Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường trao đổi về sản xuất đông xuân với bà con nông dân huyện Văn Yên dịp đầu năm 2016. |
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ cũng đầy gian khó, mồ côi cha từ bé, trong bối cảnh chung của đất nước thời chiến tranh, song với sự thông minh, ham học, sáng tạo, vượt lên khó nhọc, đồng chí Phạm Duy Cường đã phấn đấu trở thành sinh viên Khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
>>>Vụ sát hại lãnh đạo Yên Bái: “Lỗ hổng” sử dụng súng
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng chí được phân công về công tác tại Phân xưởng Vật liệu, Nhà máy Xi măng Phú Thịnh, tỉnh Hoàng Liên Sơn và gắn bó với công việc này trong hơn 15 năm.
Trong quãng thời gian công tác tại đây, với năng lực, sự nhiệt huyết và quyết tâm cao của tuổi trẻ, đồng chí Phạm Duy Cường cũng đã tìm ra được hướng đi cho mình, tạo những đột phá mang tính bước ngoặt. Sau này, đồng chí được giao phó đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau trên hầu như mọi lĩnh vực như làm Phó trưởng ca, Trưởng ca sản xuất, Phó quản đốc, Bí thư Chi bộ Phân xưởng xi măng, Đảng ủy viên, Quản đốc, Phó giám đốc Nhà máy rồi Giám đốc Nhà máy Xi măng.
Xem thêm video nghi can bắn Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái sau đó tự sát:
Đồng chí được đánh giá là một trong những người con Yên Bái mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, biết tìm tòi hướng đi mới cho công nghiệp phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh những năm cuối thập kỷ 80, 90 và sau đó được giao đảm trách nhiều chức vụ như Bí thư Huyện ủy Yên Bình, rồi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh. Từ tháng 3/2015, đồng chí được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, là người "đứng mũi chịu sào" của địa phương miền núi còn bộn bề gian khó.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn mong muốn được xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển, đồng chí tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm; giữ vững nguyên tắc sinh hoạt, phát huy dân chủ trong hoạt động lãnh đạo; là trung tâm tập hợp, đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn tỉnh; luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương cụ thể hóa vào điều kiện địa phương; luôn say sưa, nhiệt huyết, mạnh dạn đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để cùng tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Đồng chí Phạm Duy Cường trao đổi với bà con người Mông Trạm Tấu về chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi. |
Đồng chí chính là người khởi xướng và quyết liệt chỉ đạo xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả bộ chính sách hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo mang tính đột phá và phát huy hiệu quả như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán công nghiệp; hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa có chất lượng cao ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên; vùng trồng cây ăn quả tập trung ở Văn Chấn, Lục Yên, rồi trồng cây tre măng Bát độ ở huyện Trấn Yên, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ; phát triển cây sơn tra, trồng thảo quả dưới tán rừng phòng hộ, trồng ngô đồi... ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, đã biến những sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của Yên Bái trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa người dân Yên Bái vượt khó đi lên làm giàu.
Tính đột phá trong những chính sách này được Trung ương đánh giá cao. Một số chính sách của tỉnh đã đi trước một bước và là cơ sở thực tiễn để Trung ương nghiên cứu, áp dụng trong địa bàn cả nước. Một trong số đó phải kể đến là Đề án xây dựng mô hình trường, lớp học bán trú cho học sinh ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút học sinh vùng cao được tới lớp, đến trường và Yên Bái là một trong số ít địa phương được đánh giá đi đầu cả nước việc áp dụng mô hình này.
Là người có đầu óc tư duy kinh tế năng động, sáng tạo và có tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xác định đầu tư cho xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước. Vì vậy, đồng chí đã quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị phải cho ra đời bằng được con đường tránh ngập nối thành phố với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài gần 10 km, tổng trị giá đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái. Rồi tiếp đó là con đường nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Việt Hồng, huyện Trấn Yên… hứa hẹn mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển và mời gọi thu hút đầu tư.
Mới đây nữa là việc khởi công xây dựng hai cây cầu Tuần Quán và cầu Bách Lẫm hay như Dự án Bệnh viện Đa khoa 500 giường tỉnh Yên Bái… nhằm mở rộng và phát triển thành phố sang hữu ngạn sông Hồng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong những năm tiếp theo.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trong thời gian qua, Yên Bái đã có bước đột phá trong thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Điển hình là một số dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại vui chơi, giải trí và nhà phố thương mại Shop House của Tập đoàn Vingroup, tổng vốn đầu tư khoảng trên 700 tỷ đồng hay như Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao của Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam, tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Bây giờ là Dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại thành phố Yên Bái của Tập đoàn Hoa Sen cũng đã hạ nhát cuốc khởi công cùng nhiều dự án đang xúc tiến về mặt thủ tục khác.
Video Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường phát biểu:
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, trên từng con đường, trên mỗi công trình của tỉnh đều in đậm dấu ấn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - một người lãnh đạo tận tụy, tâm huyết, miệt mài hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Luôn là hình ảnh mũ cối đội dầu, quần xắn dép lê đến với bà con cơ sở, toát lên ở đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là sự giản dị, mộc mạc, gần gũi cũng là người thẳng thắn, chính trực. Nhìn bề ngoài rất hiền lành nhưng tính thì dễ “nóng như lửa”. Đó cũng là phong cách làm việc của đồng chí, rất quyết liệt, làm ra làm.
Sự ra đi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quá đột ngột khi mà biết bao điều tâm huyết và sự nghiệp vẫn còn dang dở. Đó còn là sự mất mát to lớn và niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng bộ, chính quyền, những đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, gia quyến.
Ngày tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng, người tuôn nước mắt trong cơn bão lòng, ngoài trời mưa xối xả trong cơn bão số 3. Người dân Yên Bái vừa gồng mình để chống chọi với cơn bão số 3 vừa nắm tay nhau vượt lên cơn bão lòng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, biến đau thương thành hành động để cùng xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh như lúc sinh thời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường hằng tâm nguyện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận