Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Uỷ ban TVQH sáng 18/4. |
Tại phiên chất vấn của ĐBQH tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội sáng 18/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về chính sách người có công, về việc quy tập mộ liệt sĩ...
Bày tỏ trăn trở liên quan đến việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, ĐB Đinh Duy Vượt - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã chất vấn: “Hiện chúng ta còn tới 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để quy tập hết các liệt sĩ và làm gì để ngăn ngừa được tình trạng ngoại cảm thất đức?”.
Chia sẻ với trăn trở của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất của ông, và cũng là của tất cả mọi người. "Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với Quốc hội cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy nữa”, Bộ trưởng cam kết.
Ông cho biết, trong số 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy tập trung nhiều ở Hà Giang, miền Trung, miền Nam và các nước bạn. Mới đây, Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì một cuộc họp, quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia 1.237 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do 1 Phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Quốc phòng và tôi làm phó ban.
Ông cũng cho biết, hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với nhân dân và nước bạn để tìm kiếm. Từ đầu năm đến nay đã quy tập được hơn 8.000 hài cốt liệt sĩ.
Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết vẫn đang thực hiện theo đề án xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin (Đề án 150).
“Theo đề án này, chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp để xác định, trong đó giải pháp chính là xác định gien. Năm qua đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về các gia đình”, Bộ trưởng thông tin.
Tuy nhiên để xác định được con số trên đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.
“Hiện Chính phủ đang giao 3 đơn vị chuyên xét nghiệm gien là quân đội, công an và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tới đây dự kiến cho phép thêm Bộ Y tế và một số cơ sở khác, nâng thành 6 cơ sở để mở rộng tìm kiếm lâu dài”, ông Dung thông tin.
Ông cũng cho biết đã báo cáo Chính phủ xin lập ngân hàng gien để lưu lại những mẫu đã xét nghiệm và những mẫu sắp tới để lưu lại, khi đó gia đình có thể chủ động tự lấy mẫu để đối chiếu.
1,8 nghìn hồ sơ giả mạo để trục lợi chính sách
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình trạng làm giả hồ sơ giả, khai man hồ sơ để hưởng chính sách người có công.
Trả lời, Bộ trưởng khẳng định tình trạng này là có. Theo rà soát như ban đầu trong hơn 2 triệu người có công thì có 0,09% là người hưởng không đúng chính sách.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, trong 60.000 hồ sơ thì có 1.800 hồ sơ giả mạo, không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi.
"Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng đồng thời yêu ban hành các quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách số tiền hưởng sai quy định 130 tỷ đồng, giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng năm là trên 37 tỷ bao gồm các nội dung chi sai, cấp sai. Chúng ta đã xuất toán, thu hồi vào ngân sách trong năm 2016 13 tỷ đồng", Bộ trưởng thông tin.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận