…), khiến thế hệ trẻ lớn lên trong môi trường điện thoại thông minh và ngay cả các bậc cha mẹ dẫu biết gây hại nhưng vẫn khó lòng có thể tách rời khỏi những chiếc smartphone. 

Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định, trong tương lai, những tác hại này không chỉ ảnh hưởng một, hai năm mà sẽ sâu rộng tới cả một thế hệ trẻ. Nhận định này đã được phân tích kỹ trong bài báo mang tên “Điện thoại thông minh đã hủy hoại thế hệ trẻ như thế nào?” đăng tải trên Tạp chí The Atlantic của bà Jean M.Twenge, chuyên gia tâm lý học tại Đại học San Diego - tác giả 2 cuốn sách Generation Me và iGen.

Trong bài viết, vị giáo sư đã đưa ra một khái niệm mới về thế hệ lớn lên cùng sự phát triển của thiết bị điện thoại thông minh cũng như sự nổi lên của mạng xã hội, đó là thế hệ iGen. “Điện thoại thông minh đã thay đổi đáng kể mọi ngóc ngách trong đời sống của trẻ vị thành niên từ bản chất của tương tác trong xã hội đến sức khỏe tinh thần”, bà Twenge nói. 

Trong cả bài viết, GS. Twenge đã đưa ra hàng loạt ví dụ điển hình của thế hệ iGen tại Mỹ bị tác động của điện thoại, nhưng ở đó độc giả cũng có thể nhìn thấy bóng dáng của một thế hệ tương tự tại Việt Nam. 

Ăn, ngủ cùng điện thoại

Ví dụ, đầu tiên là một thế hệ thức và ngủ cùng điện thoại. Phỏng vấn rất nhiều sinh viên tại Đại học San Diego về thói quen sử dụng điện thoại, GS. Twenge nhận được đa số câu trả lời là họ để điện thoại ngay dưới gối, trên chiếu và không quá tầm tay với. Họ kiểm tra mạng xã hội khi đặt mình xuống giường, với chiếc điện thoại ngay khi vừa thức giấc. Thậm chí, khi tỉnh giấc nửa đêm, họ cũng thường phải nhìn vào điện thoại một lần. “Tôi biết không nên làm vậy nhưng tôi không thể chịu được”, một sinh viên chia sẻ về thói quen xem điện thoại ban đêm. Một số khác cho biết: “Phải có điện thoại ở gần tôi ngủ mới ngon”. 

Phân tích về tác động của điện thoại với giấc ngủ, vị giáo sư nhận thấy, số lượng trẻ em ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm trong năm 2015 cao hơn năm 1991 khoảng 57%. Lượng trẻ em ngủ không đủ giấc tăng cao tương đương với thống kê thời gian trẻ dùng điện thoại/ngày. Trong khi đó, các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo rằng, trẻ vị thành niên cần khoảng 9 tiếng ngủ/đêm. Nếu trẻ vị thành niên ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm là bị thiếu ngủ trầm trọng, hậu quả đối với sức khỏe thể chất và tâm lý sau đó tương đối rõ. Ngủ không đủ giấc có liên quan tới vô số vấn đề về sức khỏe như: Ốm yếu, tăng cân, huyết áp cao, ảnh hưởng tới tâm lý…

Chất lượng sống nghèo nàn, trầm cảm

Bên cạnh chất lượng giấc ngủ, GS. Twenge cũng chỉ ra không ít người trong thế hệ trẻ tỏ ra chần chừ và ngại thực hiện trách nhiệm và niềm vui của tuổi trẻ như: Làm bài tập, lái xe, làm việc, hẹn hò… Vậy, thế hệ ấy làm gì? “Họ tập trung vào điện thoại, chăm chăm ở trong phòng, một mình và dễ mắc tâm trạng lo âu, hoảng sợ”. Đây không phải là vấn đề mới nổi mà đã thành chủ đề các bậc cha mẹ lo lắng suốt nhiều năm nay.

Tổ chức TeenSafe liệt kê vấn đề bắt nạt qua mạng, chát sex và nghiện điện thoại là những tác động thực tế khi trẻ vị thành niên tăng cường sử dụng mạng xã hội. Theo GS. Twenge, nhiều tác động tiêu cực khác có thể xảy ra khi thời gian sử dụng điện thoại tăng lên như tình trạng trầm cảm. 

“Trẻ học lớp 8 nghiện sử dụng mạng xã hội sẽ có nguy cơ trầm cảm tăng 27% so với những trẻ chơi thể thao, tham gia các hoạt động xã hội hoặc thậm chí là làm bài tập về nhà”, GS. Twenge cho biết.  

GS. Twenge khuyến cáo: Thời thanh niên là quãng thời gian quan trọng để phát triển các kỹ năng xã hội. Nếu trẻ vị thành niên dành ít thời gian tiếp xúc trực tiếp với bạn đồng trang lứa, họ sẽ không có nhiều cơ hội để thực hành các kỹ năng này. Trong 1 thập kỷ tới, có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thanh niên chỉ biết tìm chọn biểu tượng cảm xúc phù hợp tình huống, chứ không biết cách biểu cảm khuôn mặt hay hành động trong thực tế cho đúng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.