Lô hàng container đầu tiên được tàu SB vận chuyển từ Hải Phòng đi Hà Tĩnh |
Nhiều doanh nghiệp (DN) có tàu vận tải tuyến sông pha biển (SB) cho biết, rất khó để vận hành tàu vì không tuyển được các chức danh thuyền trưởng, thuyền phó. Tới đây, khi Thông tư 47/2015 của Bộ GTVT có hiệu lực, việc này càng khó hơn.
Thuyền trưởng tàu biển… phải thi lấy bằng tàu sông?
Giám đốc Công ty TNHH Hàng hải Hưng Long (Nam Định) Đinh Văn Hán rất lo lắng khi đơn vị này đang thiếu người có thể bố trí chức danh thuyền phó điều khiển tàu SB. Vận hành hai tàu SB trọng tải 2.500 tấn, hiện DN mới có hai thuyền trưởng, hai thuyền phó. “Nếu căn cứ theo định biên tối thiểu được quy định tại Thông tư 47 quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa, chúng tôi còn thiếu hai thuyền phó”, ông Hán nói.
"Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT sớm chấp thuận việc cho phép sử dụng lực lượng thuyền viên tàu biển sẵn có, đã được đào tạo và có đầy đủ kinh nghiệm được điều khiển tàu SB không cần qua sát hạch chuyển đổi. Giải pháp này sẽ giúp giảm bớt khó khăn nhân sự chủ chốt cho tàu SB, tạo điều kiện cho tàu SB tiếp tục phát triển”. Ông Bùi Thiên Thu |
Theo ông Hán, thực tế còn thiếu nhiều hơn, vì để điều khiển một tàu SB cỡ từ 1.000 tấn trở lên đảm bảo an toàn, không chủ tàu nào chỉ bố trí một thuyền trưởng và hai thuyền phó như quy định tại Thông tư 47 cả, tối thiểu cần 6 người có bằng cấp thuyền trưởng, thuyền phó, để mỗi ca 8 tiếng làm việc phải có hai người điều khiển tàu. Người trợ lý nếu không có bằng thuyền trưởng, thuyền phó cũng phải có trình độ thực tế tương đương để cùng với thuyền trưởng, thuyền phó điều khiển tàu trong mỗi ca trực đảm bảo an toàn.
“Bất cập là chức danh thuyền trưởng, thuyền phó tàu biển không được chấp nhận cho điều khiển tàu SB. Vừa rồi tôi có hỏi và được cơ quan chức năng trả lời rằng, những người có bằng thuyền trưởng tàu biển rồi, vẫn phải thi để lấy bằng thuyền trưởng hạng nhất và hạng nhì tàu sông. Thuyền trưởng tàu biển hạng nhì học trung cấp, điều khiển tàu tới 5.000 tấn, chạy các tuyến Bắc Á rồi, mà còn phải dự thi và chỉ được cấp bằng thuyền trưởng hạng nhì tàu sông, điều khiển tàu tới 400 tấn. Thuyền trưởng tàu biển hạng nhì học cao đẳng mới được hạng nhất tàu sông, song vẫn phải thi”, ông Hán nói.
Nhiều chủ tàu khác cũng cho biết, từ khi có chủ trương của Bộ GTVT mở tuyến vận tải ven biển SB đã phát huy hiệu quả tốt. Đây là tuyến vận tải rất sôi động, chia sẻ gánh nặng cho đường bộ. Trong khi vận tải biển đang trong giai đoạn chưa phục hồi, số anh em có bằng thuyền trưởng, thuyền phó tàu biển muốn chuyển sang đi tàu SB, lại không sang làm việc ngay được.
Chạy ngược chạy xuôi tìm thuyền trưởng
Ông Trần Quang Thắng, Công ty CP Thương mại và vận tải Thái Hà (Hải Dương), cho biết, đang chạy ngược chạy xuôi tìm người cho chức danh thuyền trưởng/thuyền phó tàu SB. “Chúng tôi là đơn vị lớn, trả lương khá cao, nhưng vẫn thiếu tất cả các chức danh cho định biên tàu SB. Từ khi mở tuyến, nhiều DN tham gia nên tìm cách lôi kéo người, rồi anh em cũng có lúc làm lúc nghỉ, nên thiếu lắm”, ông Thắng bày tỏ.
Theo ông Thắng, Công ty Thái Hà mới đây vừa mua thêm một tàu nữa, nâng con số lên 15 tàu SB trọng tải từ 1.000 - 2.400 tấn, trong khi ngoài thủy thủ ra, mới có 14 thuyền trưởng, 14 thuyền phó và 14 máy trưởng. Như vậy, theo quy định tại Thông tư 47 của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, các chức danh chính trên tàu, đơn vị còn thiếu ít nhất một thuyền trưởng, 16 thuyền phó và số máy trưởng/máy phó tương đương.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tuyến vận tải ven biển được hình thành nhanh chóng và hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn một năm qua là nhờ chủ trương rất đúng đắn của Bộ GTVT, được DN hưởng ứng tham gia. Tính đến hết tháng 8/2015, tàu SB đã vận chuyển tới gần 5,3 triệu tấn hàng hóa.
Số lượng tàu vận tải SB tăng rất nhanh, năm 2014 mới có 105 tàu, đến hết tháng 8/2015 đã có 556 tàu phương tiện thủy được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện mang cấp VR-SB được phép hoạt động trên tuyến vận tải ven biển.
Trong khi đó, đến nay Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức 17 khoá học, cấp chứng chỉ cho 683 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến vận tải ven biển (năm 2010 - 2014 tổ chức 9 khóa, với 400 học viên; Năm 2015 tổ chức 8 khóa, với 283 học viên). “Nếu áp dụng theo Thông tư 47, số thuyền trưởng/máy trưởng ít nhất cần nhiều gấp ba lần số này”, ông Bằng cho biết.
Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng cho biết, hơn một năm qua, theo phản ánh của các Cảng vụ Hàng hải, bố trí định biên chủ chốt trên tàu SB thiếu nghiêm trọng. Song để tạo điều kiện cho tàu SB mới ra đời, việc kiểm soát bố trí định biên tàu SB của Cảng vụ chưa quá gắt gao, các DN hoàn thiện dần nhân sự điều khiển tàu SB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận