Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) khi đương quyền |
Phá “luật bất thành văn”
Cuộc điều tra ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp T.Ư, nguyên Bộ trưởng Công an “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - cụm từ thường được sử dụng để chỉ hành vi tham nhũng; sẽ do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật T.U Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành. Từ tháng 8 năm ngoái, ông Chu đã là mục tiêu điều tra tham nhũng. Từ đó tới nay các cộng sự, tay chân thân tín, người nhà lần lượt bị khởi tố điều tra.
Hôm qua (30/7), ông Đàm Lệ - Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam sau thời gian bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” đã bị cách chức. Ngày 28/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPP) thông báo đã mở các cuộc điều tra 6 quan chức tại một số tỉnh bị cáo buộc nhận hối lộ, lạm quyền và lơ là công tác. Có trường hợp bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
|
Với động thái trên, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ một quy định bất thành văn, theo đó các nhân vật từng có chân trong bộ chính trị là bất khả xâm phạm cho dù đã về hưu. Giáo sư Steve Tsang - Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) đánh giá, “đây là vấn đề lớn. Nó đã phá vỡ quy ước ngầm - các thành viên Bộ Chính trị sẽ không bao giờ bị “sờ gáy” dù có phạm tội hình sự”.
Với chiến dịch “đả hổ đả cả ruồi”, theo giáo sư chính trị học - Joseph Cheng của Đại học Hong Kong thì “Chu Vĩnh Khang chính là con hổ mà ông Tập nhắm tới. Nhưng đây là một con hổ nguy hiểm”. Còn nhà phân tích chính trị Đặng Ngữ Văn nói: Nếu muốn cải cách kinh tế và bài trừ tham nhũng thì phải cần có một điểm đột phá và điểm đột phá được lựa chọn chính là ông Chu. Ngoài ra, động thái này được cho là cải thiện uy tín của Đảng cộng sản và là cách tạo điều kiện cho những chính sách và nhân sự mới. Bởi Trung Quốc đang cần một hướng đi mới sau khi tốc độ tăng trưởng trong suốt 30 năm qua chững lại và bị coi là không bền vững.
Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận: Ông Chu nắm khá rõ những chuyện “thâm cung” nên xử lý theo cách nào, có thoả hiệp hay không cũng phải hết sức thận trọng.
Nhiều quan chức tự sát
Hãng tin Reuters cho biết, từ tháng 1/2013 - 4/2014, có ít nhất 54 quan chức Trung Quốc “chết theo cách trái tự nhiên”. Tháng 4 vừa qua, ông Bai Zhongren - Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc là quan chức cấp cao nhất tự sát, đặt ra rất nhiều nghi vấn. Cũng trong tháng 4, ông Xu Yean - Phó Giám đốc Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo Trung Quốc treo cổ tự tử vì biết nhiều thông tin điều tra một vụ án tham nhũng mà ông có khả năng dính líu. Tiết lộ với Times of India, một giáo sư đại học, đại biểu Quốc hội Trung Quốc giấu tên cho biết: “Các quan chức bị điều tra tham nhũng tự tử vì không chịu được hổ thẹn do buộc phải khai hết bạn bè và người thân. Họ chịu nhiều áp lực về mặt tinh thần trong quá trình điều tra”. Còn ông Simon Denyer của tờ Washington Post cho biết, nhiều người suy luận rằng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt đã khiến nhiều người phải tự sát
Tháng 6 vừa rồi, 866 quan chức Quảng Đông chấp nhận từ chức trong đó có 9 người ở cấp thị trưởng bởi có vợ con đang sinh sống ở nước ngoài, theo Tân Hoa Xã. Sự việc xảy ra sau khi điều tra và phát hiện hơn 1.000 quan chức Quảng Đông có vợ hoặc con đang sinh sống ở nước ngoài. Tuy việc này không vi phạm pháp luật; nhưng nó tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng tuồn tiền “bẩn” ra nước ngoài. Những quan chức có tên trong danh sách phải đưa vợ con về nhà hoặc từ chức nếu không sẽ bị buộc thôi việc.
Quang Minh - Xuân Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận