Hồng Ánh kể, từng bị ba đánh đòn bằng roi mây vì tội ăn trộm xe đạp của khách để tập đi |
Hồng Ánh gây chú ý khi vào vai chính trong phim điện ảnh “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.Trong phim, chị vào vai Hiểu Phương (trưởng thành) – một người phụ nữ trung niên thâm trầm nhưng lại rất trẻ trung, tếu táo khi gặp lại bạn bè.
Khán giả đã quen thuộc với những vai diễn hiền lành, khắc khổ của Hồng Ánh ngoài đời sẽ bất ngờ với vai diễn Hiểu Phương của chị trong Tháng năm rực rỡ. Đây có phải vai diễn “nữ quái” lạ nhất của chị từ trước tới nay?
Nếu theo dõi sân khấu kịch thì tôi có nhiều vai diễn "nữ quái" lắm, nhưng đây là vai diễn phụ nữ hiện đại mới nhất của tôi trên màn ảnh rộng. Vai diễn "tận dụng" đúng với lứa tuổi của tôi, câu chuyện và những trăn trở, suy tư của người phụ nữ trung niên đã có gia đình.
Lâu nay, khán giả biết những vai diễn của tôi phần lớn là trong phim có sự tài trợ của nhà nước. Tôi vào nghề đã lâu, đúng giai đoạn phim thì trường kém chất lượng (còn gọi là phim mỳ ăn liền) thoái trào và phim được nhà nước tài trợ đặt hàng bắt đầu trở lại. Đó là giai đoạn làm nghề khá sôi nổi của tôi. Tôi thường vào những vai diễn không đúng tuổi mình, người mẹ trẻ thời phong kiến, chiến sỹ cách mạng, người phụ nữ lam lũ thời hậu chiến chờ chồng, những phụ nữ của tầng lớp lao động…
Thế nên, vai Hiểu Phương ( trưởng thành) chắc mang đến cho khán giả sự mới lạ. Khán giả cũng nhìn thấy một Hiểu Phương trung niên, nhưng có lúc cô ấy cũng tinh quái, tếu táo, nghịch ngợm khi gặp lại hội bạn thân. Thực ra, Hiểu Phương ở hiện đại là con người khác sau 25 năm. Cô ấy không còn sống cho giấc mơ ngày trẻ của mình nữa. Hiểu Phương an phận, điềm đạm, thâm trầm do cuộc sống đơn điệu, nhàm chán buồn tẻ không chia sẻ được với chồng con. Cô ấy chỉ quanh quẩn với việc lo cho chồng con, nội trợ dù không phải lo về kinh tế.
Khán giả sẽ thấy tôi khác lạ khi nhân vật Hiểu Phương vui cười, đùa tục khi gặp hội bạn thân, lấy trộm đồ đồng phục học sinh của con gái để đi đánh nhau.
Nghe nói vai diễn có điểm giống chị ngoài đời nên chị “diễn như không diễn”?
Cũng không hẳn! Cuộc sống gia đình tôi không giống Hiểu Phương. Trong phim, cuộc sống của Hiểu Phương buồn tẻ, nhàm chán dù vợ chồng họ có con gái. Tôi thì khác, gia đình chúng tôi có ba người, tôi, chồng và con trai anh ấy. Tôi hạnh phúc vì được là chính mình, được tự do theo đuổi công việc mình yêu thích, chủ động kinh tế không khác gì khi tôi độc thân cả. Tôi có người chồng ủng hộ mình hết lòng.
|
Nếu có giống thì đó là là cảm giác nhân vật có một nhóm bạn thân khá giống tôi ngoài đời. Thực ra, những phân đoạn sâu sắc của Phương, tôi vào vai rất đơn giản vì tôi hiểu nhân vật và những xúc cảm đó. Ngoài đời, tôi cũng có những người bạn như vậy trong nhóm hồi còn đi học. Họ là ước mơ của tôi và tôi nghĩ không riêng tôi ai cũng sẽ có những người bạn như thế.
Thời đi học của chị như thế nào?
Ngày đó, kinh tế gia đình tôi khó khăn, đi học tôi phải đi bộ hoặc đi ké xe đạp của bạn, học lực cũng loại trung bình, nhan sắc thì vừa phải. Thế nên, nhìn các bạn nữ có điều kiện có xe đạp xịn của Nhật màu hồng phấn, tôi tủi thân lắm. Bạn học giỏi lại là hoa khôi của trường, đi đâu cũng luôn là trung tâm mọi sự chú ý, là niềm tự hào của lớp, nhận được sự chú của các bạn nam.
Nhiều khi, tôi ganh tỵ lắm. Đã có lúc từng nảy sinh ý định lấy đồ của bạn, dù bạn rất hào phóng, mình hỏi mượn gì cũng cho nhưng không hiểu sao mình vẫn không thích. Chắc điều đó cũng giống như cô bé Hiểu Phương lúc nhỏ vậy, sốc vì bạn mình quá xinh đẹp.
Tôi cũng có những người bạn không liên lạc nhau mấy chục năm gặp lại, không nhắc kỉ niệm tôi chẳng nhận ra. Bạn khác quá, đầu bù tóc rối, nhan sắc tiều tuỵ. Bạn không hạnh phúc trong hôn nhân, mưu sinh buôn bán vất vả, thay đổi đến không ngờ trừ đôi mắt. Tôi nhìn bạn mà rớt nước mắt. Cảm giác ấy giống lắm như như khi Hiểu Phương vào quán rượu trả tiền để lôi Bảo Châu ra ngoài. Cũng có cả cảm giác đau khi tôi nghe tin một người bạn mình qua đời vì bị tai nạn hay bệnh hiểm nghèo trong khi tuổi đời chỉ mới 40, bỏ lại con nhỏ... giống lắm như khi Hiểu Phương nghe tin Mỹ Dung qua đời.
|
Chị chắc hẳn có nhiều kỷ niệm vui khi tham gia bộ phim này?
Tôi tham gia rất nhiều phim và không bao giờ đóng những vai mình không yêu thích nó, huống chi đây là phim mà bạn của tôi làm đạo diễn. Cảnh quay tôi nhớ nhất chính là những phân cảnh đầu ở bệnh viện. Khi Hiểu Phương gặp lại Mỹ Dung. Cảnh quay đó, đạo diễn ngồi ở máy monitor cũng khóc. Tôi không nghĩ cậu bạn râu ria của mình lại nhiều tình cảm và mau nước mắt đến như vậy.
Mọi người hay nói trong nghề, những người đã có chỗ đứng thường bằng mặt chứ không bằng lòng. Nhưng trong phim này không như thế, cả ekip nhỏ và lớn đều rất vì nhau. Thậm chí, từ bộ phim mang ra cả nhóm ở ngoài đời. Mọi người đều thân thiết, chia sẻ, bao bọc. Ai quay khuya về trễ thì người kia vẫn ngồi chờ xong hết rồi để đi về cùng. Với tôi, "Tháng năm rực rỡ" là bộ phim của những cuộc hội ngộ, của thanh xuân và một phim đẹp về tình bạn tôi tin ai cũng sẽ thấy mình trong đó.
Nếu con chị bị bắt nạt, chị có giống Hiểu Phương, sẵn sàng đi “đánh lộn” để trả thù cho con?
Phim ảnh những có logic riêng của nó, thường là những gì không làm trong đời thực mà. Ngoài đời chắc không có đâu, chỉ lúc nóng giận thì ước ao trong thoáng chốc (Cười).
Tôi không đồng ý dùng bạo lực đáp trả bạo lực, nhưng có những thứ bạn phải nghiêm khắc trừng trị mang tính răn đe mới giáo dục được thành công. Ngày trước, ba tôi cũng nghiêm khắc với tôi lắm. Tôi nghĩ giáo dục từ gia đình là nền tảng vô cùng quan trọng, có khi phải "thương cho roi cho vọt".
Ngày xưa, tôi rất hay bị đòn. Hình như ngày xưa gia đình ai cũng vậy, chứ tôi từng nghĩ ngày đó mà có camera quay lại, chắc ba mẹ tôi cũng bị chỉ trích rất nhiều. Hồi ấy, ba đánh tôi bằng roi mây, bắt nằm sấp và đánh vào mông đến tím máu. Ba thậm chí lấy thước gỗ thợ may để quất vào tay tôi đau điếng. Quật vào bắp chân nữa. Nhưng không bao giờ ba tôi đánh vào tay cầm viết, không đánh vào đầu. Nói chung, mỗi một roi giáng xuống là một lời dạy nhớ đời.
Lý do là bởi tôi lấy trộm xe đạp của khách đến thăm nhà. Tôi rất thích tập xe mà ba tôi không cho vì nói chưa đủ chiều cao để tập. Tôi trộm xe lao ra đường, ngã chỏng chơ khiến người ta vì né mình mà gây tai nạn. Cũng may, không nguy hiểm đến người nhưng xe thì bẹp dúm. Họ lôi tôi về nhà rồi mắng ba mẹ tôi nhiều lắm.
|
Ba đánh tôi đau điếng, còn mẹ thì can ngăn. Ba bảo: “Đánh đau nhưng con không chết, đánh không đau con sẽ không nhớ. Không dạy con hôm nay, sau này con gây ra tai nạn, lúc đó xe cán con cũng chết thôi". Bị đòn đau, tôi nhớ mình khóc nhiều lắm, giận ba mẹ cả tuần không nói chuyện, nhưng rồi tôi vẫn rất thương ba, đến giờ vẫn thế.
Tôi chưa bao giờ oán hận ông vì tôi cảm nhận được tình yêu thương rất lớn của ông dành cho tôi. Đến giờ, tôi vẫn thầm cám ơn những trận đòn đó để tôi trưởng thành hơn sau này. Ba là người ít nói lời tình cảm, nhưng lúc nào cũng là người tôi sợ vì kính trọng và thương. Tôi tin khi bậc làm cha làm mẹ có hiểu biết, thương yêu con cái thật lòng, mong muốn con mình hoàn thiện, họ sẽ biết cách nghiêm khắc như thế nào là đủ. " Roi vọt" như thế nào để con mình tốt hơn chứ không phải xem con cái là gánh nặng là kẻ thù mà trừng trị.
Nghĩa là chị không ủng hộ phương pháp dạy con bằng bạo lực?
Không, tôi không ủng hộ phương pháp đấy. Tôi nghĩ, khi đánh con để trút giận thì đó là bạo lực. Nhưng trừng phạt nghiêm khắc, trừng phạt với sự yêu thương lo lắng và để dạy bảo con tốt hơn thì không gọi là bạo lực.
Cảm ơn chị!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận