Ngành y tế lấy xét nghiệm cho công nhân công ty Nidec Sankyo
Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam nằm trong Khu công nghệ cao Thủ Đức, TP.HCM, có khoảng 4.000 công nhân. Một công nhân có xét nghiệm dương tính với nCoV từ ngày 29/6 nhưng công ty vẫn cho toàn bộ nhà máy làm việc đến trưa 3/7.
Từ lời kể của những công nhân F0
Đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, số ca nghi nhiễm tại Công ty Nidec Sankyo đến nay đã vượt qua 238 ca.
Chị T.T.L (30 tuổi) làm việc tại Công ty Nidec Sankyo cho biết, hiện chị đang điều trị tại bệnh viện dã chiến Khu KTX trường Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trước đó (chiều 3/7), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã ra thông báo yêu cầu Công ty Nidec Sankyo tạm dừng hoạt động để lên phương án phòng, chống dịch Covid-19 sau khi phát hiện nhiều công nhân của công ty này dương tính với SARS-CoV-2.
Theo lời kể của chị L, trưa 29/6, công nhân đang làm việc bình thường thì nhà máy thông báo có ca nghi nhiễm Covid-19. Đến trưa (3/7), có thông tin phong toả công ty vì đã có 91 ca nghi nhiễm. Nhà máy cho công nhân nghỉ và tạm dừng sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm.
Đáng nói, phát hiện ca nhiễm từ 29/6 nhưng công ty này vẫn cho hàng ngàn công nhân làm việc, không có biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đến trưa 3/7, khi 4.000 nhân đồng loạt được tầm soát và phân luồng cách ly thì thật sự khủng hoảng vì nơi ăn chốn ở của một đơn vị sản xuất không thể đáp ứng cho chừng đó con người đảm bảo điều kiện cách ly y tế, dù công ty đã tức tốc mua chăn màn, lều cá nhân cho công nhân.
Chị L cho biết, trưa 3/7, chị và các công nhân khác được bố trí ở trong lều tạm khu vực nhà xe. Nóng bức, ai cũng mệt mỏi và đau đầu. Chị L nghĩ đó là do căng thẳng và điều kiện nơi ở kém.
Ngày đầu, chị L cũng như nhiều công nhân khác gặp khó khăn do công ty chưa kịp chuẩn bị, phải sinh hoạt chung nhà tắm, nhà vệ sinh… Sau đó, công ty cấp cho mỗi người một lều, chăn, gối và đồ dùng cá nhân, sắp xếp ngủ tạm tại nhà xe 3 tầng của nhà máy.
“Ngủ nhà xe nóng, ngột ngạt, công nhân tự lo liệu, người thân tiếp tế, mang quạt. Khổ nhất là chị em phụ nữ mang thai”, công nhân T.T.L cho biết.
Công nhân công ty Nidec Sankyo được phát lều, chăn, gối... và sắp xếp ngủ tạm tại nhà xe 3 tầng của nhà máy ngày 3/7
"Đến tối cùng ngày (3/7), ăn tối xong, tôi chui vào lều nằm nghỉ. Khoảng 1 giờ sáng (4/7), cơ thể bắt đầu có hiện tượng, ớn lạnh, rồi nóng sốt. Ngay lập tức tôi chạy xuống y tế nhưng phòng y tế đóng cửa. Về lại lều cố nhắm mắt ngủ mà không ngủ được nên thức tới sáng.
Khoảng hơn 6h sáng tôi quay lại phòng y tế, vẫn không có ai. Ngồi ghế đợi gần 2 tiếng mới có nhân viên y tế tới. Tôi được nhân viên y tế, kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt. Tới trưa, tôi và các công nhân khác được đưa đi xét nghiệm. Kết quả, tôi cùng nhiều người có kết quả dương tính. Khuya 4/7, tôi được đưa tới bệnh viện dã chiến (Khu ký túc xá trường Đại học Quốc gia) để điều trị”, chị L cho biết.
Chị Nguyễn Nhi (30 tuổi) làm việc tại Xưởng sản xuất 1 Công ty Nidec Sankyo, cho biết đang là diện F1, cách ly tại Ký túc xá trường Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Điều kiện cách ly ở đây tốt hơn ở nhà máy, 3 người chung phòng, nhà vệ sinh khép kín. Tạm thời tôi vẫn ổn, mỗi ngày được nhân viên y tế tới đo nhiệt độ và chưa nhiễm bệnh”, Nhi nói.
Công ty rất cố gắng nhưng lo chưa chu toàn
Bà Trương Kiều Như, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Sankyo nhìn nhận, những ngày đầu, tâm lý công nhân hoang mang. Phía công ty ngay ban đầu cũng gặp trở ngại về chỗ ở, nơi tắm giặt cho công nhân.
Tuy nhiên, để kịp thời khắc phục, công ty đã thuê nhà xưởng còn trống của các đơn vị cùng tập đoàn, lắp trang thiết bị cần thiết để đưa 700 F1 sang cách ly. Nhà máy đã dừng sản xuất, công nhân được nhận 70% lương.
Nhiều thông tin cho rằng, khi xảy ra nhiều ca nghi nhiễm Covid-19, nhà máy không lo cho công nhân, để công nhân “bạ đâu ngủ đó”, bà Như giải thích: Việc này không có, có chăng là lần đầu tiên công ty gặp phải một sự cố bất khả kháng quá lớn nên lúng túng, thời gian đầu xoay trở khó khăn vì phải lo cho 4.000 con người.
Theo bà Như, khuôn viên công ty dành cho sản xuất, không có ký túc xá, nhà vệ sinh không đáp ứng đủ nhu cầu của 4.000 người cùng lúc. Công ty đã sử dụng toàn bộ 3 tầng nhà để xe và một số khu vực ở các xưởng để bố trí chỗ ngủ cho khoảng 3.000 người. Mỗi ngày công nhân được hỗ trợ 3 bữa ăn và toàn bộ nhu yếu phẩm trong thời gian ở lại nhà máy.
Một vấn đề khó khăn khác là công ty đặt mua lều, chăn màn, gối nhưng số lượng quá lớn nên không về kịp, bà Như cho biết.
Trừ khi đi vệ sinh và đi lấy đồ ăn, mọi sinh hoạt của công nhân đều chỉ ở trong chiếc lều
Theo đại diện Ban quản lý Khu công nghệ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca lây nhiễm tăng cao, kéo theo nhiều F1, các khu cách ly tập trung quá tải, Nidec Sankyo thực sự gặp khó khăn, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn cơ quan chức năng, ngành y tế...
Công ty đã cố gắng hết sức nhưng diện tích nhà xưởng chật hẹp, số công nhân quá đông nên khi số ca nghi nhiễm tăng nhanh đã xảy ra lúng túng trong quá trình xử lý.
Vị đại diện này cũng giải thích thêm, thời điểm đó, khu cách ly tập trung của thành phố đang quá tải, không kịp đáp ứng. Khi xét nghiệm phát hiện có công nhân là F0 nhưng không kịp chuyển đi, F1 cũng không thể chuyển đến khu cách ly tập trung (vì quá tải).
Do đó, phía công ty tìm giải pháp là phân khu cách ly tạm để tách các F0, F1, F2 ngay trong Công ty Nidec Sankyo...
Công nhân Công ty Nidec Sankyo được cách ly tại KTX trường Đại học Quốc gia TP.HCM, sáng 8/7
Đất KCN còn trống nhiều, cần làm nơi lưu trú cho công nhân
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam nhìn nhận, bất kỳ đơn vị nào có số lượng người lớn và cùng lúc có nhiều ca nhiễm như vậy cũng sẽ gặp khó, cho nên "rất cần sự cảm thông, chia sẻ".
Ông cũng cho biết, khi xảy ra sự cố, Nidec Sankyo đã mượn xưởng trống của một công ty cùng Tậpp đoàn để công nhân tới ở nhưng khi con số F1 tăng lên hơn 1.000 thì khu này cũng quá tải.
Ông Hồng đề xuất, để phòng ngừa các trường hợp tương tự, Ban chỉ đạo phòng chống dịch nên có kịch bản ứng phó chủ động.
Theo đó, quanh Khu công nghệ cao có rất nhiều ký túc xá các trường học như Đại học Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Cảnh sát, Ngân hàng... Trong lúc các trường cho sinh viên tạm nghỉ, có thể mượn, thuê ngắn ngày làm khu lưu trú tập trung cho công nhân để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất.
Ngoài ra, thành phố cũng nên xây dựng các khu ở tạm thời cho công nhân lao động, kiểu như bệnh viện dã chiến chống dịch như năm 2020 từng làm, để kịp thời cách ly lượng lớn công nhân trong trường hợp dịch bùng phát.
Bữa cơm cho công nhân tại khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM
Cùng chung ý kiến trên, đại diện một doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp đề xuất, nên khảo sát xây dựng khu lưu trú tại các khu công nghiệp để công nhân ở. Bởi hiện nay diện tích đất trống trong khu công nghệ cao còn rất nhiều, chưa xây dựng nhà máy.
Ngoài ra, tận dụng các khu nhà xây rồi nhưng ko có ai ở, đặc biệt là các tập đoàn bất động sản lớn như Novaland, Khang Điền... dọc các tuyến đường cao tốc để làm khu ở tạm thời cho người lao động, khoảng 2-3 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận