Thị trường

DN nào hưởng lợi từ mỏ dầu khí lớn nhất lịch sử vừa phát hiện?

22/09/2020, 06:37

PVN công bố phát hiện mỏ dầu khí với trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí tại Lô 114 - Kèn Bầu, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

img
Kèn Bầu được cho là mỏ dầu khí với trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam

Mỏ khí mới Kèn Bầu có thể trở thành siêu dự án dầu khí tiếp theo của Việt Nam với trữ lượng sơ bộ khoảng 230 tỷ m3 khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ và dự kiến khai thác từ năm 2028.

Kỳ vọng từ mỏ Kèn Bầu

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố phát hiện mỏ dầu khí với trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí tại Lô 114 - Kèn Bầu, khiến dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm.

Theo các chuyên gia, mỏ Kèn Bầu nằm trong Lô dầu khí 114 ở ngoài khơi trên thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền điểm gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng khoảng 86km.

Vị trí mỏ này gần bờ nhất so với các mỏ dầu khí khác của Việt Nam, nên khai thác sẽ thuận lợi, giá thành sẽ thấp hơn do giảm được chi phí đường ống và công nghệ tách, xử lý khí. Ngoài ra, về mặt pháp lý, mỏ Kèn Bầu cũng không lo ngại có sự tranh chấp chủ quyền đối với các nước khác.

Được biết, mỏ Kèn Bầu hiện do Công ty Điều hành dầu khí ENI Vietnam BV làm nhà điều hành, thông qua Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC). Trong PSC tại liên doanh ENI Viet Nam BV thì ENI (Ý) nắm 50% cổ phần và ESSAR E&P Limited (Ấn Độ) nắm giữ 50% cổ phần trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Nói về quá trình thăm dò, PetroVietnam cho hay, từ tháng 5/2019, nhà điều hành thực hiện giếng khoan thăm dò thứ nhất, 114 KB-1X. Đến ngày 29/2/2020, họ bắt đầu giếng khoan thẩm lượng thứ hai, 114 KB-2X, đến ngày 29/7/2020 thì kết thúc (khoan 150 ngày). Kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 - 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 - 255 tỷ m3 khí tại chỗ và khoảng từ 400 - 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate).

Nếu các bước đánh giá phân cấp trữ lượng tiếp theo bảo lưu kết quả này, thì đây là phát hiện lịch sử và là mỏ khí lớn nhất tính đến hiện tại của ngành dầu khí Việt Nam. Chưa dừng lại ở đây, PetroVietnam cho hay có thể trong thời gian tới sẽ khoan thêm một vài giếng nữa trong mỏ Kèn Bầu.

Tuy nhiên, tới nay các bên đối tác vẫn chưa có kế hoạch khai thác cụ thể đối với Kèn Bầu vì kết quả trên đây mới chỉ là ước tính trữ lượng tại chỗ trong quá trình khoan thẩm lượng. Thời gian tới phải qua các bước tiếp theo như đánh giá, lập báo cáo trữ lượng… sau đó, mới công bố phát hiện thương mại để đi vào giai đoạn phát triển khai thác.

Tuy nhiên, từ tiềm năng như trên thì cơ cấu hoạt động có thể sẽ tương tự như ở mỏ Cá Voi Xanh. Theo đó, dự kiến, mỏ Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028, các hoạt động từ thượng, trung và hạ nguồn sẽ được tính trong vòng đời 20 năm hoặc 25 năm vận hành và khai thác thương mại.

Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?

Theo báo cáo vừa phát hành Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với việc phát hiện mỏ khí mới Kèn Bầu, loạt doanh nghiệp ngành dầu khí, nhất là trong lĩnh vực khai thác, kỹ thuật dầu khí sẽ được hưởng lợi, như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), hay Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) và Tổng công ty Cổ phần Khoan dầu khí (PVD).

“GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ sản lượng gia tăng tại mỏ Kèn Bầu do vai trò độc tôn trong phân phối khí ở Việt Nam”, báo cáo phân tích của KBSV nhận xét. “Trong khi đó, PVS và PVD được đánh giá là sẽ nhận được các hợp đồng xây dựng tổng thầu (EPC) hay khai thác từ dự án mới này”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý, các doanh nghiệp này cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt trước các đối thủ sừng sỏ trong ngành dầu khí thế giới và có thể khiến “biên lợi nhuận sụt giảm trong thời gian đặc biệt”.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý II của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cho thấy, doanh nghiệp này cũng “chung số phận” sụt giảm doanh thu, lợi nhuận cùng ngành. Theo đó, doanh thu thuần đạt gần 15.630 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp hơn 2.402 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với 2019. Luỹ kế 6 tháng, GAS đạt hơn 32.720 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 4.063 tỷ đồng. Chi phí lãi vay giảm đáng kể và hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi trong kỳ là lực đỡ chính trong nửa đầu năm.

Tương tự, sau một năm tăng trưởng gần 20% doanh thu và hơn 40% lợi nhuận, kết thúc 3 tháng năm 2020, PVS ghi nhận doanh thu thuần 3.241 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận gộp gần 192 tỷ đồng.

Còn với PVD, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu ghi nhận là 1.464 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ nhờ khoản góp đáng kể từ dịch vụ khoan, kỹ thuật dầu khí. Chi phí bán hàng, quản lý, chi phí lãi vay giảm... giúp PVD ghi nhận lợi nhuận ròng quý II khoảng 61 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của KBSV, mỏ Kèn Bầu có thể ảnh hưởng tới việc đầu tư khí hóa lỏng (LNG) và khiến thị trường dư cung. Hiện, trong số 9 dự án đầu tư LNG tại Việt Nam thì GAS là chủ thầu 7 dự án. Tuy nhiên, việc các dự án mỏ khí khác như Cá Voi Xanh hay Lô B chậm đưa vào khai thác, theo KBSV, sẽ khiến rủi ro dư cung trong tầm kiểm soát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.