Một người khép kín, khó bộc lộ cảm xúc
Theo tờ Business Insider, kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh ngày 4/7 cho thấy đảng Lao động (hay còn gọi là Công đảng Anh) của ông Keir Starmer đang dẫn đầu với tổng số 410 ghế, vượt ngưỡng 326 ghế để có thể thành lập Chính phủ mới tại Anh.
Đây được coi là thắng lợi vang dội cho Công đảng, đánh dấu sự trở lại sau 14 năm và ông Keir Starmer - Chủ tịch Công đảng sẽ trở thành Thủ tướng Anh.
Phát biểu khi cuộc bầu cử bắt đầu diễn ra tại Anh trong ngày 4/7, Chủ tịch Công đảng nhấn mạnh: "Ngày hôm nay, nước Anh bắt đầu bước vào một trang mới. Một kỷ nguyên mới của hy vọng và cơ hội sau 14 năm hỗn độn, suy thoái".
Ông Starmer bắt đầu sự nghiệp chính trị khá muộn. Thời điểm ông được bầu vào Hạ viện Anh lần đầu tiên là năm 2015 khi ông đã 52 tuổi.
Trước đó, ông làm luật sư, được bổ nhiệm làm Tổng Công tố tại Anh và xứ Wales. Ông vốn là người ngần ngại chia sẻ và ít bộc lộ cảm xúc nhưng khi là ứng viên cho vị trí quan trọng trong Chính phủ Anh, ông Starmer không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải công khai xuất thân.
Kể từ khi trở thành thủ lĩnh Công đảng vào năm 2020, ông đã không ít lần phải hé lộ về nguồn gốc bình dân của gia đình với mẹ làm y tá, cha là công nhân bình thường.
Mỗi lần bộc bạch về chuyện cá nhân, ông Starmer thường khó bộc lộ cảm xúc dù đó là điều cực kỳ quan trọng đối với các chính trị gia. Cũng vì vậy, không ít người đánh giá ông thiếu sức cuốn hút, hấp dẫn - hoàn toàn đối lập với đương kim Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Trong vài tháng qua, ông Starmer đã nỗ lực hơn rất nhiều khi tiếp cận cử tri và thu hẹp dần khoảng cách với đối thủ.
Cựu Tổng thống Obama là người gỡ "nút thắt" cho ông Starmer
Người giúp ông làm được điều này chính là một nhân vật ít người ngờ tới - cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thường xuyên trao đổi qua phần mềm Zoom, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khuyến khích ông Starmer cần cởi mở hơn với công chúng và dám bộc lộ khiếm khuyết của mình.
Ông Obama còn chia sẻ với ông Starmer về những khó khăn khi phải đưa ra quyết sách ở cương vị ông chủ Nhà Trắng.
Theo tờ Politico, người giới thiệu ông Starmer với cựu Tổng thống Mỹ Obama là ông David Lammy, một trong những trợ lý thân cận.
Ông Lammy đã quen cựu Tổng thống Mỹ khoảng 20 năm từ một sự kiện dành cho các cựu sinh viên da màu tại Đại học Havard. Trong lần tới Anh gặp Thủ tướng Anh Sunak hồi tháng 3 vừa qua, ông Obama đã dành thời gian ăn tối với người bạn lâu năm.
Trợ lý Lammy cho rằng, ảnh hưởng của ông Obama đối với ông Starmer là rất rõ ràng khi vị Thủ lĩnh Công đảng gần đây công khai về tình trạng khó khăn của gia đình mình thoải mái hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi chứng kiến vào năm trước.
"Tôi biết ông Obama đã tác động mạnh mẽ và khuyên ông Starmer nên làm như vậy", trợ lý Lammy chia sẻ.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh Sky News, ông Starmer mở lòng hơn, chia sẻ việc mẹ mắc chứng Still, một dạng bệnh viêm khớp dạng thấp hiếm gặp.
Từ đó, cha ông phải dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ và không còn nhiều thời gian dành cho con cái, từ đó tạo ra khoảng cách cảm xúc giữa hai cha con. Sau này, khi cha qua đời, ông đã rất day dứt khi không sớm nhận ra vấn đề, có kết nối gần gũi hơn với cha.
Nhà báo Anh Kitty Donaldson nhận định, cuộc phỏng vấn với kênh Sky News đã đánh dấu bước chuyển lớn trong cách thể hiện cảm xúc của ông Starmer trước công chúng.
Theo nhà báo Donaldson, cựu Tổng thống Obama đã "cởi nút thắt" để biến ông Starmer từ một người cứng nhắc trở nên mềm mỏng hơn.
Ông Tom Packer, chuyên gia về chính trị và bầu cử Mỹ đánh giá, chính câu chuyện của ông Starmer đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử, qua đó phá vỡ định kiến về việc hầu hết các chính trị gia tại Anh có nền tảng quyền quý, sinh ra "từ vạch đích".
Bản thân ông Starmer hồi tháng 9 năm ngoái thừa nhận ông Obama là vị cựu Tổng thống Mỹ mà ông trao đổi thường xuyên nhất.
"Tôi không ít lần thảo luận với ông Obama. Những phân tích của ông về tình hình thế giới rất thú vị.
Việc được chia sẻ quan điểm của mình với một người từng thắng cử và có trải nghiệm về điều hành quốc gia là vô cùng hữu ích, qua đó tôi có thể định hình tư duy về cách thức đưa ra những quyết sách nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử", ông Starmer nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận