Đâm 7 nhát dao để cướp 140 nghìn đồng
Đầu tháng 9, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Anh (SN 1998, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Bị hại trong vụ án là ông Cao Sỹ Côi (bảo vệ của Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Minh Anh). Phiên toà vắng vẻ bởi phía bị hại, chỉ có người bảo vệ già đi cùng người vợ khắc khổ. Phía bên kia, có bà nội bị cáo và vài người thân đi cùng.
Cáo trạng cùng diễn biến tại phiên toà cho thấy, ngày 15/3/2020, Nguyễn Tiến Anh đến khu vực huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) ăn nhậu. Khuya cùng ngày, Tiến Anh nhờ bạn là Nguyễn Thế Anh (SN 1998, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) chở ra QL5 (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) để đón xe khách về nhà.
Tại đây, thay vì đứng đợi xe khách, Tiến Anh lại đi bộ dọc theo QL5 hướng lên Hà Nội. Trên đường đi, Tiến Anh nhặt được 1 con dao gấp mũi nhọn nên cất vào túi quần. Khi đến bãi máy xúc Minh Anh (ở Nguyễn Đức Thuận, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), Tiến Anh nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên trèo qua hàng rào, vào bên trong bãi. Khi đi qua sân, Tiến Anh thấy bên phải có phòng bảo vệ trên tầng 2 nên đi lên để tìm tài sản, nhưng do cửa phòng khóa Tiến Anh mở cửa sổ, nhảy vào bên trong.
Tuy nhiên, vừa vào được bên trong, Tiến Anh bị ông Cao Sỹ Côi (SN 1954, quê ở Văn Lâm, Hưng Yên - là nhân viên bảo vệ bãi máy xúc Minh Anh) phát hiện, hô hoán. Ngay lập tức, Tiến Anh rút dao trong người ra đâm liên tiếp 7 nhát vào vùng sườn trái và ngực ông Côi khiến nạn nhân gục xuống. Lúc này, Tiến Anh hỏi ông Côi: “Tiền để đâu?”. Ông Côi không nói được, chỉ tay về phía túi quần dài đang treo trên móc quần áo. Tiến Anh lại gần lấy chiếc quần xuống, thấy bên trong có ví da nên mở ra, lấy đi số tiền 140 nghìn đồng.
Sau đó Tiến Anh vứt lại ví da, nhảy qua cửa sổ, bỏ chạy ra QL5 theo hướng Hà Nội - Hải Phòng, đón taxi về huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bỏ trốn.
Ông Côi được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã may mắn thoát chết, tuy nhiên, ông bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tích là 23%.
Theo lời khai của Tiến Anh, số tiền vừa cướp được, cậu ta không đủ trả tiền taxi. Gần 1 tuần sau khi gây án, Tiến Anh đến Công an huyện Thuận Thành đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Tại phiên xét xử, bị cáo thừa nhận các cáo buộc của Viện Kiểm sát, song nói mình chỉ nảy sinh ý định nhất thời, chưa từng đi qua bãi máy xúc này, con dao nhíp là nhặt được chứ không chuẩn bị sẵn, chỉ găm dao trong người với ý định hù dọa khi cần thiết... Bị cáo khai nhận chỉ đâm 1 nhát dao và “khi nạn nhân nói bị chảy nhiều máu, bị cáo đã giúp bị hại lấy áo bịt vết thương”. Ngay việc ra đầu thú, bị cáo cũng cho biết là do bản thân cảm thấy hối hận về hành vi mình đã gây ra...
Tuy nhiên, HĐXX khuyên bị cáo khai nhận thành khẩn, bởi kết quả khám nghiệm thương tích cho thấy ngực và sườn trái bị hại có 7 vết dao đâm. Thấy vậy, bị cáo lại nói chỉ nhớ được có vậy do lúc đó quá hoảng sợ.
“Hoảng sợ sao không chạy mà lại giết người, còn lấy tiền rồi mới đi?”, vị Hội thẩm nhân dân chất vấn và Tiến Anh im lặng.
Nước mắt và sự cảm thông
May mắn thoát chết, bị hại trong vụ án - ông Cao Sỹ Côi có mặt tại phiên tòa để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Căn cứ vào diễn biến phiên tòa cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Anh 12 năm tù về tội Giết người và 6 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 18 năm tù.
Ông Côi cho hay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên dù đã 67 tuổi, ông vẫn nhận làm nhân viên bảo vệ trong coi bãi máy xúc này.
Khuya 15/3/2020, như thường lệ, ông đi kiểm tra một vòng bãi máy xúc, thấy mọi thứ đều bình thường mới quay trở lại chòi bảo vệ và phát hiện kẻ trộm. Khi ông hô hoán, kẻ này đã dao đâm ông nhiều nhát rồi lấy tiền bỏ đi, bỏ mặc ông nằm sõng soài trong vũng máu...
Không chỉ căm phẫn về hành vi nhẫn tâm của hung thủ khiến bản thân mất đi 23% sức khoẻ, ông Côi còn bức xúc khi từ ngày ông bị nạn, gia đình Tiến Anh chưa hề thăm hỏi, bồi thường chút nào cho gia đình ông. Vì vậy, ông Côi đề nghị tòa án xử lý bị cáo theo đúng quy định pháp luật, phạm tội đến đâu xử lý đến đó, làm gương cho những kẻ khác.
Nhưng đáp lại thái độ bức xúc của bị hại, Tiến Anh tỏ vẻ khá bình thản và bất cần. Trước yêu cầu của đòi bồi thường 50 triệu đồng tiền thuốc men, chữa trị; Tiến Anh nói ráo hoảnh: “Số tiền quá lớn, bị cáo không thể nào có được, trong khi bản thân bị cáo lại đang bị giam, đề nghị tòa xử theo pháp luật”.
Nghe vậy, từ phía sau, bà L. (bà nội bị cáo) run run đứng lên xin tòa cho phép được trình bày. Bà L. nghẹn ngào tâm sự: Bố Tiến Anh bị bệnh hiểm nghèo, mất sớm khi Tiến Anh chưa tròn 3 tuổi. Mẹ bị cáo đi cấy thuê, bị kẻ xấu lừa bán đã nhiều năm, khi mẹ Tiến Anh quay được về nhà thì con đã phạm tội và người mẹ này sau đó cũng bỏ đi làm ăn xa.
Tiến Anh ở nhà với ông bà già yếu, nên hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông bà cũng chỉ nuôi Tiến Anh học được hết lớp 9. Nghỉ học, Tiến Anh xin đi làm thợ mộc. Thương ông bà, mỗi ngày tiền công được 150 - 200 nghìn đồng, Tiến Anh đưa hết cho ông bà, còn bản thân chỉ ăn mì tôm hàng ngày qua bữa...
“Mồ côi cha, mẹ mất tích, cháu Tiến Anh sống hoàn cảnh éo le, nghèo khó, nên cháu thương ông bà, biết sớm đi làm kiếm tiền... Ma xui quỷ khiến thế nào, hôm đó nó lại đi uống rượu rồi phạm tội tày trời”, bà L. sụt sùi khóc và tha thiết xin bị hại tha tội, xin tòa giảm án cho cháu sớm được trở về làm lại cuộc đời.
“Cháu tôi gây tội với ông Côi, gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn nên xin được bồi thường trước cho ông 10 triệu đồng, còn lại cho gia đình xin được bồi thường dần dần”, bà L. hướng về phía bị hại van nài.
Ở hàng ghế bên kia, sau khi lắng nghe bà nội bị cáo trình bày, khuôn mặt ông Côi dường như trầm lại. Người đàn ông nghèo khó sau đó đã đứng lên trình bày trước toà: Đồng ý rút mức kiến nghị bồi thường xuống 35 triệu đồng và xin khoan hồng cho bị cáo.
Đến lúc này, khuôn mặt bất cần của Tiến Anh cũng thay đổi, đôi mắt đỏ hoe, nam thanh niên 9X hướng ánh mắt biết ơn về phía bị hại và quay xuống nói với bà: “Ông bà ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng nghĩ nhiều về cháu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận